Bỏ danh hiệu "Học sinh tiên tiến" có làm giảm "bệnh thành tích"?

Sắp tới, học sinh trung học sẽ chỉ còn danh hiệu 'học sinh xuất sắc' và 'học sinh giỏi', qua đó không còn danh hiệu 'học sinh tiên tiến' vốn đã tồn tại nhiều năm nay.

Thay đổi cách đánh giá học sinh trung học

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021. Theo lộ trình, từ năm học 2021 - 2022 áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với lớp 6. Từ năm học 2022 - 2023 áp dụng tiếp cho lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11. Năm học 2024 - 2025 là lớp 9 và lớp 12.

Thông tư 22 quy định hai hình thức đánh giá là bằng nhận xét và bằng điểm số. Điểm trung bình học kì và năm học chỉ được tính của riêng cho từng môn học. Thay vì xếp loại học lực Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém như như trước đây, Thông tư 22 đánh giá kết quả học tập theo 4 mức "Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt" đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và 2 mức "Đạt, Chưa đạt" đối với môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Khi tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có đạt từ 8,0 điểm trở lên, thì học sinh được đánh giá kết quả học tập là "Tốt". Nếu điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn đạt từ 6,5 điểm trở lên, thì được đánh giá mức "Khá".

Kết quả học tập của học sinh được đánh giá mức "Đạt" khi có nhiều nhất 01 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức "Chưa đạt" và có ít nhất 06 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 5,0 điểm trở lên, không có môn học nào dưới 3,5 điểm. Các trường hợp còn lại, học sinh được đánh giá là "Chưa đạt".

Việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh ở Thông tư 22 được đánh giá theo một trong 04 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

bo-danh-hieu-hoc-sinh-tien-tien-co-lam-giam-benh-thanh-tich

Sắp tới sẽ có nhiều thay đổi trong cách đánh giá học sinh. Ảnh minh họa

Bỏ giấy khen "Học sinh tiên tiến"

Bên cạnh đó, việc khen thưởng học sinh cũng đã được thay đổi so với các quy định cũ. Theo đó, Thông tư 22 quy định, khen thưởng cho học sinh cuối năm học với danh hiệu "Học sinh xuất sắc" khi học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học mức Tốt, kết quả học tập mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với bằng điểm số có điểm trung bình đạt từ 9 điểm trở lên.

Danh hiệu "Học sinh giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt (có nghĩa phải có 6 môn đạt 8 điểm trở lên và các môn đều phải trên 6,5).

Hiệu trưởng cũng sẽ trao giấy khen cho học sinh giỏi và học sinh xuất sắc cũng như khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. Như vậy, nếu so với các thông tư trước đây, việc khen thưởng danh hiệu "Học sinh tiên tiến" không còn tồn tại.

Sau khi ban hành Thông tư 22 đã nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giấy khen "Học sinh tiên tiến" cũng đã không còn phù hợp với hiện nay, khi mà học sinh đang được hướng đến phát triển năng lực và đây cũng được trông đợi sẽ làm giảm "bệnh thành tích" khi cuối năm "mưa" giấy khen tại nhiều nơi.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương hội khuyến học Việt Nam cho rằng, hiện tượng "lạm phát" giấy khen dành cho học sinh lâu nay là biểu hiện của "bệnh thành tích" trong giáo dục đã có từ lâu. Ngày nay, càng tăng số lượng học sinh khá, giỏi. Chất lượng hiện nay là ảo, vô tình tạo ra hệ lụy, học sinh không có sự cố gắng, học kém vẫn được khen, thưởng.

"Nếu như lấy điểm số học bạ để xét tuyển chuyển cấp, kết quả học tập của học sinh làm thành tích, thi đua làm mục tiêu thì còn tiếp diễn "bệnh thành tích" trong giáo dục. Do đó, để giáo dục thực chất cũng cần có dạy và học thực chất và kết quả, danh hiệu học sinh cũng phải đúng thực chất" - PGS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Theo GiaDinh