Cảnh báo: Hơn 100 loại hóa chất gây hại trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em

Các nhà khoa học tại Mỹ cho biết, đồ chơi bằng nhựa vô cùng nguy hiểm vì tiềm ẩn các hóa chất độc hại.

Gần đây các nhà nghiên cứu Đại học Michigan (Mỹ) cùng Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã phân tích dữ liệu về hàm lượng và chức năng hóa học được tìm thấy trong đồ chơi bằng nhựa, đồng thời định lượng mức độ phơi nhiễm của trẻ em và các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Họ xếp hạng các hóa chất theo mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe và so sánh các kết quả này với danh sách các chất ưu tiên hiện có trên khắp thế giới.

Kết quả cho thấy, trong số 419 hóa chất được tìm thấy trong vật liệu nhựa cứng, mềm và xốp được sử dụng trong đồ chơi trẻ em, có tới 126 hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em thông qua các tác động gây ung thư hoặc các tác hại khác. Các hóa chất này có trong 31 chất làm dẻo, 18 chất chống cháy và 8 chất tạo mùi thơm...

Những hóa chất này có liều lượng phơi nhiễm ước tính vượt quá liều lượng tham chiếu theo quy định, nguy cơ ung thư vượt quá ngưỡng rủi ro quy định. Các chuyên gia nhấn mạnh, những chất này nên được ưu tiên loại bỏ trong vật liệu đồ chơi và thay thế bằng các chất thay thế an toàn và bền vững hơn.

canh-bao-hon-100-loai-hoa-chat-gay-hai-trong-vat-lieu-san-xuat-do-choi-tre-em

 Đồ chơi trẻ em chứa nhiều hóa chất độc hại cần lưu ý khi mua. Ảnh minh họa

Để tìm hiểu chính xác các tác hại của chất hóa học có trong đồ chơi với trẻ, các nhà khoa học đã tổng hợp từ 25 nghiên cứu khác nhau, tìm hiểu đặc điểm vật liệu và cách sử dụng đồ chơi: Thời gian một đứa trẻ thường chơi với một món đồ chơi, có cho vào miệng hay không và số lượng đồ chơi được tìm thấy trong một hộ gia đình. Kết quả cho thấy, trung bình trẻ em ở các nước phương Tây có khoảng 18kg đồ chơi bằng nhựa. Trong đó có các hóa chất mà có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe của trẻ em nhất vẫn là phthalate, chất chống cháy brom hóa, ngoài ra còn có hai chất hóa dẻo butyrate TXIB và citrate ATBC, được sử dụng thay thế cho phthalate. Mặc dù, những hóa chất thay thế phthalate không có nguy cơ cao gây ung thư cho trẻ em, tuy nhiên cần được đánh giá thêm để tránh sự thay thế một hóa chất độc hại này bằng một chất có hại tương tự.

Ngoài ra, theo các nhà khoa học, đồ chơi bằng nhựa mềm có chứa một số hóa chất độc hại cao và phơi nhiễm qua đường hô hấp là chủ yếu. Trẻ em có khả năng hít phải hóa chất khuếch tán từ tất cả đồ chơi trong phòng, chứ không chỉ chạm vào một đồ chơi tại thời điểm đó.

Theo các chuyên gia, các nhà sản xuất đồ chơi thường không cung cấp bất kỳ thông tin nào về hàm lượng hóa chất trong đồ chơi và thiếu cơ sở dữ liệu về thành phần đồ chơi.

Liên quan tới đồ chơi bằng nhựa ở trẻ em, trước đó theo một số kết quả giám định của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), Đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc không bảo đảm chất lượng an toàn, nguy cơ nhiễm độc tố cao vẫn cứ xuất hiện tràn lan trên thị trường. Lực lượng cán bộ quản lý thị trường làm việc hết sức nhưng dù liên tiếp kiểm tra, xử phạt nhưng vẫn như “muối bỏ bể”. Hầu hết đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc như súng, gươm, lựu đạn, lồng đèn… đều được làm bằng nhựa tái chế APS và nhựa PE, trong đó có chứa chất cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần mức cho phép. Đây là một trong ba kim loại độc hại nhất đối với cơ thể con người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi. 

Đặc biệt, gần 30% đồ chơi Trung Quốc có chứa kim loại nặng như arsenic, cadmium, thủy ngân, antimon, chì gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh và miễn dịch của trẻ nhỏ.

Trước mức độ nguy hiểm của đồ chơi bằng nhựa xuất xứ Trung Quốc, Ủy ban châu Âu - EC cũng đã phát động chiến dịch chống đồ chơi giả, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này bởi những đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc thực sự là nguy hiểm đối với trẻ em, bởi chúng chứa lượng kim loại và các chất độc hại rất cao.

Hiện có nhiều danh sách về các sản phẩm và vật liệu có chứa các hóa chất độc hại. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn thiếu thông tin làm thế nào để sử dụng các hóa chất trong các ứng dụng an toàn và bền vững. Các chuyên gia khuyên, nên giảm tiêu thụ vật liệu nhựa nói chung, tránh sử dụng đồ chơi bằng nhựa mềm và giữ sạch sẽ, thoáng mát cho phòng của trẻ.

Theo VietQ