Tiêm vaccine có khả năng giảm nguy cơ mắc hậu COVID-19

Theo nghiên cứu mới nhất, những người được tiêm vaccine trong thời gian nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc các hội chứng COVID-19 kéo dài thấp hơn.

Giống như các biến thể virus SARS-CoV-2 trước đó, các bác sĩ cho rằng người nhiễm biến thể Omicron cũng có thể gặp những ảnh hưởng lâu dài sau khi hồi phục.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) định nghĩa hội chứng COVID-19 kéo dài là các vấn đề sức khỏe mới, xảy ra ở người có tiền sử nhiễm virus SARS-COV-2. Tình trạng này xuất hiện sau 3 tháng mắc COVID-19 với các triệu chứng kéo dài và không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Theo ước tính, khoảng 35% số ca bệnh phát triển triệu chứng của hội chứng COVID-19 kéo dài.

Hội chứng bao gồm nhiều triệu chứng với thời gian hồi phục khác nhau. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine đã phân tích dữ liệu từ 41 nghiên cứu, bao gồm hơn 860.000 người trên khắp thế giới.

Theo đó, trong 4 nghiên cứu với thông tin tiêm chủng của gần 250.000 người. Những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 giảm gần 50% nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài so với người không tiêm vaccine.

tiem-vaccine-co-kha-nang-giam-nguy-co-mac-hau-covid-19

Những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 có khả năng giảm nguy cơ mắc hậu COVID-19. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Eleana Ntatsaki, bác sĩ chuyên khoa thấp khớp tại Bệnh viện Ipswich ở Anh, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng vì chúng cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn về những bệnh nhân có nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài và những lợi ích của việc tiêm chủng".

Tiến sĩ Linda Geng, đồng Giám đốc Phòng khám hội chứng COVID-19 sau cấp tính của Đại học Stanford cũng cho biết, những phát hiện này rất đáng khích lệ và bổ sung thêm bằng chứng cho thấy vaccine có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 kéo dài.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ, những người hút thuốc, những người thừa cân và người lớn trên 40 tuổi có khả năng mắc COVID lâu hơn.

Việc phải nhập viện khi bị nhiễm COVID-19, cũng như các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn bao gồm hen suyễn, COPD, tiểu đường, bệnh tim mạch vành, hệ thống miễn dịch suy yếu, lo lắng và trầm cảm cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các tác giả nghiên cứu cho biết, những phát hiện này sẽ giúp nhà cung cấp hiểu rõ hơn về COVID kéo dài. Từ đó, nâng cao hiệu quả các chiến dịch sức khỏe cộng đồng, khuyến khích cai thuốc lá, tiêm phòng và kiểm soát cân nặng hợp lý.

Một nghiên cứu khác được công bố trên JAMA Internal Medicine cho thấy, việc sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid (thuốc của Pfizer đã chính thức được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) năm 2021 để thử nghiệm điều trị COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình) có thể giảm 26% nguy cơ mắc COVID kéo dài, 47% nguy cơ tử vong và 24% nguy cơ nhập viện sau 30 ngày kể từ lần nhiễm đầu tiên.

Đây là phương pháp điều trị kháng virus cho bệnh COVID-19. Nó kết hợp loại thuốc kháng virus mới là Nirmatrelvir với loại thuốc cũ là Ritonavir. Paxlovid có thể dùng cho người từ 12 tuổi và giảm đáng kể nguy cơ nhập viện hay tử vong ở những người mắc COVID-19 nặng.

Theo tiến sĩ Ziyad Al-Aly, trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe VA St. Louis, đồng tác giả của nghiên cứu:"Paxlovid thực sự là một biện pháp quan trọng, giúp giảm nguy cơ bệnh nhân COVID-19 trở nặng trong giai đoạn cấp tính".

Việc dùng thuốc Paxlovid cho thấy tác dụng cao ở bệnh nhân 65 tuổi trở lên với khả năng giảm tỷ lệ nguy cơ tử vong do COVID-19 tới 81%.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Ziyad Al-Aly, Paxlovid mới chỉ được dùng ở người lớn trên 60 tuổi hoặc những người có bệnh lý nền. Vì vậy, hiệu quả của nó không được ghi nhận ở người trẻ tuổi, những người ít có nguy cơ tử vong do COVID-19 hơn.

Các chuyên gia hy vọng nghiên cứu này sẽ khuyến khích các nghiên cứu sâu hơn về hội chứng COVID-19 kéo dài.

Theo GiaDinh