Chi tiền triệu mua thịt trâu gác bếp về ăn Tết ai ngờ mua phải thịt lợn nái

Thịt trâu gác bếp là món đặc sản được nhiều người tìm mua dịp Tết. Tuy nhiên, nhiều người phải chi vài triệu để mua món đặc sản này nhưng đến khi ăn mới biết là thịt trâu gác bếp giả.

Món đặc sản nhiều người ưa thích dịp Tết

 Thịt trâu gác bếp là món ăn ưa thích của nhiều người mỗi dịp Tết đến.

Thịt trâu gác bếp là món ăn ưa thích của nhiều người mỗi dịp Tết đến.

Đặc sản thịt trâu gác bếp là món ăn nổi tiếng nhất nhì của người dân Tây Bắc. Vị thơm ngon của món đặc sản này hấp dẫn nhiều người, đặc biệt là dân nhậu.

Hay nhất là thịt khô ở đây không phải là loại thịt xé sợi mà là loại nguyên miếng. Những miếng thịt tươi ngon nhất được chọn lựa rồi tẩm ướp gia vị, treo lên gác bếp, hong khô bằng than hồng của củi rừng và khói bếp làm nên cái hương vị đặc trưng cho loại thịt khô vùng này.

Để tăng thêm hương vị cho thịt, có thể tẩm thêm một số loại gia vị đặc biệt như: Hạt dổi, hạt sẻn... để thịt dậy mùi thơm. Giá bán món đặc sản này dao động từ 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng/kg.

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, cứ mỗi dịp Tết đến, các cửa hàng chuyên bán đặc sản các vùng miền hay cửa hàng kinh doanh trên mạng mọc lên nhan nhản. Tuy nhiên, không ít kênh phân phối hiện nay sử dụng chiêu trò lừa người tiêu dùng.

Nếu người tiêu dùng không cẩn thận sẽ dễ bị sập bẫy của những kẻ muốn kiếm lời mà làm ăn bất chính. Nhiều người khó phân biệt được đâu là thịt trâu giả, thịt trâu thật, nhiều người gặp phải tình cảnh “tiền mất tật mang” vì mua phải thịt trâu giả…

Thịt trâu gác bếp làm từ... thịt lợn nái

 Nếu không tinh mắt, nhiều người sẽ bị lừa thịt trâu gác bếp bằng thịt lợn nái

Nếu không tinh mắt, nhiều người sẽ bị lừa thịt trâu gác bếp bằng thịt lợn nái

Theo một "chuyên gia" làm giả thịt trâu khô thì lý do chọn lợn nái bởi da lợn nái cũng dày, thịt dai nên có nét tương đồng với thịt trâu. Để làm được 1 kg thịt lợn nái giả trâu, trung bình chủ hàng chỉ mất 2,3 kg thịt lợn nái tươi. Như vậy, mỗi 1 kg thịt lợn nái sấy khô giả trâu chủ hàng đã lãi được 600.000 - 700.000 đồng. Chính miếng bánh béo bở, món lợi siêu lợi nhuận này đã khiến không ít chủ hàng bán rẻ lương tâm, nghề nghiệp của mình.

Một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cho biết: “Thịt lợn nái đội lốt thịt trâu khô rất vuông vắn, bắt mắt, nên nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt. Người dùng chỉ phân biệt khi bóc thịt ra để dùng”.

Cụ thể, miếng thịt trâu sấy rất cứng và dày, vì thế để dùng được món thịt trâu khô, trước khi ăn, người dùng sẽ phải lấy búa, chày để dần (đập) mềm thịt ra, nếu là thịt trâu thì miếng thịt sẽ giãn đều ra, còn nếu là thịt lợn miếng thịt sẽ vụn nát. Bên cạnh đó, thịt trâu thường có vị ngọt đậm, khi xé thịt sẽ cho sợi đỏ tươi, thơm ngon hơn thịt lợn…

Anh Lượng, thổ địa ở huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết, mấy Tết nay, do nhu cầu thịt trâu gác bếp tăng cao, một số cơ sở chế biến và phân phối loại đặc sản này thường tráo nguyên liệu bằng thịt lợn nái hoặc thịt trâu Lào.

“Bên Lào, trâu rẻ hơn nên một số đầu nậu đứng ra nhập lậu về Việt Nam qua đường biên giới. Trâu được nhập về các tỉnh miền Trung rồi vận chuyển lên trên này làm thịt. Cũng là thịt trâu nhưng ở Lào không lạnh bằng Việt Nam, thịt trâu không dai ngon và có độ ngọt bằng. Ăn một miếng trâu khô Lào và trâu khô Sơn La nguyên bản nhận ra ngay”, anh Lượng nhận xét.

Ngoài ra, một số nơi dùng thịt lợn sề sấy khô, trộn gia vị để giả trâu gác bếp nhưng số lượng nhỏ và chỉ dùng để trà trộn vào thịt trâu để ăn lận thêm.

Nếu có nhu cầu mua thịt trâu gác bếp, ngon nhất vẫn là vào tận nhà người đồng bào dân tộc mua, số lượng ít nhưng đảm bảo hơn nhiều.

Lily (th)

Theo GiaDinh