Vì sao 20 quốc gia gấp gáp 'đặt hàng' bộ kit xét nghiệm Sars-Cov-2 'made in Vietnam'?

20 quốc gia đang đàm phán mua bộ kit xét nghiệm Sars-CoV-2 do Việt Nam sản xuất. Bộ kit dựa trên kỹ thuật sinh học phân tử được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhân nhiễm virus corona với kết quả chính xác nhất so với các công nghệ khác.

Tiếp tục triển khai nhiệm vụ nghiên cứu vaccine ngừa virus corona chủng mới

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức cuộc họp tham vấn các nhà khoa học chuyên ngành về những giải pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì cuộc họp.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 và cần có sự tham gia của giới khoa học Việt Nam, Bộ KH&CN mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu sẽ đóng góp ý kiến về các định hướng nghiên cứu, góp phần phòng, chống dịch bệnh.

Tại cuộc họp, thảo luận về tình hình COVID-19, các nhà khoa học đều nhận định Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và khoanh vùng dịch khá hiệu quả. Tuy nhiên, để đề phòng các kịch bản xấu hơn, cần có sớm các giải pháp hỗ trợ điều trị và hướng nghiên cứu phục vụ lâu dài.

vi-sao-20-quoc-gia-gap-gap-dat-hang-bo-kit-xet-nghiem-sars-cov-2-made-in-vietnam

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi họp 

GS. TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, công tác chăm sóc người cách ly cần huy động nguồn nhân lực lớn, công tác khử trùng khử khuẩn hiện tại cũng chủ yếu sử dụng sức người. Các bác sỹ, y tá đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phải chịu nhiều áp lực, lo ngại lây nhiễm cho gia đình và cả bản thân họ.

“Nếu có robot khử khuẩn trong các buồng cách ly, lau rửa bề mặt và hỗ trợ trong quá trình khám chữa bệnh, các y, bác sĩ sẽ được giảm tải. Vì vậy, thời gian tới có thể tính toán đến việc sản xuất robot làm các công việc dọn dẹp, khử trùng, từ đó chống lây nhiễm chéo” – GS Nguyễn Văn Kính đề xuất.

Đồng quan điểm với GS Nguyễn Văn Kính, GS.TS Lê Bách Quang, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm Quốc gia về "Ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng" cho rằng, cần nghiên cứu và chế tạo robot thực hiện các công việc dọn dẹp trong khu vực dễ lây nhiễm, robot đưa cơm, robot chăm sóc... đồng thời nghiên cứu sản xuất vaccine phục vụ cho điều trị COVID-19. Ngoài ra cần chủ động máy thở, mở rộng số phòng thí nghiệm được xét nghiệm virus. "Thời gian qua số lượng phòng thí nghiệm được phép thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác xét nghiệm", GS Lê Bách Quang nói.

Về vấn đề sản xuất vaccine, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong quá trình sản xuất vaccine, ngoài việc phát hiện trực tiếp các tác nhân gây bệnh còn có nguyên lý phát hiện gián tiếp để tìm ra các kháng nguyên, kháng thể. Hiện tại, việc điều trị cho người bệnh bằng kháng thể đơn dòng đã được chứng minh đem lại hiệu quả tốt. Phương pháp này cũng được thực hiện đơn giản, ít tốn kém. Theo PGS Nguyễn Thị Lan Anh, sau khi hết dịch cũng cần có các giám sát trong tương lai về dịch tễ học dựa trên nguyên lý về kháng nguyên, kháng thể của cơ thể trong giai đoạn phục hồi để có những giải pháp ứng phó trong các dịch bệnh khác.

Trước các đề xuất, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, với những trường hợp cấp bách Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sớm giải quyết. Về sản xuất vaccine, điều chế kháng thể đơn dòng sẽ tiếp tục trao đổi sâu hơn cùng các nhà khoa học để triển khai.

Trước đó Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt kinh phí, giao trực tiếp cho các đơn vị trong nước thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh, sàng lọc SARS-CoV-2; Nghiên cứu dịch tễ học SARS-CoV-2; đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị bệnh nhân nhiễm.

20 quốc gia đặt hàng bộ kit của Việt Nam

Sau khi Việt Nam sản xuất thành công loại kit chẩn đoán Sars-CoV-2 bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và real-time RT-PCR), đơn vị sản xuất cho biết, có tới 20 quốc gia đang đàm phán mua bộ sinh phẩm này. Bộ kit được nghiên cứu và phát triển thành công bởi Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị cấp kinh phí nghiên cứu. Kit thử đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đánh giá, kết quả này là đóng góp lớn của các nhà khoa học Việt Nam, kịp thời cho công tác chống dịch. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, Việt Nam có thể chủ động kit thử.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị sản xuất đủ nguyên liệu cho 180.000 test (1 bộ có 50 test) và đang nhập nguyên liệu để sản xuất thêm 120.000 test. Công ty có thể tiếp tục sản xuất thêm nếu được bổ sung nguyên liệu từ Mỹ và các quốc gia khác.

Còn ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cho biết, 20 quốc gia đang đàm phán mua bộ sinh phẩm. Trước mắt công ty sẽ xuất khẩu sang Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine. Trong số này Iran đặt 200.000 test (4.000 bộ), Ukraine đặt 15.000 test (300 bộ). Trong nước, thành phố Hà Nội cũng đặt 200.000 test để sử dụng cho nhu cầu của Hà Nội và xuất khẩu tặng Italia.

vi-sao-20-quoc-gia-gap-gap-dat-hang-bo-kit-xet-nghiem-sars-cov-2-made-in-vietnam

Đại diện Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giới thiệu về bộ kit. 

Nhóm nghiên cứu đang tập huấn kỹ thuật xét nghiệm tại nhiều cơ sở trong nước như: CDC Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, CDC Bắc Giang, Bệnh viện Bạch Mai... Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, "Kit real-time RT-PCR của Việt Nam có nhiều ưu điểm hơn (cho kết quả nhanh hơn, dễ sử dụng hơn so với Kit của CDC Mỹ và WHO đang sử dụng) nên các đơn vị sử dụng phản hồi tốt về chất lượng kit".

Kit công nghệ sinh học phân tử được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới cho kết quả chính xác nhất so với các công nghệ khác như đẳng nhiệt hay các loại test nhanh mà nhiều công ty trên thế giới đang phát triển. Việt Nam hiện có 30 cơ sở có thể xét nghiệm nCoV, trong đó có ba đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Hà Nội, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang. Các đơn vị này đã chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn cho 22 phòng xét nghiệm đủ máy móc và nhân lực theo tiêu chuẩn của WHO.

Kit Việt Nam sản xuất có độ tương thích với các loại máy PCR hiện có trong nước nên các nhà khoa học đang đề nghị Bộ Y tế cấp phép thêm số phòng thí nghiệm được tham gia xét nghiệm, giúp đẩy nhanh việc chẩn đoán bệnh nhân Covid-19.

Theo VietQ