Bí ẩn chưa có lời giải của loài rùa Hoàn Kiếm

Trên thế giới thực sự chỉ còn 3 cá thể của loài rùa quý hiếm nhất thế giới? Chúng là đực hay cái, khả năng bảo tồn loài như thế nào vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải của loài rùa từng là biểu tượng tâm linh với người dân Thủ đô.

bi-an-chua-co-loi-giai-cua-loai-rua-hoan-kiem

Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Khối lượng của cá thể này được nhận định tăng nhanh trong 10 năm qua, từ 67kg lên 140 kgẢnh: ATP

Những ngày giữa tháng 3 năm nay,  nhóm cán bộ của Viện Nghiên cứu Hải sản có mặt ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội), nơi sinh sống của hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam để chuẩn bị cho một công việc quan trọng: thực hiện bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm - cách duy nhất có thể xác định giới tính của hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam.

Theo các nhà khoa học, so với nhiều loài động vật khác, rất khó xác định giới tính rùa bằng mắt thường. Thế nên có chuyện nhiều người nói cụ rùa cuối cùng ở Hồ Gươm là “cụ bà” nhưng khi mất, các nhà khoa học té ngửa đó là “cụ ông”.

Bẫy bắt và siêu âm là cách phổ biến nhất để xác định giới tính loài, đáng tiếc công việc này đang bị dừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nhiều năm qua, giới bảo tồn quốc tế không ngừng nỗ lực khôi phục quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới nhưng hy vọng cứ tắt dần. Tại vườn thú Tô Châu (Trung Quốc) từng có một cặp Giải Thượng Hải (tên gọi khác của loài rùa Hoàn Kiếm) sinh sống gồm một đực, một cái.

Đây cũng là hai cá thể rùa Hoàn Kiếm còn lại ở Trung Quốc cho đến tháng 4 năm ngoái. Trong nỗ lực khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm ở đây, các nhà bảo tồn đã cho ghép đôi sinh sản hai cá thể này. Đáng tiếc, hàng trăm quả trứng đẻ ra mà không quả trứng nào được thụ tinh thành công bởi cá thể rùa đực đã quá già và có vấn đề về sinh sản.

Các nhà khoa học đã nghĩ đến phương án thụ tinh nhân tạo với năm lần thực hiện nhưng đều không thành công cho đến khi cá thể cái qua đời vào tháng 4 năm ngoái, cũng sau một lần thụ tinh nhân tạo, đánh dấu chấm hết cho nỗ lực nhiều năm của các nhà bảo tồn nhằm khôi phục loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở Trung Quốc.

bi-an-chua-co-loi-giai-cua-loai-rua-hoan-kiem

Cán bộ thực địa của ATP quan sát rùa Hoàn Kiếm Ảnh: ATP

Tại Việt Nam, khi cụ rùa hồ Gươm cuối cùng qua đời vào tháng 1/2016, các nhà khoa học của Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) đã nghĩ đến việc nhân bản loài rùa này.

Ông Tim McCormack, Điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á  chia sẻ, trình độ khoa học và công nghệ hiện tại có thể giúp khôi phục rùa Hoàn Kiếm và đưa loài rùa mai mềm cỡ lớn này trở lại hồ Gươm bằng công nghệ nhân bản.

Đáng tiếc là “cụ rùa” chết từ lâu trước khi được phát hiện nổi trên mặt hồ vào ngày 19/1/2016, các mô trên cơ thể không còn đủ điều kiện bảo tồn nên hy vọng nhân bản cũng tắt.

Sau cái chết của cụ rùa Hồ Gươm, Việt Nam chỉ còn duy nhất một cá thể ở hồ Đồng Mô cho đến tháng 4/2018. May thay, giới bảo tồn rùa trong nước và thế giới vui mừng khi phát hiện thêm một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội) bằng công nghệ gen môi trường, khơi dậy hy vọng ghép đôi sinh sản loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở Việt Nam.

UBND thành phố Hà Nội sau đó ban hành Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được.

