Cách nhận biết thịt lợn `có vấn đề` mà người bán không bao giờ tiết lộ cho bạn biết

Thịt lợn là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày tuy nhiên trước tình hình thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay thì các bà nội trợ cần tỉnh táo để lựa chọn được loại thịt ngon, an toàn.

Thịt kém đàn hồi

Nếu khi ấn tay vào thịt, vết lõm trên miếng thịt lõm sâu, dù bạn đã bỏ tay ra vẫn không lấy được hình dáng ban đầu, có thể miếng thịt không còn tươi. Do các cơ trong thịt đã nhão, không còn đàn hồi nên vết lõm sẽ lún sâu xuống. Khi sờ tay vào miếng thịt cảm thấy có nhớt, dính tay cũng là một chỉ dấu cho thấy thịt đã kém tươi. Với miếng thịt tươi không có hiện tượng này, độ đàn hồi rất cao.
Ngoài ra, thịt kém tươi còn có phần mỡ không trắng sáng, khi ngửi có mùi lạ. Ở khớp có hoạt dịch đục và nhiều nhớt. Trong khối ống tủy của miếng thịt bám vào, tủy có màu đen hoặc xanh đen, mùi khó chịu.
 
Ảnh minh họa

Sờ thịt thấy dính nhớt ở tay, màu sắc khác lạ

Thấy thịt có màu sắc khác lạ, không phải màu hồng nhạt, lại bị nhớt ở màng ngoài, chảy dịch hoặc sờ thấy thịt dính tay (đây là dính nhớt, chứ không phải là cảm giác dẻo dính).

Đặc biệt tránh mua miếng thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm không bóng. Đây là những miếng thịt để quá lâu, bị biến chất, hỏng không thể ăn được.

Thịt có màu hồng đậm

Một cách để nhận biết thịt lợn có ngon hay không là nhìn vào màu sắc trên miếng thịt. Nếu như miếng thịt ngon thì sẽ có màu hồng tươi, nếu miếng thịt đã ôi có màu nhợt nhạt hoặc chuyển sang màu xanh.

Tuy nhiên, nếu thịt lợn có màu đỏ đậm bất thường cần cảnh giác với thịt chứa chất tạo nạc. Thịt chứa chất tạo nạc còn sáng và bóng hơn những miếng thịt bình thường. Phần mỡ rất mỏng, trong khi phần thịt và phần mỡ có thể bị tách rời dễ dàng trong khi chế biến.

Thịt có nước dịch rỉ ra

Miếng thịt đã ôi không chỉ kém đàn hồi, có mùi hôi mà nếu ấn mạnh có thể phát hiện dịch nước chảy ra. Dịch rỉ ra có thể có màu vàng hoặc đục. Khi dùng dao cắt vào thịt sẽ thấy màu sắc bên trong nhợt nhạt, có nước rỉ ra hoặc hơi ướt.

Với thịt bị bơm nước hoặc ăn nhiều chất tăng trọng, khi nấu sẽ ra nước nhiều và có bọt. Khi nấu miếng thịt ôi có thể thấy nước đục, mỡ nổi lềnh phềnh bên trên và tách rời nhau thành mảng nhỏ. Mùi nước khó chịu, khó ăn và có mùi hôi.

Thịt có mùi lạ

Ngoài dùng tay để ấn vào miếng thịt hay quan sát bên ngoài thì thịt ôi có mùi lạ khi đưa lên mũi ngửi. Đây là dấu hiệu cho thấy thịt đã để lâu hoặc bảo quản không tốt. Nguyên nhân do, nhiều vi khuẩn hiếu khí và kị khí thâm nhập vào miếng thịt, quá trình này làm biến đổi protein của thịt. Trong quá trình đó sẽ sản sinh ra những vi khuẩn để phân giải protein. Chính vi khuẩn này càng sinh sôi sẽ làm cho miếng thịt bốc mùi khó chịu. Acid Amin được tạo ra do vi khuẩn phân giải protein là nguyên nhân gây hôi thối.

Thịt có nhiều nốt/hạt nổi lên

Đây là những miếng thịt bị nhiễm ký sinh trùng, chị em phải tránh ngay. Chị em cần quan sát kỹ trước khi mua, nhất là những vùng thịt có gân mỡ như thịt vai, thịt bắp, thịt thủ… nếu thấy những hạt như hạt gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc) thì không nên mua.

Ảnh minh họa

Khi thái thịt, có thể cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.

Thu Hà T/h

Theo PNN