Có thông tin vải bị nhiễm độc, quần áo trẻ em giá siêu rẻ vẫn "hút" khách

Mới đây nhất, thông tin hàng dệt may của Trung Quốc bị phát hiện chứa hàm lượng formaldehyde (chất có nguy cơ gây ung thư) cao quá mức cho phép khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, quần áo trẻ em giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn hút hàng vì giá siêu rẻ.

Tràn ngập quần áo giá siêu rẻ

Tại Hà Nội, dạo quanh một vòng các chợ nhỏ lẻ, chợ cóc, quầy bán hàng quần áo di động vỉa hè,... ai cũng có thể tìm cho mình những món quần áo trẻ em rất bắt mắt mà giá lại siêu rẻ. Mặt hàng quần áo trẻ em có hàng hà sa số chủng loại, mẫu mã với giá không thể rẻ hơn được bày bán rất nhiều. Người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn những bộ đồ thun giá từ 10.000 ngàn đồng/ bộ, đồ thun bé trai loại cotton bán "sổ" 100 ngàn/3 bộ, áo sơ mi giá từ 20 ngàn/ chiếc, váy xòe cho bé gái màu sắc, mẫu mã đẹp có loại cũng chỉ từ 30-50 ngàn đồng/ cái. 

Tại chợ Lĩnh Nam, chợ Nhà xanh, chợ Phùng Khoang, nhiều loại quần áo trẻ em ở đây có giá sẽ khiến cho nhiều người giật mình vì mức độ rẻ của nó. Tha hồ lựa chọn những loại áo quần có giá dưới 50 ngàn đồng. Một chiếc áo sơ mi có giá từ 10-50 ngàn đồng. Đồ bộ ở nhà tuỳ lứa tuổi có giá từ 25 ngàn đồng/ bộ. Một chiếc quần Jean dao động từ 50-120 ngàn đồng.

Chị Liên (Lĩnh Nam, Hà Nội) - một “tín đồ” của những khu chợ giá rẻ cũng phải thắc mắc: “Với cái giá như vậy chưa chắc đã đủ mua vải, còn đâu lời lãi, công may, công chỉ?”
Tại vỉa hè của các khu vực đông dân hay những con đường mới mở ở Hà Nội, Nguyễn Chánh, Nguyễn Xiển và dọc đường quốc lộ 32, đường 5, đường 1,... những nơi tập chung nhiều khu công nghiệp, nhà máy, khu chế xuất, mặt hàng áo quần trẻ em càng được bán với giá siêu rẻ. Một chiếc áo sơ mi chỉ còn có giá 15.000 đồng, bộ váy giá 45.000 đồng.

Có thông tin vải bị nhiễm độc, quần áo trẻ em giá siêu rẻ vẫn
Từ chợ cóc tới cửa hàng, người tiêu dùng dễ dàng tìm được nơi bán quần áo giá rẻ 

Tại một cửa hàng quần áo trẻ em trên phố Khâm Thiên, chủ cửa hàng cho biết quần áo giá rẻ chủ yếu được nhập từ Trung Quốc về và cũng chia thành các chủng loại khác nhau với giá cả chênh lệch. Dù cùng là hàng Trung Quốc nhưng loại có nguồn gốc xuất xứ, vải tốt, có thương hiệu thì giá không hề rẻ, giao động từ 200-500 ngàn đồng/ bộ, có khi lên đến tiền triệu.Còn những loại quần áo giá siêu rẻ thì thường không rõ nơi sản xuất. Một tiểu thương bán quần áo lâu năm trên phố Hoàng Diệu khẳng định, 90% quần áo nhập về từ Trung Quốc hiện nay tại thị trường Việt Nam đều có nguồn gốc từ thành phố Quảng Châu, vị này cũng khẳng định rằng "quần áo cũng có nhiều loại, loại đắt tiền thì ai cũng biết là chúng đến từ các nhãn hiệu có tiếng. Còn mặt hàng giá rẻ đến từ các xưởng may nhỏ, thủ công, nhái lại các mặt hàng có sẵn trên thị trường mà rẻ hơn, tuy nhiên chất lượng vải, đường may, đường chỉ... thì lại khó lường. Nhiều tiểu thương giới thiệu là hàng may gia công nhưng thực tế là hàng nhập Trung Quốc mới nhiều chủng loại và giá rẻ như vậy".

