Thuốc giảm cân dù có 'tự nhiên' cũng chưa chắc chắn đã an toàn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân và béo phì đã trở thành gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu, khi tỉ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 1975, với 1,9 tỉ người lớn (tương ứng 39%) bị thừa cân và béo phì.

Thừa cân và béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, sau khi các biện pháp như tăng cường hoạt động thể lực, thay đổi lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân thất bại, thì việc dùng thuốc hỗ trợ kết hợp thêm là cần thiết để quản lý cân nặng.

Tuy nhiên, đối tượng chỉ định của tất cả các loại thuốc giảm cân là bệnh nhân béo phì (BMI ban đầu = 30) hoặc bệnh nhân thừa cân có BMI = 27 kèm theo các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…). Bệnh nhân có BMI thấp hơn, đặc biệt là người không thừa cân, nhưng muốn giảm cân để có vóc dáng và hình thể đẹp, thì không nên tự ý dùng thuốc giảm cân.

Đặc biệt hiện nay không nhiều loại thuốc giảm cân được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Bởi chúng có những tác dụng không mong muốn. Đã có nhiều thuốc giảm cân bị buộc phải rút khỏi thị trường. 

thuoc-giam-can-du-co-tu-nhien-cung-chua-chac-chan-da-an-toan

 Không phải ai cũng có thể sử dụng thuốc giảm cân. Ảnh minh họa

Thậm chí trên thị trường hiện nay có vô vàn các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo xuất xứ nguồn gốc thiên nhiên, có tác dụng giảm cân, thậm chí giảm cân “thần tốc”. Điều này đánh vào tâm lý e ngại thuốc của đa số người dùng. Cần nhấn mạnh rằng, dù có thật sự “tự nhiên” thì cũng không chắc chắn an toàn bởi một số chất trong thực vật hay động vật cũng có hoạt tính rất mạnh. Đa số có hiệu quả thấp, gần như không có tác dụng hoặc rất khó xác định.

Các thực phẩm chức năng ghi thành phần trên nhãn là hỗn hợp các loại dược liệu, thảo mộc. Chúng khó có thể mang lại hiệu quả giảm cân nhanh cho người dùng. Vì vậy nhiều sản phẩm cố tình trộn các hoạt chất đã bị cấm lưu hành với hàm lượng cao để mang lại tác dụng tức thì.

Nhiều loại thuốc giảm cân được quảng cáo là làm tăng hoạt động trao đổi chất, giảm cảm giác thèm ăn và cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng hơn. Thực tế, nếu có thể đảm bảo các tiêu chí này thì đó lại là những loại thuốc giảm cân chứa chất kích thích, tức có thành phần là amphetamine hoặc kết hợp giữa caffeine, guarana hay các phần có gốc amphetamine khác. Amphetamine từ lâu đã bị cấm dùng trong thuốc vì được xem là một dạng ma túy.

Những chất kích thích này làm tăng huyết áp và nhịp tim rất nhanh. Nếu có mắc bệnh tim thì thuốc có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, đối mặt nhiều nguy hiểm.

Trước khi bị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm lưu hành vào năm 2004, nhiều loại thuốc giảm cân còn chứa ephedra, một chất kích thích có nguồn gốc thảo dược và rất nguy hiểm nếu dùng ở liều cao do ghi nhận dẫn đến đau tim, đột quỵ và thậm chí tử vong.

Mặc dù vậy, một số nhãn hàng thuốc giảm cân hiện vẫn sử dụng trái phép thành phần này vào công thức sản phẩm. Đó là lý do tại sao bạn cần lựa chọn thuốc từ một nguồn chính thống và có uy tín, nhằm hạn chế tối đa tác hại thuốc giảm cân.

Một tác hại của thuốc giảm cân mà ít người đề phòng chính là khả năng gây nghiện, chủ yếu liên quan đến thành phần amphetamine. Ngày càng có nhiều người dùng thuốc cải thiện các triệu chứng của sự thiếu chú ý, mất ngủ như Adderall vì tác dụng thứ cấp của thuốc giảm cân. Những toa thuốc này thường được kê ở liều cao hơn so với người điều trị tăng động giảm chú ý (ADHD). Tuy nhiên, ngay cả việc sử dụng Adderall với liều lượng theo quy định cũng có nguy cơ gây phụ thuộc về tâm lý và thể chất. Theo FDA tuyên bố, người sử dụng sẽ có khả năng lạm dụng thuốc cao.

Việc giảm cân càng nhanh càng gây hại cho sức khỏe và gây nguy hiểm vì cơ thể không kịp thích nghi. Một số loại thực phẩm chức năng có chứa thuốc lợi tiểu, dược liệu có tính nhuận tràng để làm giảm cân do mất nước, nhưng chỉ là tạm thời. Điều này gây tác hại khôn lường cho người dùng vì các tai biến tim mạch, suy gan, thận, căng thẳng, mất ngủ, uể oải... Tuyệt đối không sử dụng thêm bất kỳ loại thực phẩm chức năng giảm cân nào khi đang dùng thuốc giảm cân theo chỉ định của bác sĩ.

Theo VietQ