Chuyên gia dự báo thời tiết dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên cả nước

Theo chuyên gia, mặc dù thời tiết trước Tết Nguyên đán Tân Sửu có khối không khí lạnh nhưng thời gian không kéo dài, chỉ xuất hiện chủ yếu vào đêm và sáng sớm, thời điểm từ ngày giao thừa trở đi, thời tiết ấm áp.

Ngày 26/1, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết:

"Xuyên suốt dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chưa có dấu hiệu nào cho thấy thiên tai nguy hiểm bất thường trên phạm vi miền Bắc và cả nước. Có thể nói là ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm trong dịp Tết và rất ít có khả năng xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá như Tết Canh Tý".

chuyen-gia-du-bao-thoi-tiet-dip-tet-nguyen-dan-tan-suu-2021-tren-ca-nuoc

Theo ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, không khí lạnh suy yếu sớm nên thời tiết cả nước ấm áp.

Cũng theo ông Năng: "Tết năm nay, miền Bắc sẽ ấm, nhiều khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù nhưng chỉ tập trung vào đêm vào buổi sáng sớm ở thời điểm những ngày cúng Táo quân. Ở miền Trung thì nhiều mây, nhiệt độ thấp hơn các năm trước và thời tiết tại khu vực miền Nam thì tương tự như các năm trước đó. Trên biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện của bão hay áp thấp nhiệt đới".

Ông Năng phân tích, thời điểm từ nay đến những ngày Táo quân (khoảng từ 02/2, tức 21 đến 23 tháng Chạp âm lịch): Không khí lạnh yếu ảnh hưởng tới miền Bắc, hiện tượng rét xuất hiện chủ yếu về đêm và rạng sáng

Từ 05 – 06/2 (tức 24 – 25 tháng Chạp), miền Bắc tiếp tục ảnh hưởng của 1 đợt không khí lạnh yếu nhưng lệch Đông và suy yếu từ ngày 8/2 trở đi.

Thời điểm Tết Nguyên đán (từ ngày 30 đến mồng 03 Tết): Miền Bắc trời nhiều mây về đêm và sáng, vùng đồng bằng có khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ có xu hướng ấm hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1 độ. Hiện tượng mưa này và không khí lạnh chỉ xuất hiện ở đêm và rạng sáng.

Trung Bộ nhiều mây về đêm, sáng sớm có sương mù nhẹ, ban ngày và chiều thì trời nắng. Khu vực Tây Nguyên – Nam Bộ không mưa, ngày trời nắng.

Sau Tết Nguyên đán, tuần từ 16 – 21/2: Không khí lạnh hoạt động yếu. Chưa có dấu hiệu của không khí lạnh nhưng lại xuất hiện hiện tượng nồm ẩm và duy trì ở miền Bắc; miền Trung ít mưa và miền Nam trời nắng.

chuyen-gia-du-bao-thoi-tiet-dip-tet-nguyen-dan-tan-suu-2021-tren-ca-nuoc

Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, thời tiết đang có xu hướng ấm dần lên. Ảnh: B.Loan

Thông tin thêm về tình hình thời tiết năm 2021 so với những năm trước, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhấn mạnh:

"Chúng tôi cũng có những theo dõi thời tiết trong 2 ngày Tết (ngày 30 và mồng 1 Tết) trong 30 năm trở lại đây thì kết quả cho thấy có 8 năm xảy ra rét hại (trước 2013), 2 năm xảy ra rét đậm (năm 2011 và 2013). Từ 2014 trở lại đây thì nhiệt độ dao động từ 15 độ C".

Ông Lâm nhấn mạnh: "2 ngày Tết của những năm gần đây thời tiết không còn rét đậm rét hại và Tết năm 2021 cũng nhiều khả năng không còn rét đậm rét hại. Do đó, chúng tôi đánh giá, nhiệt độ đang có xu hướng ấm dần lên. Đây là biểu hiện của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu mà hiện tượng mưa đá trong dịp Tết Canh tý 2020 là biểu hiện điển hình".

Bảo Loan – Diệp Chi

Theo GiaDinh