Bí ẩn những giấc mơ dự đoán chính xác tương lai và lời giải không ai ngờ tới của khoa học

Aberfan là ngôi làng nhỏ ở miền Nam xứ Wales. Trong thập niên 60, người dân sinh sống tại đây làm việc tại một mỏ than gần đó, vốn được xây dựng để khai thác triệt để lượng than chất lượng cao trong vùng.

Một phần chất thải từ khai thác than được chôn dưới lòng đất, nhưng phần lớn chất đống trên những quả đồi xung quanh ngôi làng.

Mưa lớn kéo dài suốt tháng 10/1966 đã tạo thành những dòng chảy ẩn và dần dần biến chất thải thành sình lầy. Thật không may, hầu như không ai biết gì về thảm họa sắp xảy ra.

9 giờ sáng 21/10, một phần đồi bắt đầu sụp xuống, nửa tấn chất thải trôi nhanh về phía Aberfan. Một phần nhỏ chất thải đã dừng lại ở chân đồi, nhưng hầu hết đổ ập vào trường học của ngôi làng. Một số trẻ em được cứu thoát trong khoảng một giờ đầu tiên của thảm họa, nhưng ngoài ra không có thêm ai sống sót. Tổng cộng 116 học sinh và 28 người lớn thiệt mạng trong vụ lở đất.

Nhà tâm thần học John Barker tới thăm ngôi làng một ngày sau thảm họa. Barker từ lâu đã quan tâm tới các hiện tượng siêu nhiên, và tự hỏi liệu có ai đó thấy trước thảm họa tự nhiên tại Aberfan hay không.

Để tìm hiểu, ông đăng quảng cáo trên báo tìm người nghĩ rằng họ thấy trước thảm họa Aberfan, và sau đó nhận được 60 lá thư từ khắp Anh và Xứ Wales. Hơn một nửa những người trả lời nói họ dường như đã thấy trước thảm họa này trong giấc mơ.

bi-an-nhung-giac-mo-du-doan-chinh-xac-tuong-lai-va-loi-giai-khong-ai-ngo-toi-cua-khoa-hoc

Một trong số những bức thư được cha mẹ của một đứa trẻ 10 tuổi thiệt mạng trong vụ lở đất. Trước ngày thảm họa xảy ra, con gái họ miêu tả giấc mơ bé cố gắng tới trường, nhưng sau đó nói rằng "không có trường học nào ở đấy cả" bởi "có thứ gì đó màu đen đã đổ ập lên nó".

Một ví dụ khác: MH, 54 tuổi, sống tại Barnstaple, Devon cho biết đêm trước thảm họa bà mơ thấy một nhóm trẻ em mắc kẹt trong một căn phòng. Lối thoát bị nhiều thanh gỗ chắn, nhóm trẻ em cố gắng trèo qua những thanh gỗ.

Trong khi đó, GE sống ở Sidcup, Kent kể lại rằng một tuần trước vụ sạt lở, bà mơ thế một nhóm trẻ em hét lớn khi bùn lầy đổ ụp xuống người chúng.

Hai tháng trước thảm họa, SB, sống tại London, mơ thấy một vụ lở đất ập tới ngôi trường trên một ngọn đồi, khiến nhiều trẻ em thiệt mạng. Danh sách những người có giấc mơ tương tự như vậy còn kéo dài.

Việc con người tin rằng họ nhìn thấy trước tương lai trong một giấc mơ được cho là khá phổ biến. Thăm dò được thực hiện cách đây khoảng 10 năm cho thấy một phần ba những người được hỏi cho biết họ đã trải qua hiện tượng này trong cuộc đời.

Abraham Lincoln được cho là đã mơ thấy bản thân bị ám sát hai tuần trước khi bị bắn chết. Mark Twain mô tả về một giấc mơ người anh em của mình nằm trong quan tài chỉ vài tuần trước khi ông này thiệt mạng trong một vụ nổ. Charles Dickens mơ thấy một người phụ nữ mặc đồ đỏ tên là Napier ít lâu trước khi một cô gái mặc đồ đỏ tìm tới ông và tự giới thiệu tên là Napier.

