Từ việc 100 nam tranh 5 nữ, chuyện 'khát vợ' ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng

"Ngày hội hẹn hò" đã được tổ chức ở huyện Bi Châu, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Khoảng 100 người đàn ông tụ tập tại một bãi đất trống dưới chân cầu để 5 cô gái lựa chọn.

tu-viec-100-nam-tranh-5-nu-chuyen-khat-vo-o-trung-quoc-ngay-cang-nghiem-trong

Quang cảnh "Ngày hội hẹn hò" ở Bi Châu (Trung Quốc) vào mùng 5 Tết, khi 100 thanh niên đứng chen chúc chờ 5 cô gái lần lượt "xem mắt" - Ảnh: HK01

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đang chứng kiến tình trạng thừa nam thiếu nữ rõ rệt. Do mất cân bằng giới tính, nhiều đàn ông ở Trung Quốc đang rất khó tìm vợ.

Những ngày qua, câu chuyện 100 thanh niên xếp hàng chen chúc để chờ chỉ  5 cô gái "xem mắt" tại một ngôi làng ở Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của truyền thông nước này và quốc tế. Câu chuyện này phần nào nói lên cơn "khát vợ" tại Trung Quốc.

100 nam tranh giành… 5 nữ

Vào mùng 5 Tết Nguyên đán vừa qua (tức 5-2 dương lịch), một "ngày hội hẹn hò" đã được tổ chức ở huyện Bi Châu, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Khoảng 100 người đàn ông tụ tập tại một bãi đất trống dưới chân cầu để 5 cô gái lựa chọn. Buổi xem mắt này do người dân trong làng tự nguyện tổ chức và diễn ra thường niên vào dịp Tết.

"Chúc cô chú ăn Tết vui vẻ! Tôi là dân huyện Bi Châu, năm nay 28 tuổi. Hiện tại tôi có nhà và có ôtô. Nhà tôi còn có ba chị em gái" - một người đàn ông giới thiệu trong video quay tại hiện trường.

Bà Giang, một người mai mối cũng có mặt tại buổi hẹn hò, cho biết hiện nay tại địa phương nói trên nam giới trong độ tuổi kết hôn nhiều hơn nữ. Yêu cầu của các cô gái đưa ra với các chàng trai về cơ bản là phải có nhà, có xe, công việc ổn định, sính lễ 160.000 nhân dân tệ (570 triệu đồng) và có thể lên tới 300.000 - 400.000 nhân dân tệ... Nếu chàng trai ưa nhìn và điều kiện kinh tế gia đình tốt thì việc tìm kiếm bạn đời dễ hơn.

Cục Dân chính Bi Châu cho biết vụ việc trên là kết quả của tình trạng mất cân bằng về tỉ lệ nam nữ trong độ tuổi kết hôn ở địa phương. Theo số liệu từ cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 của Trung Quốc được công bố vào tháng 5-2021, số lượng nam giới ở nước này nhiều hơn nữ giới tới 34,9 triệu người. Trong đó có 17,52 triệu nam giới "dư thừa" thuộc độ tuổi có thể kết hôn (từ 20 đến 40 tuổi).

Tiến sĩ Lục Đĩnh, nhà kinh tế trưởng chuyên về Trung Quốc tại Công ty Nomura, cho rằng tình trạng đông nam thiếu nữ tại Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới. "Theo số liệu chính thức, tỉ lệ nam nữ trong độ tuổi 20 - 30 ở Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn khoảng 122 nam : 100 nữ trong 10 năm tới" - ông Lục nói.

Nguyên nhân và hậu quả

Tư tưởng trọng nam khinh nữ, chỉ coi nam giới mới có thể "nối dõi tông đường" và các chính sách kìm hãm dân số thời gian dài đã dẫn tới tình trạng chênh lệch giới tính trầm trọng ở một số nước châu Á.

Phó giáo sư Cận Vĩnh Ái, đến từ Trung tâm Nghiên cứu dân số và phát triển thuộc Đại học Nhân Dân ở Trung Quốc, giải thích mong muốn có con trai được thể hiện mạnh mẽ nhất ở vùng nông thôn Trung Quốc, nơi những quan điểm truyền thống vẫn còn phổ biến, dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều "con gái biến mất".

Ngoài sự mất cân bằng nam - nữ, cuộc sống hiện đại cũng làm thay đổi cách nhìn nhận của giới trẻ châu Á về hôn nhân. Điều này đặc biệt đúng đối với những phụ nữ có học thức - những người ưu tiên cho sự nghiệp và thường trì hoãn việc kết hôn. Ngày càng nhiều phụ nữ rời khỏi các khu vực nông thôn và chuyển tới các thành phố vì mục đích giáo dục, tìm việc làm và kết hôn.

Một cuộc khảo sát năm 2020 đối với năm ngôi làng của Cục Thống kê TP Tảo Trang (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) cho thấy nam và nữ giới vẫn độc thân vì nhiều lý do khác nhau như: mất cân bằng giới tính, điều kiện kinh tế kém, tiêu chí cao hơn đặt ra cho người bạn đời...

Cuộc khảo sát kết luận tình trạng dư thừa đàn ông độc thân có thể gây ra các vấn đề xã hội. Nam giới sẽ có khả năng cao gặp các vấn đề về thể chất và tâm lý, cũng như có mức độ hòa nhập xã hội thấp. Chính quyền địa phương cũng cảnh báo tình trạng mất cân bằng giới tính có thể dẫn tới việc buôn bán phụ nữ.

Thời gian qua, các nhóm chống buôn người đã thúc giục các nước Đông Nam Á phải cải thiện triển vọng việc làm cho phụ nữ tại đất nước của họ và tăng cường thực thi pháp luật tại biên giới để ngăn tình trạng ngày càng nhiều cô dâu bị bán sang Trung Quốc.

Đàn ông Singapore, Ấn Độ lo "ế"

Hôm 12-2, báo Straits Times chia sẻ câu chuyện nhiều nam giới Singapore tìm vợ Việt Nam nhưng những biện pháp hạn chế nơi biên giới hai nước để chống dịch COVID-19 đã cản trở các cuộc hôn nhân như thế này do những người muốn tìm hiểu không thể gặp nhau bên ngoài.

Nhà sáng lập Mark Lin (60 tuổi), đến từ Hãng mai mối "True Love Vietnam Bridge Matchmaker" ở Singapore, từng sắp xếp đưa nam giới đến Việt Nam để gặp trực tiếp 30 phụ nữ trong một lần đi. Tuy nhiên, với các biện pháp hạn chế áp dụng ở biên giới để chống dịch COVID-19, Lin cho biết tỉ lệ ghép đôi thành công của ông đã giảm từ 95% xuống còn 20%.

Tháng 11-2021, báo Times of India chia sẻ câu chuyện hơn 40.000 thanh niên đạo Bà la môn trong độ tuổi 30 - 40 tại bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ gặp khó khăn trong việc tìm vợ vì tình trạng rất thiếu phụ nữ có thể kết hôn trong cùng cộng đồng này.

Lúc đó Hiệp hội Bà la môn Tamizhnadu (TBA) đã phát động phong trào tìm kiếm cô dâu đến từ các bang khác là Uttar Pradesh và Bihar. Chủ tịch TBA Narayanan ước tính trong cộng đồng nói trên ở bang Tamil Nadu, cứ 10 nam trong độ tuổi kết hôn thì chỉ có 6 nữ cùng độ tuổi.

Theo Tuoitre