90% nước đóng chai có hạt vi nhựa bên trong, có gây nguy hại cho sức khỏe hay không?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố một báo cáo mới về kết quả nghiên cứu tác động của hạt vi nhựa đến sức khỏe của con người.

Trong nhiều thập kỉ qua, quy mô của sản xuất đồ nhựa đã tăng theo cấp số nhân và được dự đoán sẽ tiếp tục gấp đôi vào năm 2025. Điều này có nghĩa sẽ còn thêm nhiều hạt và sợi nhựa bị phá vỡ ra thành nhiều hạt nhỏ hơn, chúng có thể được tìm thấy trong nguồn nước, các đường ống, cốc nước, và thậm chí là trong cơ thể người. Nhiều nghiên cứu thậm chí còn cho thấy rằng trong nước uống đóng chai cũng chứa những phần cực nhỏ của nhựa polime sử dụng để làm nắp và vỏ chai.

Điều này đã dấy lên mối lo ngại về việc chúng ta có thể sẽ bị đầu độc bởi những hóa chất được sử dụng trong nhựa hoặc bởi những mầm bệnh bám trên các hạt vi nhựa này. Đáng báo động hơn nữa là những hạt này có thể gây hại cho các hệ cơ quan trong cơ thể sinh vật, ví dụ dễ thấy nhất chính là hình ảnh các loài chim biển, cá và các loài động vật hoang dã khác bị tắc nghẽn nội quan do rác thải nhựa.

Thậm chí, vào năm 2018, một nghiên cứu từ Đại học bang New York đã chỉ ra rằng có đến hơn 90% các loại nước đóng chai trên thế giới - kể cả những hãng nổi tiếng nhất - có chứa vi hạt nhựa trong đó. Thậm chí có những trường hợp tỷ lệ hạt nhựa lên tới 10.000 mảnh/lít nước.

Dựa trên kết quả này, Tổ chức Y tế Thế giới quyết định thực hiện một nghiên cứu về độ an toàn của nước đóng chai chứa nhựa. Nếu như chúng ta nạp nhựa vào người, rồi số nhựa ấy theo hệ bài tiết thải ra môi trường thì trong quãng thời gian đó nhựa đã làm gì với cơ thể chúng ta?

Theo nội dung bản báo cáo đánh giá sau nghiên cứu mới được WHO công bố, dù các hạt vi nhựa ngày càng được tìm thấy nhiều ở trong nước nhưng cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng nào về việc chúng sẽ gây ra những mối nguy về sức khỏe cho con người.

Tuy nhiên, cơ quan Liên Hợp Quốc cho rằng chúng ta vẫn phải cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để có thể thực sự hiểu được nguyên do cho sự phổ biến của các hạt vi nhựa trong môi trường sống, và về cách chúng tương tác khi đi qua cơ thể con người.

Cũng theo báo cáo của WHO, các hạt vi nhựa cỡ lớn (thường là có kích thước hơn 150 micromet – đường kính của một sợi tóc) ít đáng lo ngại nhất bởi chúng sẽ đi thẳng qua cơ thể người. Còn các hạt nhỏ hơn có thể sẽ qua thành của hệ tiêu hóa và bị kẹt lại, song các nhà nghiên cứu tin rằng chúng không có khả năng tích lũy lại thành số lượng đủ để gây hại. Các chuyên gia không thể chắc chắn về ảnh hưởng của những hạt với kích thước nano vì chúng ta không có đủ thông tin về nhóm hạt siêu vi này.

Trong phần kết luận đã nêu rằng: "Dựa trên số hữu hạn bằng chứng có sẵn, các chất hóa học và mầm bệnh liên quan tới hạt vi nhựa có trong nước uống không phải là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe con người. Tuy rằng chúng ta không có đủ thông tin cần thiết để đưa ra kết luận vững chắc về độc tính của các hạt siêu vi cỡ nano, song cũng không có bằng chứng đáng tin cậy nào về việc đây cũng là mối nguy tới sức khỏe".

90-nuoc-dong-chai-co-hat-vi-nhua-ben-trong-co-gay-nguy-hai-cho-suc-khoe-hay-khong

Ảnh minh họa 

Cùng với đó, các tác giả của cuộc nghiên cứu cho biết rằng việc theo dõi thường xuyên số hạt vi nhựa trong nước uống là việc không khuyến khích bởi các nguồn lực hiện có nên được sử dụng cho việc loại trừ các vi khuẩn và virut có khả năng ảnh hưởng cao tới sức khỏe. Hiện đang có trên 2 tỷ người chưa thể tiếp cận tới nguồn nước uống chưa qua xử lí.

"Cho đến nay không có dữ liệu nào cho thấy rằng hạt vi nhựa gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, tuy nhiên điều này không nhất thiết có nghĩa là chúng vô hại. Do đó, điều cần thiết là phải hiểu cách thức và nơi tiếp xúc với vi nhựa để hiểu về bất kỳ rủi ro sức khỏe nào có thể xảy ra sau khi tiếp xúc", bà Alice Horton, một nhà khoa học về ô nhiễm nhân tạo tại Trung tâm Hải dương học Anh quốc, cho biết.

Bruce Gordon, một trong số các tác giả của nghiên cứu này nói thêm rằng: "Người tiêu dùng hiện nay chưa cần phải quá lo lắng. Với dữ liệu đang có, chúng tôi tin rằng đây không phải là mối nguy lớn, song không thể nói rằng trong tương lai chúng ta cũng không cần phải lo lắng về hạt vi nhựa. Chúng ta không có bất kì biện pháp cảnh báo trước nào".

Cũng theo ông thì câu trả lời tốt nhất cho vấn đề này chính là cắt giảm ô nhiễm rác thải nhựa bằng việc loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đồng thời thúc đẩy tái chế và các biện pháp thay thế khác.

Còn tiến sĩ Andrew Mayes, giảng viên cao cấp về hóa học tại Đại học East Anglia ở Anh cho biết, báo cáo của WHO có thể sẽ là một cứu cánh cho những người lo ngại về mức độ hạt vi nhựa trong nguồn nước của chúng ta. "Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, trong khi rủi ro đối với sức khỏe của vi nhựa có trong nước có thể thấp, vẫn cần tiếp tục giảm thiểu nhựa trong môi trường, để ngăn chặn vấn đề trở nên tồi tệ hơn... Điều này có thể được thực hiện thông qua công tác quản lý chất thải tốt hơn và thực hiện các chương trình khuyến khích và chính phủ nên ưu tiên các hành động như vậy trong chiến lược toàn cầu để giảm thiểu lượng nhựa trong nước", ông Mayes cho biết.

Các hạt nhựa nhỏ trong nước uống của chúng ta chủ yếu bắt nguồn từ nước mưa hoặc tuyết, nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Các chai và lon nhựa cũng có thể là nguồn vi chất trong nước uống, báo cáo cho biết thêm.

Các nhà khoa học WHO cho biết, việc xử lý có thể loại bỏ hơn 90% hạt vi nhựa khỏi nước thải. Điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề sức khỏe quan trọng khác, như xử lý và lọc nước chứa vi khuẩn.

Uớc tính có khoảng 2 tỷ người uống nước bị ô nhiễm trên toàn cầu. Trong năm 2016, 485.000 ca tử vong liên quan đến tiêu chảy được cho là do nước uống bị nhiễm vi khuẩn.

Theo VietQ