Làm sao để giải thích những trường hợp như vậy? Liệu con người có thực sự nhìn thấy tương lai trong những giấc mơ của mình?

Các nhà nghiên cứu dường như đã tìm ra câu trả lời trong thế kỷ trước. Thời thập niên 1950, nhà tâm lý học Mỹ Eugene Aserinsky đã giúp mở đường cho ngành khoa học giấc mơ.

Ông chứng minh rằng khi đánh thức một người đang trong giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM), họ vẫn còn nhớ được giấc mơ của mình khá rõ ràng. Từ đó, những khám phá quan trọng được ghi nhận. Giấc mơ của hầu như tất cả mọi người đều có màu sắc. Một số người mơ những chuyện kỳ quái, nhưng đa số chỉ đơn giản mơ về công việc hàng ngày như giặt giũ, điền giấy tờ, dọn nhà.

Nếu lẳng lặng tới cạnh một người đang ngủ và mở nhạc nhỏ, chiếu đèn vào mặt hay vẩy nước lên người họ, những tác động này đều sẽ được thể hiện trong giấc mơ.

Tuy vậy, phát hiện quan trọng nhất của các nghiên cứu là con người mơ nhiều hơn chúng ta nghĩ. Các nhà khoa học ước tính một người trung bình mơ 4 lần mỗi đêm, mỗi giấc mơ cách nhau khoảng 90 phút và kéo dài khoảng 20 phút.

Những giấc mơ này bị lãng quên gần hết khi con người tỉnh dậy, khiến chúng ta có cảm giác mơ rất ít. Thế nhưng có một ngoại lệ khi chúng ta tỉnh dậy giữa giấc mơ. Lúc này, chúng ta thường sẽ nhớ được một số chi tiết cụ thể, nhưng trừ khi những chi tiết này rất đáng chú ý, chúng ta sẽ quên rất nhanh.

Tuy vậy, trong một số trường hợp, chúng ta sẽ rất nhớ những giấc mơ này. Một sự kiện xảy ra khi chúng ta thức có thể sẽ "đánh thức" ký ức về những giấc mơ.

Chẳng hạn, trong ba đêm liên tiếp bạn có những giấc mơ kỳ dị. Vào đêm thứ hai, bạn mơ thấy bản thân lái xe đưa người bạn của mình đi đâu đó thì bỗng nhiên một con ếch khổng lồ màu tím xuất hiện, bạn lạc tay lái đâm vào một gốc cây bên đường. Bạn tỉnh dậy với những ký ức mơ hồ về xe hơi, người bạn và con ếch khổng lồ màu tím.

Ít ngày sau, bạn nghe tin người bạn của mình gặp tai nạn xe hơi. Thông tin về vụ tai nạn cho biết người bạn đang lái xe trong thành phố thì bất ngờ một chiếc xe khác mất lái lao tới, khiến anh phải đánh lái tông vào cột đèn.

Bộ não của bạn nhanh chóng nhớ lại giấc mơ và tìm cách giải thích nó, nhưng cũng quên luôn những giấc mơ khác không liên quan gì tới vụ việc.

Bạn sẽ chỉ nhớ giấc mơ có nhiều chi tiết tương tự với những gì xảy ra ngoài đời thực, thậm chí tin rằng bản thân có thể nhìn thấy tương lai.

Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Do giấc mơ có xu hướng siêu thực, chúng ta có thể dễ dàng bóp méo các chi tiết để chúng khớp hơn so với thực tế. Ngoài đời thực, người bạn của bạn lái xe, anh ta không gặp con ếch khổng lồ màu tím nào, và cũng không tông vào gốc cây.

Tuy vậy, cột đèn và gốc cây có những điểm giống nhau nhất định, trong khi con ếch màu tím có thể được suy diễn là chướng ngại vật bất ngờ, thể hiện ngoài đời thực là chiếc xe mất lái khiến người bạn của bạn gặp tai nạn.

