Xót xa những vụ mẹ kế bạo hành con trẻ từ tinh thần đến thể xác gây phẫn nộ: Bao giờ bánh đúc có xương?

Nạn nhân là những đứa trẻ rơi vào tình cảnh éo le “dì ghẻ, con chồng” và đặc biệt có sự tiếp tay chính từ những người cha, mẹ đẻ của đứa trẻ…

Trong số những vụ bạo hành trẻ em xảy ra gần đây, không ít vụ việc đau lòng gây ra bởi những người được gọi là "mẹ kế", "dì ghẻ"... khiến dư luận phẫn nộ. Phải chăng chính sự mắt nhắm mắt mở cho qua, sự dung túng cho vợ mới của người cha hay sự khó chịu trong mối quan hệ "mẹ ghẻ - con chồng" đã châm ngòi cho những trận bạo hành thừa sống thiếu chết suốt thời gian dài.

Đau lòng những vụ con riêng bị bạo hành dã man

xot-xa-nhung-vu-me-ke-bao-hanh-con-tre-tu-tinh-than-den-the-xac-gay-phan-no-bao-gio-banh-duc-co-xuong

Những vết bần tím trên khắp cơ thể bé A. khi được đưa đến bệnh viện

 

Những ngày gần đây, vụ việc một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM tử vong nghi do bị bạo hành đã khiến dư luận dậy sóng. Theo đó, ngày 25/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết đã bắt khẩn cấp nghi phạm V.N.Q.Tr. (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi hành hạ, đánh đập dẫn đến một bé gái tử vong. Nạn nhân được xác định là cháu gái N.T.V.A., 8 tuổi, ngụ quận 1.

Theo điều tra ban đầu, tối 3 hôm trước, bé gái 8 tuổi được đưa vào bệnh viện ở phường 22 (quận Bình Thạnh) cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Bác sĩ xác định bé tử vong trước nhập viện, trên người nhiều vết thương, bầm tím... nên nghi vấn báo cảnh sát.

Khám nghiệm thi thể, cảnh sát phát hiện các vết bầm tím nghi do bị đánh. Ngoài ra, trên cơ thể, mặt bé gái còn có các vết thương cũ. Cho rằng có dấu hiệu của bạo hành, cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều nhân chứng, bạn gái của cha cô bé để làm việc.

Bé gái sống cùng cha và vợ sắp cưới của ông này trong căn hộ tại chung cư ở quận Bình Thạnh.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, "Tại nơi bé sinh sống, được cho là hiện trường gây ra cái chết thương tâm, cơ quan chức năng ghi nhận còn nhiều hình ảnh đau lòng như cây lau nhà đã bị gãy, trên đó có dính chùm tóc của bé. Ngoài ra còn có bảng danh sách dài ghi hàng loạt công việc hàng ngày cháu bé 8 tuổi phải làm…".

Theo chia sẻ của chị T.H. mẹ ruột của cháu V.A cho biết, vợ chồng chị đã ly hôn hơn 1 năm. Chị sinh được 1 trai 1 gái, bé trai ở với mẹ, bé gái ở với bố. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

xot-xa-nhung-vu-me-ke-bao-hanh-con-tre-tu-tinh-than-den-the-xac-gay-phan-no-bao-gio-banh-duc-co-xuong

Người phụ nữ bóp cổ, bạo hành bé trai 5 tuổi được xác định là mẹ kế, mắc bệnh tâm thần (Ảnh cắt từ clip)

Tháng 5/2020, trên mạng mã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 1 người phụ nữ ở Bình Dương bóp cổ, đánh đập, nhấc bổng người bé trai lên rồi đánh tới tấp vào mặt, đầu của bé mặc cho bé khóc thét. Một lúc sau, người này nằm xuống đất rồi dùng chân đạp liên tiếp vào người cháu bé.

Dù người phụ nữ vừa đánh đứa bé vừa chửi thề, nhưng người đàn ông ngồi bên cạnh lại không có biểu hiện can ngăn.

Ngay sau khi đoạn clip được chia sẻ, ngày 29/5, UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính, mối quan hệ của người phụ nữ có hành vi bóp cổ, bạo hành bé trai được ghi lại trong video clip trên mạng xã hội facebook.

