Cảnh đời rơi nước mắt của những công nhân thu dọn rác bị nợ lương và câu chuyện cổ tích đến từ trái tim

Bị công ty môi trường nợ lương hơn nửa năm nay, nhiều nữ công nhân thu gom rác phải làm đủ việc để nuôi con ốm, mẹ già bệnh tật...

Rơi nước mắt trước những cảnh đời

Cảnh đời rơi nước mắt của những công nhân thu dọn rác bị nợ lương và câu chuyện cổ tích đến từ trái tim - Ảnh 1.

Chị Thu Phương vẫn mòn mỏi đợi ngày đồng lương của mình về tay.

Khác với phần đông công nhân dọn rác, tài xế lái xe rác bị công ty Minh Quân (tên cũ) nợ lương, chị Thu Phương, công nhân gom rác của tổ Trung Văn có học hành bài bản. Chị kể, mình là cử nhân Triết học, đã từng làm hành chính - nhân sự ở một công ty xây dựng 7 năm.

3 năm trước, sau khi sinh em bé thứ hai, chị quyết định từ bỏ công việc văn phòng, chuyển sang công việc này khác để có thời gian chăm sóc đứa con bị tự kỷ dạng nhẹ.

"Cái ngày đầu tiên đi xuống hầm, vừa đẩy cái xe, mình khóc như mưa đổ. Mới hôm qua mình còn là dân văn phòng, làm việc trong điều hòa, mặc đồ công sở. Thế mà hôm sau mình đã là một công nhân gom rác, cắm đầu trong hầm chung cư hôi thối. Mình khóc mà cũng không hiểu vì sao. Mình chọn rồi thì mình tự chịu, nhưng nước mắt cứ thế tuôn", chị Phương nhớ lại.

Chị tâm sự, ngoài thời gian dọn rác ca ngày, chị cũng làm shipper để kiếm thêm thu nhập, cảm thấy cũng có thời gian linh hoạt hơn để chăm sóc con. Em bé lớn đã 11 tuổi, đáng lẽ năm nay lên lớp 5, nhưng chị đang tính cho con học lại lớp 4 cho chắc.

Đồng nghiệp cứ hỏi sao học hành tử tế thế lại cắm đầu đẩy rác làm gì, không tìm việc văn phòng khác mà làm, chị chỉ cười buồn, vì mỗi người một hoàn cảnh.

Nghĩ đến những tháng lương bị nợ, chị Thu Phương òa khóc. Nếu không bị nợ lương, có lẽ việc làm công nhân rác cũng chẳng có gì nghiêm trọng quá. Mấy năm nay, chị đã bỏ qua những lăn tăn về bằng cấp và công việc rồi.

Nhưng điều chị buồn nhất là đi làm rác lại bị chậm lương. Tết năm ngoái, tổ trưởng hứa để sẽ có lương để công nhân về quê ăn Tết. Nhưng Tết qua mấy tháng rồi vẫn không thấy tiền đâu. Năm ngoái, chị "trốn" chẳng dám về quê ở Đông Hưng, Thái Bình.

Chị Thu Phương trầm ngâm: "Trước đây mình tự tin lắm, nghĩ là không thể nào công ty quỵt lương được, vì còn có công đoàn, có các tổ trưởng. Nhưng 6 tháng con kiến kiện củ khoai, tổ của mình vẫn chưa đòi được nợ. Hôm trước nghe tin tổ chị Phương đòi được 500 triệu rồi, không biết tổ mình bao giờ mới cầm được tiền trong tay".

Không có tiền rồi nghĩ đến các con khiến chị Uyên rất tủi thân

Là một trong những công nhân bị công ty Minh Quân nợ lương, chị Nguyễn Thị Minh Uyên (quê ở Thái Bình) cho biết, chị bắt đầu làm việc thu gom rác cho công ty Minh Quân từ năm 2017. Thời gian đầu, công ty trả đủ 174.000 đồng/ngày lương nhưng đến năm 2020 thì bị chậm. Đỉnh điểm là thời gian cuối năm, công ty nợ chị Uyên và đồng nghiệp trong tổ 6 tháng lương (từ tháng 6 đến tháng 12/2020).

"Chúng tôi đã đến công ty đòi lương nhiều lần, gần Tết cũng đến nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa hẹn là tháng sau công ty sẽ trả. Nhiều tổ khác đã đình công rồi nhưng chúng tôi thì không bởi chị tổ trưởng luôn khuyên nhủ mọi người tích cực làm việc rồi công ty sẽ trả đủ", chị Uyên kể.

Vốn có hoàn cảnh khó khăn khi phải một mình nuôi con nhỏ và mẹ già, gần một năm công ty Minh Quân nợ lương là những ngày tháng chị Uyên sống trong cơ cực.

"Tôi ở với con trai đang học lớp 3 và mẹ già tại phường Phú Đô, cứ mỗi lần đi làm về nếu không có tiền là mẹ tôi bắt đầu chửi mắng. Thậm chí, tôi đã từng ra thuê trọ ở riêng vì không chịu được những câu quát mắng của mẹ", chị Uyên nhớ lại.