Nếu bạn đủ sáng tạo và thực sự muốn tin vào "giấc mơ tiên tri" của mình, trí tưởng tượng của bạn sẽ hoạt động hết công suất để kết nối giấc mơ và sự kiện ngoài đời thực.

Chúng ta mơ rất nhiều và cũng chứng kiến rất nhiều sự việc. Hầu hết các giấc mơ không liên quan tới đời thực và chúng ta nhanh chóng quên đi. Tuy vậy, khi giấc mơ có những điểm tương đồng nhất định với sự kiện ngoài đời thực, chúng ta sẽ dễ dàng nhớ lại giấc mơ và tưởng rằng mình có thể nhìn thấy tương lai.

Thực tế, những gì xảy ra chỉ đơn giản là quy luật về xác suất thống kê.

bi-an-nhung-giac-mo-du-doan-chinh-xac-tuong-lai-va-loi-giai-khong-ai-ngo-toi-cua-khoa-hoc

Hầu hết những trường hợp được cho là "nhìn thấy tương lai trong giấc mơ" đều "tiên đoán" những sự kiện đen tối, chẳng hạn như máy bay rơi, chiến tranh xảy ra hay người thân qua đời. Ít ai nhìn thấy trước những điều tươi sáng trong giấc mơ của họ.

Các nhà khoa học giải thích điều này bằng một thống kê: 80% các giấc mơ là về những sự kiện tiêu cực. Điều này có nghĩa là các thảm họa, sự kiện tiêu cực dễ khiến bộ não chúng ta nhớ lại những giấc mơ hơn.

Trong 60 người liên lạc với John Barker về "giấc mơ thấy trước tương lai", 36 người không đưa ra được bằng chứng họ có ghi chép giấc mơ trước khi thảm họa xảy ra.

Những người này có thể đã trải qua nhiều giấc mơ khác trước khi biết tin về thảm họa, nhưng chỉ nhớ và thuật lại giấc mơ phù hợp với sự kiện trên thực tế.

Bên cạnh đó, do không ghi chép cụ thể giấc mơ,  họ có thể vô tình thay đổi các chi tiết trong giấc mơ sao cho trùng khớp với thực tế. Những khoảng màu đen được mô tả là chất thải từ khai thác than, những căn phòng biến thành phòng học...

Những giấc mơ cũng có thể thể hiện điều khiến chúng ta lo lắng. Một trong những nạn nhân vụ lở đất từng nói với cha mẹ rằng bé mơ thấy "cái gì đó màu đen" đổ ập lên trường, và trường học không còn ở đó.

Trước khi thảm họa xảy ra, giới chức địa phương đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về lượng lớn chất thải chất đống trên đồi, nhưng hầu như bị bỏ ngoài tai.

Ba năm trước đó, một kỹ sư viết thư gửi nhà chức trách lưu ý những lo ngại của ông - và của người dân địa phương - về lượng chất thải ở ngay phía trên trường học. Giấc mơ của bé gái có thể phản ánh lo lắng của bản thân em khi nghe người lớn nói về vấn đề này.

Vậy còn 23 trường hợp có bằng chứng họ đã miêu tả chính xác giấc mơ trước khi thảm họa xảy ra, trong khi giấc mơ không phản ánh nỗi lo của họ?

Khoa học thống kê có thể giải thích. Một người trung bình sẽ trải qua 21.900 đêm trong 60 năm cuộc đời, giả sử vụ lở đất Aberfan chỉ xảy ra một lần trong mỗi thế hệ, tỷ lệ để một người mơ thấy thảm họa này trước khi nó xảy ra là 1/22.000.

Tuy vậy, dân số nước Anh thời thập niên 1960 là khoảng 45 triệu người. Áp dụng tỷ lệ trên, chúng ta sẽ có 2.000 người trải qua điều mà họ cho là nhìn thấy tương lai qua giấc mơ. Trong số này, 23 người đọc được mẩu quảng cáo của John Barker và liên hệ với ông để chia sẻ về trải nghiệm của họ là phù hợp với các quy luật thống kê.

Theo Nguoiduatin