Cụ thể, người phụ nữ trong video clip được xác định tên là T.L (SN 1986, ngụ xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), là mẹ kế của bé trai 5 tuổi bị bóp cổ, đánh đập trong video clip.

Theo UBND xã An Bình, vụ việc bạo hành bé trai 5 tuổi xảy ra tại căn nhà của chồng chị L ở tổ 4, ấp Nước Vàng.

xot-xa-nhung-vu-me-ke-bao-hanh-con-tre-tu-tinh-than-den-the-xac-gay-phan-no-bao-gio-banh-duc-co-xuong

Những vết sẹo trên người cháu K. nghi bị bố và mẹ kế bạo hành nhiều năm

 

Ngày 6/8/2018, chị Phan Thị H. (35 tuổi, trú tại TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết đã làm đơn tố cáo gửi Công an phường Thanh Miếu, Công an TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) về việc chồng cũ và mẹ kế bạo hành dã man con trai chị là cháu Nguyễn Đăng K. (12 tuổi) suốt nhiều năm.

Theo chị H., chị và anh Nguyễn Minh T. (38 tuổi, trú tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) kết hôn năm 2004 rồi lần lượt sinh 2 con là Nguyễn Thị Minh A. (11 tuổi) và Nguyễn Đăng K. (12 tuổi).

Thời điểm này, chị H. làm công nhân tại KCN Thụy Vân (TP. Việt Trì) còn chồng đi xây dựng nên điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Kết hôn chưa bao lâu, cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, nhiều lần phải nhờ chính quyền can thiệp, hòa giải.

Năm 2009, do nghi ngờ chồng có nhân tình, chị H. đã góp ý với chồng thì bị chồng đánh đến gãy tay. Quá sợ hãi, chị H. bỏ trốn về nhà bố mẹ đẻ ở Tuyên Quang và quyết định ly hôn vào năm 2010.

Sau khi ly hôn, chị H. nuôi dưỡng bé A. còn T. chăm sóc con trai là bé K. 4 tháng sau, vì muốn níu kéo tình cảm với chị H., T. lên Tuyên Quang tìm đến chỗ trọ của chị H. để nói chuyện. Khi chị H. không đồng ý quay lại liền bị hắn đánh đập dã man. Quá bức xúc, chị H. làm đơn trình báo vụ việc với cơ quan chức năng, sau đó, T. bị bắt giữ và yêu cầu đi cải tạo 2 năm tại Vĩnh Phúc.

Thời gian đi cải tạo, T. nhờ chị H. chăm sóc cả 2 con, chị cũng thường xuyên chu cấp tiền, các nhu yếu phẩm cho chồng cũ và đưa các con từ Tuyên Quang xuống Vĩnh Phúc thăm bố. Sau 2 năm cải tạo, T. lên Tuyên Quang và lén lút đưa K. về Phú Thọ sống mà không nói lời nào với chị H..

Một tháng sau, T. kết hôn với vợ mới tên Nguyễn Thị V. (37 tuổi). Từ lúc này, chị H. ít có dịp được gặp con trai vì bị chồng cũ chia cắt. Tuy nhiên, chị vẫn cho con gái lớn về chơi với bố và em.

Ngày 17/6 vừa qua, chị H. nhờ con gái nói khéo với bố để đưa em K. về Tuyên Quang chơi với mẹ vài hôm. Bất ngờ lại được T. đồng ý. Tuy nhiên, niềm vui đoàn tụ chưa trọn vẹn thì chị H. phát hiện trên người K. có nhiều vết sẹo khi đưa con trai đi bơi vào ngày hôm sau.

Gặng hỏi con, K. tỏ ra sợ hãi, khóc nức nở và kể bị bố cùng mẹ kế bạo hành dã man trong nhiều năm. Những lần bị đánh, K. nhớ như in và kể lại cho mẹ khiến chị H. đau đớn.

Theo lời cháu K. kể, thời điểm K. học lớp 2 do cãi lời mẹ kế nên bị người này cởi quần áo trói vào cột rồi dùng dây điện đánh. Sau đó, chị V. đập nhỏ các viên gạch và bắt K. quỳ xuống khiến đầu gối cháu bị chảy máu để lại sẹo đến tận bây giờ. Lần khác vì làm rơi cơm xuống đất, V. bắt cháu K. phải bốc cơm dưới đất ăn bằng hết mặc cho cháu khóc lóc, van xin.

