Thông tin mới nhất về sức khỏe của nữ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam

Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngày 3/10, Bộ Y tế đã nhận được báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox vi rút thuộc clade IIb. Đây là bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam.

Được biết, nữ bệnh nhân 35 tuổi, thường trú tại TP Hồ Chí Minh; khởi phát bệnh ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7 đến 22/9 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

thong-tin-moi-nhat-ve-suc-khoe-cua-nu-benh-nhan-mac-benh-dau-mua-khi-dau-tien-o-viet-nam

Ảnh minh họa

Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP HCM. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TP HCM).

Ngày 25/9/2022, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.

Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chia sẻ với phóng viên Infonet, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM cho biết, virus đậu mùa khỉ có tồn tại trong giọt bắn, nhưng là ở giọt bắn lớn, không lơ lửng mà rớt nhanh xuống thấp, vì vậy, bệnh không dễ lây qua đường hô hấp.

Ngoài ra, cũng có thể do nồng độ virus trong giọt bắn rất thấp nên chưa đủ khả năng để gây bệnh. Tuy nhiên, tất cả khả năng trên chỉ là giả thuyết và cần có thời gian nghiên cứu.

Chuyên gia nhận định, vì virus đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc gần và có tìm thấy trong tinh dịch, nên việc quan hệ tình dục nói chung và quan hệ tình dục đồng giới nam có thể là một con đường lây nhiễm bệnh.

Những dấu hiệu đậu mùa khỉ thường gặp ở người

Thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ bắt đầu từ 6 - 13 ngày hoặc rơi vào khoảng 5 - 21 ngày kể từ khi nghi nhiễm mắc phải bệnh.

Giai đoạn đầu tiên của bệnh từ 1 - 5 ngày đầu, dấu hiệu đậu mùa khỉ thường thấy sẽ là đau đầu, sốt, đau cơ, đau lưng nhất là sưng hạch.

Giai đoạn thứ hai kéo dài từ 1 - 3 ngày sau khi cơn sốt suy giảm. Lúc này, những phát ban bắt đầu xuất hiện. Cụ thể nốt ban có thể kéo dài theo trình tự trong khoảng 2 - 4

Đáng chú ý ở đây, có những bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện lâm sàng không quá điển hình khi mắc phải dịch bệnh đậu mùa khỉ. Bởi vì xét theo góc độ y khoa, những dấu hiệu đậu mùa khỉ không khác gì những triệu chứng bệnh lý bình thường khác. Tuy nhiên, phát ban vẫn được coi là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Theo GiaDinh