Từ chuyện của những "thánh chửi" Duy Mạnh, Trang Trần: Đã đến lúc cần phải áp dụng các chế tài nghiêm khăc để làm trong sạch môi trường mạng

Thời gian gần đây xảy ra hiện tượng một số nghệ sĩ, người nổi tiếng có những phát ngôn dung tục, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, đã đến lúc chúng ta cần chấn chỉnh tình trạng này bằng một chế tài nghiêm khắc.​

Có thể nói rằng mạng xã hội ngày nay có đủ mọi thứ từ những hoạt động văn hóa, khoa học, kỹ thuật đến những thứ kinh dị, quái đản. Nhiều người coi mạng xã hội như chỗ không người hoặc như diễn đàn của riêng mình để nói tục, chửi bậy, khoe mẽ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác khiến cho môi trường mạng trở nên độc hại, ngày càng ô nhiễm hơn. 

Phải nói rằng, đó là những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực đến xã hội cần phải áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý thì mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân trên không gian mạng.

Pháp luật Việt Nam đã có rất nhiều quy định để quản lý môi trường mạng, nhằm giới hạn hành vi của các chủ thể để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể khác. Đặc biệt phải kể đến Luật An ninh mạng và các văn bản về quản lý hoạt động bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện.

Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật đã có, xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ hơn nữa, tốt hơn nữa môi trường mạng.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Nếu ai đó cho rằng mình đã giàu có, quyền lực hơn người, có thể muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận xâm phạm đến quyền lợi của chủ thể khác thì đó là sai lầm và cái giá phải trả có lẽ sẽ là quá đắt, có thể là tù tội.

tu-chuyen-cua-nhung-thanh-chui-duy-manh-trang-tran-da-den-luc-can-phai-ap-dung-cac-che-tai-nghiem-khac-de-lam-trong-sach-moi-truong-mang

Chửi nhau trên mạng trở thành một trào lưu nở rộ trong thời gian qua (ảnh minh họa internet)

Trước sự bát nháo trên mạng xã hội vừa qua, Bộ thông tin và Truyền thông đã có văn bản cảnh báo, yêu cầu Sở thông tin và truyền thông; Sở Văn hóa thể thao và Du lịch ở các địa phương cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát và xử lý vi phạm. 

Từ chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhưng một số cá nhân vẫn có hành vi vi phạm, vẫn có những hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội chửi bới, bới móc, văng tục, chửi bậy, làm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. 

Chính điều này đã ảnh hưởng đến văn hóa, làm suy giảm đạo đức xã hội, gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy đã đến lúc chính quyền địa phương cần phải xử lý mạnh tay bằng các chế tài hành chính và hình sự thì mới làm trong sạch được môi trường mạng.

Theo đó, đối với những thông tin bịa đặt, vu khống, sai sự thật, quy kết sai phạm của tổ chức, cá nhân thiếu căn cứ thì có thể xem xét xử lý hình sự về tội vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo quy định của Bộ luật hình sự chứ không đơn giản chỉ là xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Với những người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội, bị nhắc nhở nhiều lần nhưng cố tình vi phạm, vi phạm có tính chất hệ thống, coi thường pháp luật thì có thể áp dụng bằng chế tài hình sự trên cơ sở các quy định của bộ luật hình sự, cụ thể như sau:

Nếu người nào đưa thông tin mà biết rõ là sai sự thật lên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, quy kết người khác vi phạm pháp luật mà không có căn cứ, bị nạn dân tố cáo thì người đưa tin sai sự thật có thể bị xử lý hình sự về tội "Vu khống" theo Điều 156 (BLHS 2015).

Hành vi đưa những thông tin trái phép nên mạng internet, những thông tin có tính chất vu khống, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, tuyên truyền cổ suý lối sống sa đọa, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục... là vi phạm quy định tại Điều 8 Luật an ninh mạng năm 2018. Hành vi này gây dư luận xấu thì cũng có thể bị xử lý hình sự về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Điều 288 (Bộ luật Hình sự 2015).

tu-chuyen-cua-nhung-thanh-chui-duy-manh-trang-tran-da-den-luc-can-phai-ap-dung-cac-che-tai-nghiem-khac-de-lam-trong-sach-moi-truong-mang

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc để chặn đứng tình trạng coi mạng xã hội là nơi chửi bới, xúc phạm nhau.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, sử dụng các tính năng phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội này pháp luật không cấm. Nội dung bày tỏ quan điểm thái độ của mình trên mạng xã hội là quyền tự do ngôn luận, pháp luật cũng cho phép mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và đều có quyền thể hiện quan điểm thái độ của mình với các vấn đề xã hội. 

Tuy nhiên nếu hành vi đi quá giới hạn, lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 331 BLHS về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Các quyền tự do dân chủ được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận nhưng lợi dụng các quyền tự do này để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường mạng thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể áp dụng quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự để xử lý đối với các đối tượng vi phạm có liên quan theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý. Trường hợp công dân phát hiện ra tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thì có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để được cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Việc tổ chức cá nhân nào sai phạm, sai phạm đến mức độ thế nào, bị xử lý ra sao phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định. 

Nếu chỉ có những thông tin một chiều, chưa đầy đủ, chưa được xác thực nhưng đã lên mạng xã hội bày tỏ thái độ, quy kết, có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, thể hiện sự hống hách, ngạo mạng, coi thường người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, của cá nhân.

Bởi vậy đã đến lúc cơ quan chức năng cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc để chặn đứng tình trạng coi mạng xã hội như chỗ không người, thản nhiên chửi bới thoá mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác như hiện tượng đang diễn ra hiện nay.

Luật sư Đặng Văn Cường

Theo GiaDinh