Việc lựa chọn chuyên ngành tại đại học nói gì về bạn?

Theo một nghiên cứu mới đây từ Đan Mạch, việc chọn chuyên ngành học tại đại học cũng cho thấy tính cách của bạn đấy.

Một nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu xem liệu những sinh viên cùng chuyên ngành tại các trường đại học thì liệu có điểm chung về tính cách hay không.

Đó là công trình của nhà tâm lý học Anna Vedel từ Đại học Aarhus tại Đan Mạch. Để đánh giá các đặc điểm tính cách khác nhau, Vedel dựa trên mô hình tính cách 5 yếu tố, hay còn gọi là Big Five, gồm: độ cả nghĩ (Neuroticism), hướng ngoại (Extraversion), cởi mở (Openness), dễ chịu/dễ đồng ý (Agreeableness) và tận tâm (Conscientiousness).

Nghiên cứu đã xem xét kết quả từ tổng cộng 13.389 sinh viên mà trước đó đã thực hiện bài trắc nghiệm tính cách Big Five từ 1 trong 12 nghiên cứu trước đó, được xuất bản trong thời gian từ năm 1992 đến 2015.

Dưới đây là sơ lược kết quả nghiên cứu: Việc lựa chọn ngành học nói gì về bạn? 

Những người theo học các ngành khoa học thường rất cởi mở và hướng ngoại (2 chỉ số này đạt điểm cao), khá là cả nghĩ (điểm đạt mức trung bình).


Người theo học ngành nghệ thuật thường rất cởi mở, khá hướng ngoại nhưng không mấy tỉ mỉ.

Sinh viên các ngành công trình, kỹ thuật đạt điểm trung bình cho độ tận tâm, cả nghĩ và có độ cởi mở tương đối thấp.

Sinh viên thuộc khối nghệ thuật/nhân đạo thường rất cả nghĩ và cởi mở, tương đối hướng ngoại và hiếm khi tỏ ra tỉ mỉ, tận tâm.

Người học ngành luật thường rất hướng ngoại, khá tận tâm, cả nghĩ và không mấy cởi mở hay dễ chịu.

Sinh viên khối kinh tế cho thấy nét tính cách tương tự - điểm hướng ngoại cao, cả nghĩ và tỉ mỉ đạt mức trung bình, điểm cởi mở và dễ chịu thấp.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng kết quả trên chỉ mang tính tham khảo và tương đối. Không phải tất cả những người học kinh tế đều có tính cách hướng ngoại và hay cáu kỉnh, hay tất cả những sinh viên nghệ thuật đều hay lo, vô tổ chức,… Mặc dù các bài trắc nghiệm Big Five được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng tâm lý học, cần nhớ rằng nghiên cứu về 1 chủ đề mang tính chủ quan như tính cách khó tránh khỏi sự thiên vị hay bị cho là không đáng tin cậy.

Dẫu vậy, Vedel hy vọng nghiên cứu của mình có thể có vài ứng dụng thực tế, chẳng hạn giúp đỡ các sinh viên tương lai chọn ngành học cho mình, hoặc giúp phát triển các phương pháp dạy phù hợp cho các giáo viên, gia sư hay người hướng dẫn. Nhờ vậy, họ có thể tạo ra môi trường học tập phù hợp với từng đối tượng sinh viên khác nhau, khiến họ cảm thấy thoải mái và quá trình học trở nên dễ dàng hơn – Vedel cho hay. 

Theo Tĩnh An ( IFL Science / Khỏe & Đẹp )