Từ vụ phát hiện mẫu màng bọc thực phẩm "bẩn" đến những chất độc tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe

Việc dùng màng bọc thực phẩm không đúng cách, không đảm bảo lâu ngày sẽ tích lũy chất độc vào cơ thể gây ngộ độc mãn tính. Điều đáng sợ là người dùng không hề hay biết.

Vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành lựa chọn và mua ngẫu nhiên tại các siêu thị trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh 8 loại màng bọc thực phẩm khác nhau. Trong đó, 3 mẫu là các thương hiệu nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan và 5 mẫu là các thương hiệu Việt Nam được sản xuất trong nước.

Từ vụ phát hiện mẫu màng bọc thực phẩm

Ảnh minh họa

Kết quả, trên 8 mẫu được thử nghiệm và đánh giá theo QCVN 12-1/BYT về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có 3 mẫu không phù hợp với chỉ tiêu “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút”.

Cụ thể, 3 mẫu nhập khẩu đều phù hợp QCVN 12-1/BYT. Trong đó, hàm lượng “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút” rất thấp thậm chí sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản đạt ở mức rất thấp 10,5 µg/mL.

5 mẫu sản xuất trong nước (Việt Nam) có 2 mẫu phù hợp QCVN 12-1/BYT nhưng có hàm lượng “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút” khá cao từ 126 µg/mL và 149 µg/mL. 3 mẫu không phù hợp đối với chỉ tiêu “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút”. Cụ thể, theo quy định mức giới hạn tối đa của QCVN 12-1/BYT là 150 µg/mL, trong khi các mẫu có hàm lượng “Cặn khô trong n-heptane ở 25 °C, 60 phút” từ 162 µg/mL đến 187 µg/mL.

Theo đánh giá của Quatest 3, các chất thôi vào thực phẩm thường không nhiều để có thể gây ngộ độc cấp tính. Điều đáng quan tâm là khả năng tích lũy lâu dài của các hóa chất này, có thể gây ngộ độc mãn tính thường là nguy hiểm, khó lường trước được và người dùng không thể biết được. Tất nhiên ngộ độc mãn tính còn tùy thuộc cơ địa của người bị nhiễm.

Những sai lầm cần cánh khi dùng màng bọc thực phẩm

Để hạn chế những tác hại không đáng có mà màng bọc thực phẩm có thể mang lại cho sức khỏe, ngoài việc lựa chọn sản phẩm uy tín, bạn cần lưu ý tránh những điều sau đây:

Từ vụ phát hiện mẫu màng bọc thực phẩm

Không dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản rau, củ, quả. Ảnh minh họa

Không dùng trong lò vi sóng

Hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng là một sai lầm tai hại. Bởi màng bọc thực phẩm có thể chứa các chất hóa học như Phthalates và DEHA khi gặp nhiệt độ cao sẽ khiến chúng tan chảy và biến thành chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm.

Không bọc thực phẩm nhiều dầu mỡ

Một sai lầm khi dùng màng bọc thực phẩm đó là bọc đồ ăn chín, đồ ăn nóng và những thực phẩm chứa dầu mỡ vì sau khi tiếp xúc với những thực phẩm này, thành phần hoá học chứa trong màng bọc sẽ dễ dàng phát huy, thâm nhập vào thực phẩm, gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ.

Ngoài ra, không dùng bọc những thực phẩm ở môi trường acid, kiềm hoặc nhiệt độ cao. Các chất độc hại này thôi nhiễm vào thực phẩm sẽ tác động đến hệ thống nội tiết làm phát triển sớm ở trẻ em gái và ảnh hưởng đến sinh sản ở trẻ em trai.

Không dùng để bảo quản rau củ quả

Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu dùng màng bọc thực phẩm để bọc các loại củ, quả như cà rốt, dưa chuột, đậu đũa sẽ khiến hàm lượng vitamin C bị giảm lớn.

Sau 1 ngày sử dụng màng bọc để bảo quản 100g cà rốt thì hàm lượng vitamin C mất đi là 3,4mg, đậu đũa giảm 3,8mg, dưa chuột giảm xuống tương đương với 5 quả táo tàu.

Cách bảo quản thực phẩm tươi ngon không dùng màng bọc

Thực tế, khá nhiều người có thói quen dự trữ thực phẩm trong thủ lạnh và để quá lâu, ngoài việc không đảm bảo còn là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến đồ ăn khác.

Để tránh trường hợp trên, nên tập thói quen xếp thực phẩm theo thứ tự thời gian dự trữ. Đồ ăn cũ hơn đem ra ngoài, đồ ăn mới đặt vào bên trong, hoặc nếu không nhớ được thời gian đặt thực phẩm vào tủ lạnh, bạn có thể dán một mảnh giấy nhỏ ghi lại thời gian trên vỏ hộp đựng.

Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, không nên để thức ăn dù đã nấu chín hay chưa nấu chín quá 4 ngày trong ngăn mát tủ lạnh, kể cả các loại trái cây và rau củ tươi sống. Đối với thức ăn để trong tủ đông thì phần lớn không nên để quá 3 tháng.

Theo GiaDinh