Cảnh báo: Lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lận thương mại

Thời gian qua, hành vi lợi dụng các dịch vụ như hành lý xách tay, gửi chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Cũng theo Cục Điều tra chống buôn lậu, khi bị cơ quan hải quan phát hiện hàng giả, hàng cấm thì chủ các lô hàng không nhận hoặc khi truy tìm người nhận theo địa chỉ khai báo trên trên chứng từ thường không có, không đúng…

Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện và xử lý một số vụ việc vi phạm có giá trị lớn điển hình. Ngày 27/6/2019, tại kho hàng của Công ty TNHH Nhà ga hàng hóa ALS, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài trong quá trình làm thủ tục hải quan đã phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn trong lô hàng gồm 10 kiện hàng được vận chuyển từ Hong Kong (Trung Quốc) về sân bay quốc tế Nội Bài ngày 20/6/2019. Kết quả kiểm tra thực tế phát hiện bên trong 10 kiện hàng chứa 137 chiếc điện thoại di động iPhone 7 Plus đã qua sử dụng. Ngoài ra, trong các kiện hàng còn có 47 vỏ hộp Apple Watch.

Ngày 20/5/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện, bắt giữ lô hàng điện thoại di động số lượng lớn từ Hàn Quốc về Việt Nam. Lô hàng do nam hành khách quốc tịch Hàn Quốc, đi trên chuyến bay VN405 từ Seoul (Hàn Quốc) về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất vận chuyển đã trốn tránh, không khai báo hải quan đối với hành lý mang theo trong chuyến đi. Kết quả kiểm tra đã phát hiện 418 cái điện thoại di động hiệu iPhone, Samsung và LG đã qua sử dụng trong hành lý cá nhân. Trị giá lô hàng vi phạm ước tính khoảng 3 tỷ đồng.

Ngày 25/7/2019, tại kho hàng NCTS sân bay quốc tế Nội Bài, cơ quan hải quan đã kiểm tra lô hàng khai báo là vải nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất từ Hàn Quốc và UAE, tuy nhiên kết quả kiểm tra đã phát hiện 126.5 kg sừng động vật (nghi là sừng tê giác) và rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng được đóng gói nhỏ lẻ khác nhau (hàng hóa mua gom, vận chuyển từ nước ngoài cho nhiều chủ hàng).

canh-bao-loi-dung-dich-vu-chuyen-phat-nhanh-de-buon-lau-gian-lan-thuong-mai

Tình trạng lợi dụng các dịch vụ như hành lý xách tay, gửi chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Ảnh minh họa

Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, hiện nay, việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử chỉ thực hiện khi người dùng thực hiện khai báo với cơ quan quản lý nhà nước (khai báo với cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan hải quan).

Vì vậy, việc kiểm soát chỉ có thể thực hiện từ khi người khai thực hiện khai báo, do vậy, thông tin liên quan về hàng hóa được gửi đến cơ quan quản lý muộn hơn rất nhiều so với thời điểm giao dịch thương mại điện tử được xác lập và cơ quan quản lý không biết được thời điểm thực tế phát sinh các giao dịch thương mại điện tử.

Áp lực giảm thời gian thực hiện thông quan cho hàng hóa: Đối với hàng hóa giao dịch thương mại điện tử thì thời gian giao dịch, vận chuyển rất ngắn vì vậy đòi hỏi cơ quan hải quan cũng cần giảm thời gian thông quan hàng hóa trong khi các thông tin trước về hàng hóa thì hạn chế, đặc biệt là: Thông tin người nhập khẩu, người xuất khẩu không có trước, hàng hóa thì nhỏ lẻ, hàng hóa mới được sản xuất.

Hàng hóa được thanh toán qua mạng nên người khai hải quan trong nhiều trường hợp khi không xuất trình được chứng từ thanh toán do thực hiện thanh toán điện tử qua các thẻ thông minh. Trường hợp yêu cầu xuất trình chứng từ thanh toán cần phải qua ngân hàng để xin các thông tin sao kê, để tránh thủ tục phức tạp cũng như để hưởng các chính sách về thuế nên trong nhiều trường hợp người khai hải quan lại khai báo là quà biếu, quà tặng thay vì khai báo việc giao dịch bằng thương mại điện tử.

Theo quy định của một số cơ quan quản lý chuyên ngành thì miễn việc kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, ... đối với trường hợp nằm trong định mức miễn thuế của Chính phủ (như định mức hành lý, định mức quà biếu tặng... ), tuy nhiên lại không miễn trong trường hợp hàng hóa giao dịch thương mại điện tử thông thường nhưng nhập khẩu với mục đích sử dụng cho cá nhân. Khi cá nhân xin giấy phép thì các cơ quan quản lý chuyên ngành trả lời không cấp phép điều này gây khó khăn cho cơ quan hải quan và người nhập khẩu/xuất khẩu trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Do vậy, để ngăn chặn những vi phạm, theo Cục Điều tra chống buôn lậu cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ...

Cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các thủ tục hải quan đảm bảo tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử lưu giữ hàng hóa tại kho ngoại quan trước khi giao hàng cho khách hàng, người mua là cá nhân phục vụ mục đích cá nhân đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Theo VietQ