Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời"

'Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời', Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hướng về phía đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (đoàn Gia Lai) nói.

Rừng quan trọng hơn… "trời"

Tiếp tục phiên chất vấn tại nghị trường, nữ đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Ksor H'Bơ Khắp chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà về việc tác động của thủy điện nhỏ đến thiên nhiên gây thiên tai, mất rừng.

bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-toi-nghi-rung-con-quan-trong-hon-troi

Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (đoàn Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Trả lời chất vấn của nữ đại biểu Ksor H'Bơ Khắp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bản thân không nói thủy điện nhỏ không phải nguyên nhân mà chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện với môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác.

"Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời", Bộ trưởng Trần Hồng Hà hướng về phía đại biểu Ksor H'Bơ Khắp nói.

Bộ trưởng cho biết, bản thân hít thở khí oxy, thở ra CO2 là nhờ có rừng, có nơi rừng cung cấp đến 70% tài nguyên cho con người, rừng sinh thủy, trong chiến tranh rừng chở che bộ đội.

bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-toi-nghi-rung-con-quan-trong-hon-troi

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, rừng còn quan trọng hơn trời.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhắc lại câu phát biểu của mình ngày 5/11 rằng thủy điện không phải là nguyên nhân, hậu quả là do con người khai thác tài nguyên mà không dựa vào các quy luật tự nhiên. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mất rừng không có nghĩa là do thủy điện mà do con người có tư duy sai trái khi luôn tự hào "trong nhà toàn đồ gỗ".

Cuối cùng Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, Bộ TN&MT phối hợp cùng Bộ NN&PTNT xem xét cùng Quốc hội rà soát từng m2 đất bị chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Những nơi nào không coi rừng mà chức năng là phòng hộ thì phục hồi.

Vì sao Lào, Camphuchia độ che phủ rừng cao hơn

Cũng trong phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cũng đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT rằng, chúng ta đã làm tốt công tác bảo vệ rừng với độ che phủ 42%.

Tuy nhiên qua theo dõi trên bản đồ của Google thì tỉ lệ rừng của Việt nam rất thấp so với các nước có chung đường biên giới như Campuchia, Lào. Phải chăng năng lực bảo vệ rừng của chúng ta kém hơn các quốc gia này hay vì lý do nào khác?

bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-toi-nghi-rung-con-quan-trong-hon-troi

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dõi theo trên bản đồ Google là hoàn toàn chính xác, tỉ lệ che phủ rừng của Lào là 50%, Campuchia là 47%.

Do đó, theo Bộ trưởng, tới đây cả hệ thống chính trị và toàn dân phải có trách nhiệm với hai loại rừng. Đối với rừng tự nhiên, thứ nhất, kiên quyết thái độ không để can thiệp, chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên.

Thứ hai, có cơ chế chính sách làm sao người tham gia quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường hơn để phục hồi diện tích rừng tự nhiên nhanh hơn. 

Thứ ba, có chương trình riêng tập trung phục hồi rừng các vùng trọng yếu: Tây Nguyên, Tây Bắc, ven biển. Về di dân tự do, Chính phủ đã có giải pháp, tới đây phải kiên quyết thực hiện.

Đối với rừng trồng, cơ cấu cây trồng của chúng ta chủ yếu là keo, sinh trưởng nhanh nhưng độ che phủ và độ bền vững, chống chịu thiên tai kém hơn. Do vậy chúng ta phải thay dần các cây gỗ lớn, bằng các cây bản địa.

"Biện pháp nữa là tăng cường quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, kiên quyết thái độ từng cơ quan, địa phương, áp dụng chế tài mạnh trong xử lý hình sự trong vi phạm.

Năm 2019 xử lý hình sự 373 vụ, khởi tố 48 vụ nhưng vẫn cần làm tích cực hơn nhiều. Vì năm 2019 chúng ta vẫn còn 2.575 ha xâm hại rừng, trong đó có cháy rừng, vi phạm rừng...", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay.

Lê Bảo

Theo GiaDinh