Thủ phạm gây cháy điều hòa ít ngờ đến

Vào mùa hè, sử dụng cùng lúc quá nhiều thiết bị tiêu thụ điện khiến nguồn điện bị yếu. Điều này có thể làm điều hòa bị cháy. 

Đang ngủ ngon, nửa đêm bố mẹ anh Trương Xuân Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng nhiên bật dậy vì... nóng mặc dù trước đó phòng đã bật điều hòa. Sau khi kiểm tra mới hay, điều hòa đã không còn hoạt động. Bật khởi động lại, máy vẫn không chạy. 

Sau khi kiểm tra, thợ sửa điều hòa cho biết, điều hòa bị cháy. Nguyên nhân do trong nhà ông bật cùng lúc 4 điều hòa dẫn đến dòng điện không đủ tải, hay nói cách khác, máy cháy do điện yếu. 

Theo các chuyên gia, vào mùa hè, do nhiều yếu tố dẫn đến nguồn điện yếu như dùng cùng lúc nhiều thiết bị điện, đường dây chịu tải không đảm bảo... Nếu vẫn duy trì bật các thiết bị, đặc biệt là máy điều hòa thì nguy cơ cháy máy rất cao. Cụ thể, phân tích về cháy điều hòa, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học & Công nghệ nhiệt lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, thông thường điện áp dành cho máy 220V phải nằm trong phạm vi cho phép là từ 198 - 242V. Nếu nguồn điện thấp hơn và cao hơn 198 – 142V đều có thể dẫn đến các hiện máy không khởi động được hoặc khi chạy sẽ làm lạnh kém, không đảm bảo an toàn. 

“Khi điện yếu thì máy sẽ hoạt động kém lạnh. Vì thế, nếu dòng điện không ổn định hoặc không có bộ ổn áp thì không nên chạy máy vì nguy cơ cháy máy rất cao. Tuy nhiên, trong trường hợp điện yếu, tốt nhất là ngừng máy để bảo vệ an toàn”, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Thủ phạm gây cháy điều hòa ít ngờ đến

 

Điều hòa đời mới có thiết bị tự động bảo vệ

“Khi sử dụng ổn áp sẽ tiêu tốn khoảng 5% tổng số điện tiêu thụ. Nếu dùng ổn áp cho càng nhiều thiết bị thì tổng số điện tổn thất do thiết bị này càng cao. Ngoài ra, công suất ổn áp phải cao hơn công suất của các thiết bị cần dùng. Nếu công suất không đảm bảo, các thiết bị vẫn có thể bị ảnh hưởng như khi chưa sử dụng”.

PGS.TS Nguyễn Đức Lợi

Ở góc độ khác, các chuyên gia cũng cho hay, về cơ bản có thể nhận biết điện yếu thông qua cảm quan nhờ các các thiết bị điện tử như bóng đèn không đủ sáng, máy lạnh chạy yếu... Tuy nhiên, cách này hoàn toàn không chính xác, vì thế nguy cơ hỏng máy càng cao. Tốt nhất, khi điện áp thất thường, tốt nhất nên lắp vôn kế trong nhà để kiểm tra và theo dõi. Hoặc để an toàn, cần có sự tính toán các công suất các nguồn điện sử dụng trong nhà, công suất chịu tải của dây dẫn... từ đó sử dụng sao cho  phù hợp, tránh quá tải. 

Tuy nhiên, ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, đối với các loại máy đời mới với công nghệ on/off hay sử dụng công nghệ biến tần inverter, trong máy đã có sẵn bộ phận tự động ngắt máy khỏi nguồn điện để bảo vệ máy nén và bo mạch không bị cháy khi điện áp quá thấp hoặc quá cao. Vì thế, với các loại máy này, người dùng không cần lắp thêm bộ bảo vệ nào nữa.

“Trong các thiết bị điện, chỉ có tủ lạnh và máy điều hòa là gặp nguy hiểm khi điện yếu vì có thể bị cháy máy nén. Nên lắp thêm bộ bảo vệ cho tủ lạnh và máy điều hòa nếu các loại đó là kiểu cũ không có bố trí sẵn trên máy”, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi cho hay.

Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), thời tiết nắng nóng cùng nhiệt độ ngoài trời tăng cao khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng, dẫn đến sản lượng tiêu thụ điện tăng đột biến đã gây ra hiện tượng mất điện do quá tải cục bộ tại một số khu vực. Do đó, người dân tắt các thiết bị điện không cần thiết, để điều hòa ở nhiệt độ từ 25 - 28 độ C, hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm.

Theo Hiền Dung (Kiến Thức)