Vietnam Airlines đề xuất bỏ vé 0 đồng

Trong buổi làm việc với Cục Hàng không, Vietnam Airlines đã có nhiều đề xuất về việc áp giá sàn cũng như nâng giá trần vé máy bay để phù hợp hơn với tình hình thị trường.

Tại buổi làm việc, đại diện Vietnam Airlines đã đưa 2 phương án đề xuất áp giá sàn vé máy bay thay vì sàn 0 đồng như hiện tại. Hai phương án được đưa ra là giá vé sàn bằng 35% trần giá vé máy bay hoặc phương án 2 là tính theo chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.

Không còn vé 0 đồng

Với phương án 1, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 560.000-595.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 787.500 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 1.011.500 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 1.190.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 1.400.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.

vietnam-airlines-de-xuat-bo-ve-0-dong

Theo phương án 2, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 414.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 570.000 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 755.000 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 804.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 917.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.

Điều này đồng nghĩa nếu các đề xuất của Vietnam Airlines được chấp thuận, những khuyến mại giá vé 0 đồng hay vé giá rẻ ưu đãi cho hành khách sẽ không còn.

Lấy ví dụ với đường bay trục vàng TP.HCM - Hà Nội, giá vé khứ hồi rẻ nhất mà hành khách có thể mua theo phương án 1 là 2.380.000 đồng chưa kể thuế phí dao động theo từng hãng bay. Theo phương án 2, con số này sẽ là 1.608.000 đồng chưa kể thuế phí. Trên thực tế trong giiai đoạn thấp điểm, vé khứ hồi TP.HCM - Hà Nội rẻ nhất ở mức chưa tới 1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí.

Về việc nâng trần giá vé máy bay, hãng hàng không quốc gia đề xuất giữ nguyên giá trần của các đường bay dưới 500 km, hiện là 1,6 - 1,7 triệu đồng.

Với các đường bay từ 500 km đến dưới 8.50 km, hãng muốn nâng trần giá vé lên 2.250.000 đồng (tăng 50.000 đồng), các đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng lên 2.890.000 đồng (tăng 100.000 đồng), các đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km lên 3.400.000 đồng (tăng 200.000 đồng) và các đường bay trên 1.280 km lên mức 4.000.000 đồng (tăng 250.000 đồng).

Theo nhiều chuyên gia hàng không, việc áp giá sàn và nâng trần giá vé máy bay sẽ làm giảm tính cạnh tranh của thị trường hàng không, gây bất lợi cho người tiêu dùng cũng như gia tăng chi phí kích cầu du lịch, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp lữ hành.

Mong muốn có nhiều quy chế hỗ trợ riêng

Bên cạnh đề xuất điều chính trần và sàn giá vé máy bay, tại buổi làm việc, Vietnam Airlines cũng đề nghị nhà chức trách hàng không có nhiều hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia.

Theo đó, Vietnam Airlines đề nghị cần xây dựng quy chế để đảm bảo Vietnam Airlines được cấp hơn 50% lượng slot bay (khung giờ cất hạ cánh) và thương quyền được phân bổ. Vietnam Airlines cũng đề nghị được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác trở lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia.

vietnam-airlines-de-xuat-bo-ve-0-dongVietnam Airlines mong muốn có quy chế riêng để đảm bảo doanh nghiệp luôn được cấp hơn 50% tổng lượng slot bay cũng như các thương quyền được phân bổ. Ảnh: Hoàng Hà.

Hãng hàng không quốc gia cũng đề xuất quy chế để được thực hiện nghiệp vụ sale and leaseback với 50% số lượng máy bay trong đội bay; được chỉ định thực hiện các hoạt động quảng bá điểm đến và/hoặc đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước.

Vào năm 2017, Vietnam Airlines cùng công ty thành viên là Pacific Airlines (khi đó là Jetstar Pacific Airlines) đã đề xuất áp giá sàn với các đường bay nội địa với mức giá vé thấp nhất là 1,54 triệu đồng cho các đường bay trên 1.280 km.

Tại thời điểm đó, Vietnam Airlines dự kiến nếu hãng tăng giá vé máy bay 5% so với hiện tại và áp dụng mức giá sàn 1,54 triệu đồng với đường bay có cự ly trên 1.280 km, doanh thu của hãng ước tính tăng khoảng 2.500 tỷ đồng sau một năm thực hiện.

Tại thời điểm đó, Jetstar Pacific Airlines (thành viên của Vietnam Airlines Group) cho rằng việc quy định giá sàn là nhằm tránh tình trạng các hãng hàng không cạnh tranh bằng cách liên tục giảm giá vé, có khi phải bán thấp hơn giá thành.

Trong khi đó, Vietjet Air cho rằng nếu có giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, làm hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân khi không có nhiều vé máy bay giá rẻ.

Theo Zing