Có thông tin vải bị nhiễm độc, quần áo trẻ em giá siêu rẻ vẫn
Nếu giỏi mặc cả, bạn có thể mua được áo cho trẻ với giá 7000 đồng/chiếc tại chợ Xanh

Có thông tin vải độc nhưng vẫn dùng...

Báo chí trong nước cũng đã lên tiếng nhiều lần cảnh báo người dân về mức độ độc hại từ những mặt hàng quần áo giá rẻ không có nguồn gốc xuất xứ, nhưng chúng vẫn có sức hút mạnh mẽ với những người tiêu dùng muốn tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Mỗi ngày, tại chợ nhà Xanh (Cầu Giấy) có rất đông người dân lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ tới đây mua quần áo giá rẻ. Cả một đoạn đường bị tắc nghẽn do hoạt động mua bán, trao đổi ở đây diễn ra tấp nập. Chị Thanh Tú (Định Công, Hà Nội) cho rằng, biết là quần áo giá rẻ có thể không tốt với sức khỏe nhưng không còn sự lựa chọn nào khác vì giá thành quá hấp dẫn.“Không phải ai cũng có điều kiện để đi vào các shop mua hàng”, chị nói. Chị Tú cho biết thêm: “Kể cả có vào shop cũng khó nhận biết được hàng xịn với hàng đểu, vì người tiêu dùng đâu phải ai cũng am hiểu về các mặt hàng quần áo”.

Nhiều bà mẹ cũng phân vân trong việc tìm kiếm, lựa chọn mua cho con mình những bộ đồ đẹp, giá phải chăng, và an toàn.“Với nhiều bà mẹ, tiêu chí đầu tiên là phải đẹp, bắt mắt, phù hợp với gu thẩm mỹ của mình. Thứ 2 là đến giá. Còn cuối cùng mới để ý tới chất lượng, xuất xứ”,

Chị Trang, một bà mẹ 2 con trú tại Ngô Văn Sở, Hà Nội trả lời. Chị Minh Huơng (Hà Đông) cho biết: " Mình thường mua quần áo giá rẻ cho con trai mặc vì mình thấy trẻ con mặc đồ rất bẩn, mua đồ đắt tiền thì phí. Với lại xưa nay mình vẫn dùng cho con thấy bé vẫn mặc mát mẻ, không gây hại gì". Chị Yến Như ( Thanh Xuân) thì cho rằng quần áo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì hoặc là có giá quá cao so với thu nhập, hoặc có mẫu mã không đa dạng nên chị vẫn hay mua đồ giá rẻ ở chợ cho hai con mặc.

Trước thông tin vải Trung Quốc có chất gây ung thư chị Như cho rằng "cái đó chỉ là thiểu số, không nên đánh đồng, mình mua quần áo giá rẻ nhưng cũng lựa chọn kĩ càng thì không lo". Trái lại, chị Kiều, phụ huynh của cô con gái hai tuổi nhà ở Cầu Giấy (Hà Nội) thì tỏ ra rất lo lắng: "Trước đây, thỉnh thoảng mình vẫn mua quần áo giá rẻ ở vỉa hè về cho con mặc khi có những mẫu mã đẹp, nhưng từ ngày có thông tin đó, mình không dám nữa, có kiêng có lành, con mình còn nhỏ, dễ ảnh hưởng sức khỏe lắm".

Trước nhiều thông tin nguy hiểm từ quần áo nhiễm độc, câu hỏi đặt ra của người tiêu dùng là: Làm sao để tránh mua phải các loại quần áo độc hại? Một số chuyên gia đưa ra đưa ra cách nhận biết là: quần áo chứa độc chất, formaldehyde là những chất được phun vào quần áo, vải để diệt khuẩn, nấm mốc sẽ có mùi khó ngửi, hăng như mùi tương hạt cải, nếu ai từng ăn tương hạt cải rất dễ nhận ra mùi. Tuy không phải tất cả nhưng quần áo chứa độc tố thường có màu sắc sặc sỡ, có chất làm sáng dạ quang hay in màu rất bắt mắt. Khi đi mua quần áo người tiêu dùng nên cẩn thận, tìm hiểu kĩ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Với quần áo mới mua, các chuyên gia khuyên không nên để trong tủ kín mà phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời một vài ngày sau đó để ở nơi thoáng mát đảm bảo cho các độc tố được bay hơi. Chọn mua những quần áo màu nhạt, không có chất làm sáng dạ quang, màu sắc sặc sỡ.

Theo Tiểu Lâm (TTVN)