Vụ tr.uy s.át bố bạn gái trong buổi ra mắt ở Thái Bình: Tư duy "không ăn được thì đạp đổ" có xu hướng gia tăng trong giới trẻ?

Những vụ việc gần đây cho thấy tư duy “sở hữu người yêu” đã trở thành xu hướng của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Để rồi khi chia tay, nhiều đối tượng đã nhẫn tâm sát hại bạn tình để trả thù.

Đại diện Công an TP. Thái Bình cho biết, đơn vị đang tạm giữ Trần Quang Thành (SN 2003, trú tại khu phố Đông Thái, thị trấn Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) để điều tra, làm rõ hành vi dùng dao chém hai người thân của bạn gái trọng thương xảy ra vào tối 24/10.

Theo tài liệu điều tra, khoảng 9h30 sáng 24/10, Trần Quang Thành đến nhà bạn gái là chị Nguyễn Thị T.H (SN 2003), trú tại xã Phú Xuân, TP. Thái Bình (Thái Bình) và sau đó 2 người rủ nhau đi chơi tại TP Thái Bình. Đến khoảng 11h trưa, ông N.V.D (47 tuổi, là bố đẻ chị H.) gọi điện bảo chị H. và Thành về nhà ăn cơm nhưng 2 người không chịu về.

Đến 14h15 chiều, ông D. tiếp tục gọi điện cho con gái, quát mắng về việc đi chơi không về và ngăn cấm 2 người yêu nhau. Bị bố ngăn cấm, Thành và H. nảy sinh ý định mua một con dao dọa sẽ tự tử nếu bố vẫn tiếp tục ngăn cản tình cảm.

Nghĩ là làm, Thành và chị H. đi xe máy đến một cửa hàng trên địa bàn TP. Thái Bình mua một con dao dài 35cm. Sau đó, Thành cố tình bỏ dao vào túi quần để thừa phần cán dao ra ngoài nhằm mục đích đe dọa bố bạn gái.

Đến khoảng 18h tối ngày, Thành chở chị H. về nhà tại xã Phú Xuân. Lúc này có nhiều người họ hàng và ông D. ngăn cấm 2 người yêu nhau dẫn đến cãi vã.

Thấy ông D. và Thành cãi nhau lớn tiếng, cậu ruột của chị H. kéo Thành ra chỗ khác thì bị Thành dùng dao đã chuẩn bị sẵn chém vào tay trái. Thấy vậy, ông D. chạy đến, cũng bị bạn trai của con gái dùng dao chém vào bàn tay.

Sau khi chém bố và cậu ruột bạn gái, 2 nạn nhân được mọi người đưa đi điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Ngay khi nhận tin báo, Công an TP. Thái Bình đã có mặt, khống chế đối tượng đưa về trụ sở để làm việc, lấy lời khai và tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường phục vụ công tác điều tra.

vu-tr-uy-s-at-bo-ban-gai-trong-buoi-ra-mat-o-thai-binh-tu-duy-khong-an-duoc-thi-dap-do-co-xu-huong-gia-tang-trong-gioi-tre

Ảnh minh họa

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), đây là sự việc vi phạm đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Đối tượng gây thương tích cho hai người nhà của bạn gái có thể bị xử lý hình sự về tội "Giết người" hoặc tội "Cố ý gây thương tích".

Điều đáng nói ở đây là tình huống chém người xảy ra khi đối tượng này đến ra mắt nhà bạn gái và ăn cơm cùng gia đình của họ. Theo phong tục tập quán, văn hóa của người Việt Nam thì khi thanh niên đến chơi nhà bạn gái thường sẽ tỏ ra lễ phép, lịch sự và muốn chứng tỏ bản thân mình xứng đáng để có thể được đi xa hơn nữa trong câu chuyện tình cảm đôi bên. Chuyện bạn trai đến ra mắt rồi đánh bố bạn gái là chuyện xưa nay hiếm, có lẽ chưa từng xảy ra.

Hành vi này cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng của đạo đức xã hội, thái độ ứng xử thiếu văn hóa, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả đã gây ra đối với các nạn nhân để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng đã sử dụng dao chém vào những vùng trọng yếu như vùng đầu, cổ, ngực... với nhận thức là hành vi có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện. Việc nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 (BLHS 2015) với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Có tính chất côn đồ" và "Giết từ 02 người trở".

"Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội "Giết người" thì đối tượng này sẽ bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 (BLHS 2015). Mức hình phạt sẽ phụ thuộc vào mức độ thương tích của nạn nhân, phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", Cường phân tích.

vu-tr-uy-s-at-bo-ban-gai-trong-buoi-ra-mat-o-thai-binh-tu-duy-khong-an-duoc-thi-dap-do-co-xu-huong-gia-tang-trong-gioi-tre

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

 

Nói về nguyên nhân xảy ra các vụ án mạng trong thời gian gần đây, Tiến sĩ Cường cho rằng, trong các mối quan hệ tình cảm thì tình yêu luôn có nhiều cảm xúc, dễ bị kích động. Khi có mâu thuẫn trong mối quan hệ yêu đương thì người trong cuộc dễ mù quáng, dễ bị cảm xúc chi phối khiến bản thân thực hiện những hành vi thiếu suy nghĩ, vi phạm pháp luật, xâm phạm tính mạng sức khỏe của người khác.

Những vụ việc gần đây cho thấy, tư duy "sở hữu người yêu", "không ăn được thì đạp đổ" đã trở thành xu hướng của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Để rồi khi chia tay, nhiều đối tượng đã nhẫn tâm sát hại bạn tình để trả thù.

Để giảm thiểu những vụ án mạng nghiêm trọng như vậy thì cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Cần phải quan tâm hơn nữa đến nhóm thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, những đối tượng dễ bị lôi kéo kích động trở thành băng nhóm tội phạm hoặc những đối tượng có diễn biến tâm lý bất thường.

Về lâu dài thì cần phải đổi mới giáo dục để tăng cường hơn nữa mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, sự nhân văn, nhân đạo trong mỗi con người. Tính cách con người được hình thành chủ yếu thông qua giáo dục và khả năng tu dưỡng rèn luyện, trong môi trường sống. Khi đạo đức, văn hóa của từng công dân được nâng lên, xã hội có những chuẩn mực đạo đức để người ta dễ nhận diện, dễ làm theo, học theo thì khi đó trật tự xã hội sẽ ổn định hơn, tội phạm sẽ giảm đi.

"Vấn đề pháp luật sẽ là khuôn mẫu của hành vi, là ranh giới để đánh giá tính hợp pháp hoặc không hợp pháp của hành vi con người. Cùng với đạo đức, văn hóa thì pháp luật cũng sẽ bổ sung những quy phạm để điều chỉnh hành vi con người. Khi con người có những hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu chế tài. Việc áp dụng chế tài của pháp luật cũng là một trong các biện pháp giáo dục đạo đức, để công dân nhận thức được sai phạm của mình mà khắc phục, sửa chữa", Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Theo GiaDinh