Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Sức ép "căng hơn đại học" đến từ đâu?

Nhiều chuyên gia nhận định, cần phải trút bỏ những sức ép không đáng có cho học sinh Hà Nội trong kỳ thi vào lớp 10 THPT, thậm chí có ý kiến cho rằng, tổ chức kỳ thi này đã không còn phù hợp với hiện nay.

Trước những ý kiến của phụ huynh, học sinh Hà Nội về việc sẽ phải thi 4 môn vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022, cũng như áp lực thi cử của học sinh trong kỳ thi căng thẳng hiện nay. Báo GĐ&XH xin được trích nêu các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về vấn đề liên quan:

"Nếu thi ít môn, học sinh sẽ coi thường các môn không thi"

Chúng ta cần phải rõ ràng và hiểu rằng, việc học tập có kiểm tra, thi cử là điều tất yếu. Việc Hà Nội tổ chức thi vào lớp 10 với 4 môn thi, theo tôi đây xuất phát từ mong muốn học sinh học toàn diện hơn, chứ không phải học lệch, ôn tủ cốt để đi thi như trước đây.

Bởi ngoài các môn thi, nhiều em học sinh không hề quan tâm đến các môn còn lại, dẫn đến học lệch, gây khó khăn cho bậc THPT bởi gần như là các thầy cô sẽ phải dạy lại từ đầu.

Việc giữ lại môn thi thứ 4 để nhằm hạn chế sự coi thường của học sinh với các môn còn lại. Nếu như do ảnh hưởng dịch bệnh, các nhà quản lý giáo dục sẽ điều chỉnh, chẳng hạn như giảm độ khó của đề thi…

Phụ huynh không nên quan tâm đến việc học cốt chỉ đi thi, mà cần quan tâm đến con học tập, phát triển ra sao. Thực tế, học tập để phát triển bản thân, nâng cao ý thức học tập.

Những học sinh có khả năng, năng khiếu sẽ phát huy, những em học lực yếu thì được bổ trợ. Có những người làm công tác tuyển sinh du học cho rằng, họ không quan tâm đến học sinh học trường nào, mà các trường quốc tế quan tâm đến năng lực thật sự của học sinh, chấp thuận kết quả của các trường ít tên tuổi.

Do đó, phụ huynh cũng nên chọn trường nào mà con mình được phát triển năng lực một cách tốt nhất. Quan tâm tới khả năng, sức khỏe của con mình để chọn trường, chứ nếu trường ở xa mà bắt con đi học vất vả, rất ảnh hưởng tới sức khỏe của con cái.

Do đó, có nhiều trường để cho phụ huynh lựa chọn, không nhất thiết phải quá áp lực phải vào được trường này, trường kia để thỏa mãn mon muốn của bố mẹ chứ không phải sở thích của con cái.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)

thi-vao-lop-10-tai-ha-noi-suc-ep-cang-hon-dai-hoc-den-tu-dau

TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm.

Nhiều quốc gia đã không còn kỳ thi vào lớp 10

Trước hết, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sức ép trong thi cử cũng là từ quan niệm học để để làm quan đã ăn sâu vào tiềm thức chúng ta vì vậy ngay cả hệ thống giáo dục chúng ta hiện nay vẫn đang duy trì một mô tuýp giáo dục cổ súy cho tư duy ấy và chuyện nặng nề thi cử cũng là một điều phản ánh rõ nhất tư duy đó.

Cần phải thiết kế lại hệ thống giáo dục THPT hướng nó phát triển theo đa nghành nghề để có phát triển hết các năng lực của mỗi học sinh chứ không nên duy trì nó theo mô hình đơn nhất định hướng giáo dục học thuật như hiện nay.

Những nền giáo dục phát triển như Úc chẳng hạn, học sinh hoàn toàn không bị áp lực thi cử. Ở các cấp học phổ thông chương trình học rất nhẹ, học sinh có quyền lựa chọn môn học mình thích mà không bị ép buộc hay áp đặt.

Ở Úc, chỉ 30 - 40 % vào đại học thôi còn lại chọn hướng vào các trường nghề. Học sinh được định hướng nghề theo sở thích từ cấp THCS. Vì thế lên lớp 11 đa số đã biết chọn nghề mình yêu thích để theo đuổi. Lớp 11 học sinh có thể chuyển sang học cao đẳng nghề.

Chúng ta đang thực thi chính sách phổ cập giáo dục THCS và hướng tới phổ cập THPT. Ở nhiều quốc gia họ đã hướng tới phổ cập đại học thì kỳ thi vào các cấp không còn phù hợp nữa. Thi cử chỉ là một trong những hình thức hay công cụ giúp đánh giá kiến thức của người học chưa đánh giá toàn diện phẩm chất và năng lực của người học.

Trước đây chúng ta đã từng có kỳ thi vào lớp 6 vào THCS, và chúng ta đã xoá bỏ được thì cớ gì khi chúng ta đang hướng tới phổ cập THPT lại không xoá bỏ kỳ thi vào lớp 10 một kỳ thi nặng nề, chưa đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của người học. Nên bỏ kỳ thi lớp 10 là phù hợp và giảm bớt những áp lực không đáng có cho học sinh và hơn thế nữa nó phù hợp với định hướng phát triển nền giáo dục mới dựa trên phẩm chất và năng lực.

TS Nguyễn Sóng Hiền - Nhà nghiên cứu giáo dục tại Úc

thi-vao-lop-10-tai-ha-noi-suc-ep-cang-hon-dai-hoc-den-tu-dau

TS Nguyễn Sóng Hiền.

Thi cử cáp lực, học sinh dễ bị sang chấn tâm lý

Câu chuyện áp lực của thi cử có thể thấy rằng, sau những kỳ thi lớn, năm nào chúng ta cũng thấy có những học sinh mất hết ý chí, hành động dại dột như gây hại cho bản thân hoặc tự tử.

Ở những học sinh này, kết quả thi tồi chỉ là phần gây áp lực nhỏ. Phần gây sang chấn tâm lý nhiều hơn, dẫn đến hành vi tự tử là những quy gán tự thân "kết quả thi tồi chứng tỏ tôi là một kẻ thất bại"; "tôi luôn là đứa không có năng lực", "tôi sẽ không thể làm nên việc gì nếu chỉ đợt thi này cũng không qua".

Nhiều học sinh thi trượt không phải không có năng lực mà vì áp lực căng thẳng trong thời gian dài ôn thi đã ức chế việc thể hiện năng lực.

Do đó, những người tổ chức thi và phụ huynh cần phải nhận thức rõ những yếu tố có thể làm hạn chế tiềm năng của trẻ để quản lý nó thật tốt trước khi đi thi.

Phải làm thế nào đó để truyền thông cho cả phụ huynh và học sinh hiểu rằng đây chỉ là một bài thi, một điều phải làm và nó không phản ánh tất cả các mặt năng lực của em, nó cũng không phản ánh được việc học sinh là người thành công hay thất bại trong tương lai.

Công tác tổ chức kỳ thi thế nào để hôm thi cũng diễn ra như một buổi học bình thường. Kết quả thi là một vấn đề riêng tư của cá nhân được quản lý bằng tài khoản thay vì công bố rộng rãi như hiện nay để tránh việc so sánh với "con người ta".

PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)

thi-vao-lop-10-tai-ha-noi-suc-ep-cang-hon-dai-hoc-den-tu-dau

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: Đ.Tuệ

Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 của UBND TP.Hà Nội, việc tuyển sinh sẽ nhằm mục đích thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan.
 
Đảm bảo 100% học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng, công khai, tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh…

Theo GiaDinh