Việc đầu tiên cho hành trình ghép đôi là thực hiện bẫy bắt, xác định giới tính của hai cá thể này. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua việc này vẫn dậm chân tại chỗ. Lẽ ra tháng 4 này, việc bẫy bắt có thể thực hiện nhưng đại dịch COVID-19 khiến mọi việc ngưng lại.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một cá thể rùa đực và một cá thể rùa cái. Tuy nhiên, ngay kể cả khi có được phương án lý tưởng nhất như vậy thì công việc ghép đôi sinh sản vẫn còn rất nhiều và chưa thể nói trước bất cứ điều gì”, một cán bộ Chương trình bảo tồn rùa châu Á chia sẻ. Tất nhiên, đó là hy vọng còn thực tế hai cá thể rùa này là cái hay đực vẫn chưa có câu trả lời, chúng ta phải chờ ít nhất cho đến khi đại dịch COVID-19 qua đi.

Thế giới chỉ còn 3 cá thể?

Thế giới hiện nay ghi nhận 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm chính thức gồm 2 cá thể ở Việt Nam và một cá thể ở Trung Quốc. Thế nhưng, với những cán bộ Chương trình bảo tồn rùa châu Á, hy vọng việc tìm kiếm thêm cá thể mới của loài rùa này chưa bao giờ dập tắt với niềm tin con số nhiều hơn ba.

Rùa Hoàn Kiếm từng có một vùng phân bố rộng lớn từ khắp phía nam sông Trường Giang (Trung Quốc) cho đến các tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam.

Riêng tại Việt Nam, 18 tỉnh thành từng ghi nhận sự sống của loài rùa mai mềm khổng lồ này. Thế nhưng quá trình săn bắt cùng môi trường sống bị ảnh hưởng đã khiến rùa Hoàn Kiếm trở thành loài rùa có số lượng ít nhất thế giới.

Rùa Hoàn Kiếm được biết đến với tập tính và lối sống vô cùng bí ẩn khi thường dành hàng giờ ngâm mình dưới nước sâu, rất hiếm khi nổi lên mặt nước.

Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh được nhìn thấy vào tháng 5/2017 nhưng không có bức ảnh toàn diện nào được chụp. Vào tháng 4/2018 nhờ công nghệ gen môi trường, giới bảo tồn mới có thể khẳng định chắc chắn sự tồn tại của cá thể này. Gần 2 năm trôi qua từ khi công bố, với hàng trăm lần quan sát, nhóm bảo tồn của ATP chỉ chụp thêm được một bức ảnh cá thể này nhưng cũng rất khó nhìn.

Dù vậy, sự kiên trì đã được đền đáp bằng một tín hiệu rất vui. Nhóm bảo tồn thực địa của ATP đã ghi nhận chưa chính thức một cá thể rùa Hoàn Kiếm nữa ở hồ Đồng Mô nhờ quan sát được vào tháng 8/2018.

Cá thể rùa này ước nặng 40kg, đầu có màu vàng, mũi ngắn. Đáng tiếc đến nay, cũng chưa có bức ảnh đầy đủ nào về cá thể này và công nghệ gen môi trường chỉ giúp phát hiện loài chứ chưa giúp phát hiện cá thể.

“Quan sát này không đủ để khẳng định rằng có hai con rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, nhưng mang lại hy vọng mới cho công tác bảo tồn loài rùa nước ngọt quý, hiếm nhất thế giới”, ông Tim McCormack chia sẻ.

Cùng với hồ Đồng Mô, nhiều vùng nước khác ở miền Bắc vẫn còn hy vọng tồn tại loài rùa này. “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, khảo sát nhiều vùng. Sau dịch COVID-19, chương trình tìm kiếm các cá thể rùa Hoàn Kiếm sẽ lại tiếp tục, vẫn còn những vùng nước hy vọng mà chúng tôi cần quan sát nhiều hơn nữa”, anh Hoàng Văn Hà, cán bộ ATP chia sẻ về tương lai khôi phục quần thể rùa quý hiếm nhất thế giới ở Việt Nam.

Hồ Đồng Mô, nơi từng là “vương quốc” của rùa Hoàn Kiếm, nhiều ngư dân cho rằng còn vài cá thể rùa Hoàn Kiếm ở đây bởi họ từng quan sát được hoặc căn cứ vào kích thước các vết rách do rùa để lại trên lưới đánh cá.

“Do tập tính bí ẩn và lối sống hoang dã nên việc quan sát, tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm đòi hỏi sự kiên trì, có khi nhiều tuần, nhiều tháng mới thấy chúng xuất hiện một lần”. 

Anh Nguyễn Tài Thắng, cán bộ thực địa của ATP chia sẻ

Nguyễn Hoài

Theo Tiền Phong