Hay chỉ vì ngủ gật trong lúc học bài buổi tối, K. bị mẹ kế lôi vào nhà vệ sinh, lấy dầu gió đổ vào 2 mắt và dùng vòi xịt bồn cầu xịt thẳng vào mắt khiến K. la hét trong sợ hãi. Thậm chí, V. còn dùng bút bi đâm thủng tay K. khi cháu viết sai lỗi chính tả.

Không chỉ thế, rất nhiều lần, K. còn bị mẹ kế tát, dùng thìa đánh vào miệng khi không vừa ý và xui anh T. đánh con trai nhiều lần khi cho rằng con ương bướng, không chịu nghe lời,...

Quá bức xúc trước vụ việc trên, chị H. đã gửi đơn trình báo tới Công an phường Thanh Miếu và Công an TP Việt Trì.

Ngay sau đó, ngày 8/8/2018, chị H. đã đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại bệnh viện, cháu K. được các bác sĩ chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn tâm lý, cần uống thuốc theo đơn và điều trị tâm lý hàng ngày tại bệnh viện. Nếu bỏ trị liệu giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của con, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bạo hành con riêng: "Mấy đời bánh đúc có xương"

Dân gian đã định danh: "Dì ghẻ khác máu tanh lòng", hoặc câu ca dao ai oán, xót xa: "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng" là có lý ấy. Nó như là kinh nghiệm sống, là bài học đúc kết từ thực tế nghiệt ngã, đau lòng và thương xót cho những đứa trẻ sống trong tình cảnh "dì ghẻ con chồng" từ đời này sang đời khác không bao giờ dứt.

Nhiều vụ bạo hành xảy ra cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là người bố hoặc người mẹ đẻ không có sự quyết đoán, thậm chí thấy mẹ kế, hay bố dượng chỉ cần "mặt nặng, mày nhẹ" là sẵn sàng trút giận lên chính đứa con đẻ của mình. Những hành vi đó càng tạo ra khoảng cách giữa những người vốn không máu mủ ruột rà, khiến tình cảm gia đình nhạt nhẽo hơn".

Vì thế, đối với gia đình gặp hoàn cảnh éo le thì người cha, mẹ khi muốn đi bước nữa, muốn gắn kết với người bạn đời của mình, đồng thời muốn giữ hòa khí với con riêng, các bậc cha, mẹ kế hãy nên nhớ rằng, trước quá nhiều biến cố xảy ra với trẻ, tâm lý của chúng chắc chắn có sự thay đổi, thường là theo hướng tiêu cực như chống đối, lầm lì, ít nói, thu mình, cộc cằn, thô lỗ… cha mẹ kế nên hiểu và thông cảm cho trẻ.

Còn theo các chuyên gia tâm lý cho rằng, chuyện thay đổi các thành viên trong gia đình không bao giờ là điều trẻ mong muốn, thậm chí có những đứa trẻ chỉ muốn cha hoặc mẹ mình sau khi chia tay nên ở vậy. Nếu không giữ bình tĩnh, cha, mẹ kế sẽ mất ấn tượng tốt đẹp ban đầu đối với trẻ và rất khó lấy lại.

Trong cuộc sống, sự xuất hiện của "người lạ" trong gia đình ban đầu khó tránh được sự khó chịu giữa các thành viên từ "hai phía". Do vậy, những người chấp nhận là bố dượng hay mẹ kế thì cần có sự bao dung, vỗ về. Hãy chấp nhận và đón nhận đứa trẻ con riêng của vợ, chồng để cùng trẻ vượt qua những khó khăn.

Đặc biệt, đối với người cha, mẹ đẻ của trẻ trong cuộc sống cũng cần có sự yêu thương, quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn và nên cân nhắc và bàn bạc kỹ khi thấy bạn đời đưa ra những hình phạt đối với trẻ. Vì trong suy nghĩ cảm tính của mình, trẻ sẽ cho rằng "tại cha, mẹ kế mà mình mới bị phạt".

Theo GiaDinh