Cách phát hiện rau củ nhiễm hóa chất, tránh rước bệnh tật vào người

Trong những năm gần đây, số người mắc và điều trị ung thư tại các bệnh viện gia tăng. Lý giải cho sự gia tăng này có thể do môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, do thực phẩm, rau củ quả không an toàn, chế độ ăn uống không hợp lý…

Bệnh ung thư vào từ miệng?

Ung thư là hiện tượng đột biến của tế bào. Từng tế bào trong cơ thể con người không phải tồn tại vĩnh viễn, mà nó phát triển, sinh sôi, từ một tế bào phát triển thành nhiều tế bào.

Hằng ngày, một số tế bào chết đi, một số tế bào mới sinh ra để cân bằng. Khi tế bào bị đột biến, sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn độ, không tuân theo quy luật, sự kiểm soát bình thường thì sẽ tạo ra những khối u.

cach-phat-hien-rau-cu-nhiem-hoa-chat-tranh-ruoc-benh-tat-vao-nguoi

Ảnh minh họa

Trên 80% nguyên nhân gây ra ung thư là do môi trường bên ngoài, còn tỉ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này.

Thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bị nhiễm hóa chất có thể gây độc cấp như ngộ độc thức ăn, nôn mửa. Nhưng nếu tiềm tàng lâu dài, tích lũy lâu ngày trong cơ thể, đến một lúc nào đó sẽ đủ lượng gây đột biến tế bào. Nếu bị đột biến nhẹ thì tế bào có thể tự điều chỉnh, nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ mất khả năng tự sửa chữa, đột biến trở thành ác tính.

Các bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo, phương pháp chế biến thực phẩm cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Nếu chế biến thực phẩm không đúng cách như các món rán, nướng; chế biến thực phẩm mốc cũng tạo thêm cơ hội cho các tác nhân gây ung thư xâm nhập cơ thể.

Thói quen ăn nhiều các loại rau, dưa muối mặn cũng dễ gây ung thư các cơ quan tiêu hóa như ung thư ruột, ung thư gan. Ăn nhiều thức ăn động vật, mỡ, dễ dẫn đến thừa đạm, dễ gây ung thư đại tràng, trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt…

Theo báo cáo của viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày khiến cho Việt Nam là nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất trên thế giới.

Ăn thế nào để phòng trừ ung thư?

Để làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách ăn uống, chúng ta nên ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng. Ăn nhiều rau quả tươi. Đối với loại rau như cải bắp, xà lách, dưa chuột… tốt hơn hết nên vứt bỏ các lá ngoài trước khi rửa chế biến rau.

Việc bạn tăng cường ăn chất xơ cũng có thể làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư trong đó có ung thư đại trực tràng. Đặc biệt không nên ăn mặn và ăn nhiều đường, bởi đường chứa nhiều calo nhưng ít chất dinh dưỡng dễ gây thừa cân. Nên ăn đồ ăn tự nấu một cách tối đa nhất để dễ kiểm soát lượng muối và lượng chất béo.

cach-phat-hien-rau-cu-nhiem-hoa-chat-tranh-ruoc-benh-tat-vao-nguoi

Ảnh minh họa

Nếu muốn tăng cường các chất béo nên chọn chất béo không bão hòa có trong quả bơ, bơ thực vật, dầu như dầu ô liu… Omega-3 là một loại chất béo không bão hòa được tìm thấy trong dầu cá như cá hồi, cá trích và cá thu, đậu nành…

Không nên ăn nhiều thịt, và các loại thức ăn khác được chiên, nướng với nhiệt độ quá cao, nhất là mỡ động vật bởi các chất làm gia tăng nguy cơ ung thư có thể hình thành ở nhiệt độ cao.

Không sử dụng hộp đựng bằng nhựa để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng, ngoại trừ loại được dán nhãn an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng. Không ăn thức ăn có dấu hiệu của nấm mốc.

Cách nhận biết rau không nhiễm hóa chất độc hại

Kết quả điều tra cho thấy đa số người tiêu dùng được hỏi đều coi rau xanh là thực phẩm quan trọng nhất trong bữa ăn gia đình. Thế nhưng ngay tại các thành phố lớn có đến hơn 90% được hỏi không thể phân biệt được giữa rau an toàn và rau không an toàn bằng mắt thường. Do vậy bạn có thể thử nghiệm bằng những mẹo nhỏ sau để phân biệt rau sạch và rau bẩn:

- Cà chua: Thực tế thì cà chua sạch thường không có màu đồng đều mà thường chỗ vàng chỗ đỏ do được để chín tự nhiên, những chỗ ít ánh mặt trời hơn sẽ chín chậm. Trong đống cà chua, cũng có những quả xanh hơn quả khác. Do không qua quá trình dấm nên phần cuống cà chua sạch thường vẫn cứng.

- Khi rau muống dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá thì thân rau thường to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen. Khi luộc rau, nước luộc khi nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen. Những loại rau này khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.

Rau muống ngon nhất vào khoảng tháng 4, 5, 6. Những mớ rau sạch thường ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng hơn nhưng ăn lại rất giòn, ngon và an toàn hơn hẳn. Nếu ngắt cuống sẽ có vệt nhựa loãng

- Rau cải: Đây là loại rau thu hút nhiều sâu bọ khi trồng trên đất. Vì vậy, các chủ vườn thường tăng cường tưới thuốc trừ sâu, phân đạm cho rau vào khoảng thời gian trước khi thu hoạch. Điều này rất nguy hiểm vì khi đưa vào sử dụng, dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong rau còn cao do không có đủ thời gian để phân hủy.

Khi bạn cầm trên tay bó cải non mơn mởn, lá xanh ngắt, không dấu vết của sâu bọ và phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường, đó chính là rau cải được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên sử dụng loại cải này, nhất là ăn sống.

- Lá rau ngót: Bạn nên chọn rau ngót có lá mỏng nhưng cứng. Tuyệt đối không nên mua lá rau ngót dầy mềm, hoặc lá xoăn lại, bất thường. Đó có thể là rau ngót có phun thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Gia đình Việt Nam