"Tôi không dám nói chuyện công ty nợ lương vì sợ mẹ tôi nghĩ là tôi ăn chơi nên hết tiền. Đến khi mọi chuyện vỡ lở, bây giờ mẹ tôi mới thông cảm và hiểu cho con", chị Uyên tâm sự.

Trong suốt quãng thời gian chờ đợi tiền lương, chị Uyên phải đi nhặt vỏ chai để bán kiếm sống qua ngày. Mỗi khi có công việc lớn, không có tiền, chị lại phải vay mượn. Ngày này qua ngày khác, số tiền nợ, tiền lãi tăng lên đến mức không đủ khả năng chi trả. Nhiều lần đi khất nợ chị Uyên còn bị chủ nợ nói những câu nặng lời.

canh-doi-roi-nuoc-mat-cua-nhung-cong-nhan-thu-don-rac-bi-no-luong-va-cau-chuyen-co-tich-den-tu-trai-tim

Mỗi buổi ông Đăng kiếm thêm được từ 50 - 70 nghìn đồng từ công việc này

Với những công nhân thu dọn rác, hoàn cảnh của chị Uyên vẫn còn may mắn bởi trong tổ dịch vụ này còn có ông Nguyễn Văn Đăng (ở Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Dù năm nay đã gần 60 tuổi, bị cụt mất một chân, nhưng hàng ngày, người đàn ông này vẫn đeo chân giả, vắt kiệt sức lực để vật lộn với rác.

Sau khi công ty Minh Quân chấm dứt hợp đồng lao động, ông Đăng chuyển sang làm việc ở công ty môi trường khác. Nhà ở cách chỗ làm 30 km, mỗi ngày ông Đăng phải đi xe bus trước giờ làm 2 tiếng để kịp bắt đầu buổi làm việc vào lúc 17h30.

Công việc của ông Đăng là dọn rác trong hầm của chung cư, mỗi buổi làm việc đều kéo dài đến khoảng 1, 2 giờ đêm. Sau khi đã thu gom hàng tấn rác, ông trở về túp lều dựng tạm phía sau khu điền kinh của thành phố, chờ trời sáng để bắt xe bus về nhà.

Kiếm được 50 - 70 nghìn đồng mỗi ngày từ việc bán vỏ chai, giấy nhựa, ông Đăng và vợ chỉ đủ rau cháo qua ngày. Nếu có việc như giỗ chạp, sửa nhà thì đi vay họ hàng, người thân.

Gần đây, khi sự việc này được báo chí phản ánh, dưới áp lực của dư luận, phía công ty Minh Quân mới hứa sẽ chi trả đầy đủ lương bị chậm cho người lao động. Hiện tại họ mới chỉ chi trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại "hứa" sẽ thanh toán trước ngày 10/7.

Bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Chỉ tính riêng tổ của tôi, công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội thanh toán 500 triệu đồng, còn hơn 1,3 tỷ đồng nữa. Ai cũng khó khăn nên mọi người cứ nhường nhau, người nào vay nợ nhiều hay nợ tiền học của con thì được ưu tiên nhận trước".

Câu chuyện cổ tích đến từ trái tim

Cảnh đời rơi nước mắt của những công nhân thu dọn rác bị nợ lương và câu chuyện cổ tích đến từ trái tim - Ảnh 4.

Công nhân công ty môi trường xúc động khi được nhà hảo tâm hỗ trợ ngày 25/6

Sau khi thông tin của 200 công nhân vệ sinh nhận được nhiều quan tâm của dư luận, đồng thời cũng có rất nhiều nhà hảo tâm ngỏ ý muốn hỗ trợ các công nhân này, mong san sẻ phần nào khó khăn để họ ổn định cuộc sống.

Có những quyên góp 40, 50 nghìn từ những túi tiền eo hẹp cho đến cả triệu đồng, chục triệu đồng, hoặc đề nghị giúp đỡ chi trả tiền học phí cho con cái người lao động, hoặc giúp đỡ thu xếp tìm công việc mới.

Anh Mạc Văn Giang – chủ 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vệ sinh (có trụ sở tại Hà Đông, Hà Nội) đã tìm cách liên lạc với chị Uyên, đề nghị chị vào làm trong công ty và cam kết rằng tiền học phí của con trai chị sẽ do chính công ty chi trả, nhưng chị đã khiêm tốn từ chối.

Nói về điều này chị Uyên chia sẻ: "Tôi cảm ơn rất nhiều tấm lòng của mọi người và cảm ơn anh Giang. Tôi từ chối không phải vì khen chê gì, mà vì khi tôi khó khăn đã có nơi giúp đỡ, thì không thể nào khi có đề nghị tốt hơn lại ra đi. Hiện giờ, chỗ làm mới của tôi cũng đang rất tốt".

Trong những khó khăn này mới thấy rằng có rất nhiều tấm lòng đẹp xung quanh chúng ta. Có những người sẵn sàng bớt lại suất ăn của mình để giúp đỡ những mảnh đời cơ cực khác.

Câu chuyện cổ tích thời hiện đại được dệt lên không chỉ bởi tấm lòng của những người cho đi, mà còn của cả những người được nhận.

K.N (th)

Theo GiaDinh