Coi chừng 'mang họa' với trào lưu dùng serum nâng mũi không cần phẫu thuật

Hiện nay xuất hiện trào lưu dùng serum để nâng mũi mà không cần phẫu thuật, giá lại rẻ. Tuy nhiên theo cảnh báo của các bác sĩ, đây chỉ là trò lừa bịp.

Với sự hiện đại của các phương thức phẫu thuật thẩm mỹ như hiện nay thì việc sở hữu một chiếc mũi cao thanh tú là không quá khó. Tuy nhiên, chi phí cho một ca phẫu thuật mũi cũng không hề nhỏ, thường dao động từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Đây là một rào cản đối với nhiều người có nhu cầu nâng mũi.

Đánh vào tâm lý của những người không đủ tiền phẫu thuật hay sợ đau, sợ phẫu thuật, trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại tinh dầu hay serum “ma thuật” được quảng cáo là chỉ cần bôi ngoài da nhưng vẫn có thể tu sửa được xương mũi, giúp sống mũi cao lên. Trong khi giá thì rẻ, hơn 100 ngàn đồng.

Theo lời quảng cáo của người bán, thành phần chứa trong lọ serum chủ yếu là Hyaluronic Acid (H.A), tương đương với một loại tinh chất ngậm nước tự nhiên trong cơ thể con người.

coi-chung-mang-hoa-voi-trao-luu-dung-serum-nang-mui-khong-can-phau-thuat

 Nâng mũi bằng surum không phẫu thuật chỉ là trò lừa bịp cần tỉnh táo. Ảnh minh họa

Trên mô tả sản phẩm, người bán cho biết: “Khi H.A gặp nước sẽ liên kết sẽ trở nên nặng hơn và dễ dàng làm đầy hoặc tạo dáng”. Tuy nhiên theo các chuyên gia thẩm mỹ, H.A chỉ là chất giúp cung cấp độ ẩm, ngăn ngừa thoát nước và hỗ trợ tăng sinh collagen thông thường. Hơn nữa, với tầm giá chỉ hơn trăm ngàn đồng, liệu người mua có thật sự nhận được một sản phẩm chất lượng cao? 

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những sản phẩm tinh dầu được giới thiệu bôi ngoài da vẫn có thể tu sửa được xương mũi là hoàn toàn sai sự thật. Chắc chắn không có chuyện nâng được mũi bằng một sản phẩm dạng bôi ngoài da như quảng cáo. Bởi trên thế giới hay các nước tiên tiến hàng đầu về phẫu thuật thẩm mĩ cũng chưa hề công bố loại kem có tác dụng "thần dược" đến vậy.

Ngoài ra, các loại phụ kiện bằng nhựa hay kem bôi chỉ có tác động bên ngoài vào các bộ phận mũi còn muốn nâng mũi cao thì bệnh nhân phải tìm đến các trung tâm phẫu thuật thẩm mĩ để làm các phẫu thuật độn sống mũi hoặc tiêm vào mũi chất làm đầy... Do đó, người tiêu dùng nên cảnh giác với những loại mĩ phẩm làm đẹp "siêu tốc" như trên. Số tiền bỏ ra không nhỏ lại rất dễ rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang". Đó là chưa kể các chất liệu tạo nên các loại serum đa phần là hàng gia công không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua xét nghiệm kiểm định nên khó có thể biết có chứa những hóa chất độc hại cho người sử dụng hay không.

Trên thực tế, các bác sĩ chuyên khoa cũng khẳng định, tác dụng của các loại sản phẩm bôi ngoài da thay đổi cấu trúc mũi cũng như làm sóng mũi cao lên là hoàn toàn không có cơ sở, bởi mũi được cấu tạo từ xương và sụn mũi, độ cao của mũi cũng do 2 yếu tố này quyết định.

Mặt khác, trên thế giới cũng chưa hề công bố loại dung dịch nào có tác dụng nâng cao mũi được như vậy. Rõ ràng, đây là một phương pháp phản khoa học, mù mờ về độ an toàn. Nhất là với phần mũi của trẻ nhỏ, khi sử dụng lên vùng da mũi sẽ dễ bị dị ứng, lớp biểu bì dưới da tổn thương thậm chí có thể gây kích ứng lên mô sụn mũi trẻ, có thể làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển về sau rất nguy hiểm.

Bác sĩ Dương Thị Lệ Trang, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện An Sinh ở TPHCM cho biết, serum hay dầu bôi trên mũi có hai loại tác dụng phụ hay thường gặp nhất là kích ứng da, dị ứng da hoặc viêm da tiếp xúc tại chỗ. Các sản phẩm như serum tinh dầu không rõ nguồn gốc, không biết chất lượng thì tác hại nguy hiểm hơn”.

Riêng vùng da mũi, các mô liên kết và cấu trúc giải phẫu mỏng hơn, sự tái tạo và lành thương khó hơn nên có tác dụng phụ làm da này dễ bị sẹo, di chứng khó phục hồi. Ngoài ra, hệ thống mạch máu vùng da mũi thường nối kết với mạch máu mắt, não… gây viêm nhiễm như nhiễm trùng huyết.

Hơn nữa, hiện nay để chỉnh sửa mũi chỉ có thể phẫu thuật can thiệp, nên việc tác động ngoại lực để mũi cao lên là hoàn toàn không thể. Như vậy, có thể thấy, về bản chất, serum hoàn toàn không có công dụng nâng mũi, giúp mũi cao đẹp, dù là loại serum nào đi chăng nữa.

Cũng theo bác sĩ Trang: “Nếu có nhu cầu thì nên tìm đến nơi tin cậy để tư vấn chuyên ngành để có giải pháp phù hợp cho bản thân, không nên sử dụng những sản phẩm chưa được kiểm duyệt theo lối truyền miệng, chưa biết được tác dụng của nó có hiệu quả như thế nào”.

Mặc dù sản phẩm dễ mua, dễ sử dụng cũng như cách thức thực hiện không quá nguy hiểm như phẫu thuật, thế nhưng không có nghĩa là chúng thật sự an toàn và mang lại hiệu quả.

Vì vậy, khi mua bất kỳ sản phẩm làm đẹp nào người dân nên qua tâm đến độ an toàn, nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, đối với các vấn đề về sức khỏe thì nên thăm khám bác sĩ tại các bệnh viện lớn để tránh rơi vào những cái bẫy của kẻ gian mà tiền mất tật mang.

Theo VietQ