Cơn ác mộng ở nơi bị Covid-19 tấn công nặng nề nhất Đông Nam Á

Những công nhân đào mộ ở Indonesia có thể phải làm việc tới 16 giờ mỗi ngày. Nhiệm vụ của họ là chôn cất hết số quan tài được đưa đến nối tiếp nhau trên những chiếc xe cứu thương.​

Nghĩa trang Rorotan tại thủ đô Jakarta, Indonesia bắt đầu làm việc từ 7h sáng. Đến trưa, họ đã chôn cất 23 quan tài của nạn nhân tử vong do Covid-19.

Do nền đất quá cứng, các công nhân phải sử dụng hai máy xúc, bên cạnh phương pháp đào đất bằng xẻng truyền thống.

Trong bộ trang phục màu trắng, 6 công nhân khiêng quan tài từ xe cấp cứu đến huyệt mộ. Có một hàng dài xe cấp cứu đang xếp hàng để chờ đến lượt. Vào ngày cao điểm, có thể có đến 10 xe xếp hàng tại đây.

Nhóm công nhân dường như đã kiệt sức, chân lấm đầy bùn. Mỗi ngày, họ phải đào ít nhất 30 ngôi mộ.

Nỗi buồn ở nơi chôn cất

Ởkhu vực bên cạnh, gia đình của các nạn nhân khóc than, cầu nguyện cho người quá cố. Thi thoảng, những âm thanh này bị ngắt quãng khi nhân viên nghĩa trang phun thuốc sát trùng cho họ.

Bỗng nhiên tất cả đều yên lặng. Một chiếc quan tài bé nhỏ, bọc ni lông được đưa ra khỏi xe cấp cứu.

con-ac-mong-o-noi-bi-covid-19-tan-cong-nang-ne-nhat-dong-nam-a
 

Công nhân tại nghĩa trang Rorotan, Jakarta đưa quan tài xuống huyệt. Ảnh: Guardian.

"Đó là một đứa bé. Đào huyệt mới đi", nhóm công nhân đào mộ kêu lên. Lỗ huyệt này chỉ bằng một nửa so với các lỗ huyệt khác. Đây là đứa trẻ đầu tiên được chôn cất trong ngày hôm đó.

"Tôi luôn thấy buồn khi chôn cất một đứa trẻ", ông Darsiman, công nhân đào huyệt tại nghĩa trang Rorotan, chia sẻ. Ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ông Darsiman cho biết hầu hết người được chôn cất tại nghĩa trang đều trên 30 tuổi.

Kể từ khi mở cửa vào tháng 4, nghĩa trang Rorotan đã chôn cất 900 thi hài. Trong hai tuần qua, số người chết được chuyển đến đây gia tăng chóng mặt.

Indonesia đã vượt mốc 2 triệu người mắc Covid-19. Số ca tử vong do đại dịch ở quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới gần 60.000 trường hợp. Ngày 26/6, Indonesia ghi nhận 21.095 ca mắc mới trong 24 giờ, con số kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát.

"Tôi nghĩ số người được chôn cất tại nghĩa trang sẽ vượt quá 1.000 ngay trong ngày hôm nay", ông Darsiman dự đoán.

Hệ thống quá tải

Sau khi đào xong huyệt, ông Darsiman tạm nghỉ và quan sát đồng nghiệp chuẩn bị mai táng một thi hài khác. Bộ đồ bảo hộ màu trắng và khẩu trang của ông đều dính đầy bùn.

"Quá mệt mỏi. Mọi ngày, chúng tôi đều bắt đầu làm việc vào 7h sáng và chỉ hoàn thành vào 22-23h", ông Darsiman nói. "Hôm qua thậm chí còn đông đúc hơn. Vào thời điểm này trong ngày, chúng tôi đã chôn cất được 40 người. Đến cuối ngày, con số này lên đến 78".

con-ac-mong-o-noi-bi-covid-19-tan-cong-nang-ne-nhat-dong-nam-a
 

Nghĩa trang Rorotan được xây dựng dành riêng cho các nạn nhân tử vong do đại dịch Covid-19. Ảnh: Guardian.

Khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, hệ thống nghĩa trang của thành phố không đủ đáp ứng. Jakarta đã ghi nhận hơn 8.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là tỉnh thành có số ca tử vong lớn nhất tại Indonesia.

Ông Darsiman làm việc ở nghĩa trang Budi Dharma trước khi nghĩa trang Rorotan mở cửa. Chính quyền thủ đô Jakarta mở cửa nghĩa trang rộng 3 hecta này chỉ để chôn cất nạn nhân tử vong do Covid-19. Hiện nay, Rorotan là nghĩa trang chính phục vụ nạn nhân của đại dịch tại Jakarta.

Ông Ivan Murcahyo, lãnh đạo văn phòng phụ trách vườn hoa và lĩnh vực lâm nghiệp của Jakarta, cho biết nghĩa trang có thể chôn cất cho 6.000 người. Thủ đô Jakarta đã chuẩn bị cho tình huống số ca tử vong gia tăng mạnh hơn nữa.

"Tuy vậy, chúng tôi không nghĩ số trường hợp tử vong tăng nhanh qua mỗi ngày như vậy. Trong hai tuần qua, con số này tăng lên đến hơn 100 ca mỗi ngày. Chúng tôi đã ghi nhận những ngày có 120, 150, thậm chí đến 180 ca tử vong", ông Murcahyo nói.

Nỗi lo của công nhân nghĩa trang

Ông Darsiman cũng cho biết bản thân chưa bao giờ thấy nhiều cái chết trong một ngày như vậy.

"Tôi không sợ những người chết vì thi thể họ tuân thủ quy trình đối với bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện. Tôi sợ những người sống, gia đình của nạn nhân đến nghĩa trang để tiễn biệt. Tôi không biết họ có nhiễm virus hay không", ông Darsiman chia sẻ.

con-ac-mong-o-noi-bi-covid-19-tan-cong-nang-ne-nhat-dong-nam-a
 

Nghĩa trang Rorotan nhìn từ trên cao. Công nhân vẫn đang làm việc để chôn cất những người mới đến. Ảnh: Guardian.

Ông Darsiman luôn giữ khoảng cách với vợ và các con. Ông sợ mình sẽ mang virus về nhà.

Một số nghĩa trang công cộng khác, như nghĩa trang Bambu Apus tại Đông Jakarta, chôn cất cả các nạn nhân tử vong do Covid-19. Kể từ khi mở cửa khu riêng biệt dành cho những trường hợp này, họ đã chôn cất 1.257 người.

Endang Leo, một công nhân đào mộ ở nghĩa trang Bambu Apus, cho biết họ chôn cất khoảng 10 nạn nhân của Covid-19 mỗi ngày trong những tuần qua.

"Công việc rất mệt mỏi, nhưng chúng tôi phải khỏe mạnh. Nếu chúng tôi ốm, ai sẽ chôn cất họ?", ông nói.

Endang hy vọng nhóm công nhân sẽ nhận được các biện pháp bảo vệ tốt hơn. Họ chưa được cấp khẩu trang, đồ bảo hộ hay găng tay khi chôn cất thi thể mắc Covid-19.

Đề xuất phong tỏa

Dù số liệu chính thức của chính phủ không hề thấp, bà Irma Hidayana, đồng sáng lập dự án dữ liệu LaporCovid-19, tin rằng nhiều cái chết do Covid-19 vẫn chưa được ghi nhận. Do đó, số liệu trên thực tế đáng sợ hơn nhiều.

Theo bà Irma, trong tuần qua, hai bệnh nhân Covid-19 đã liên hệ bà để được vào phòng chăm sóc đặc biệt. Không trường hợp nào thành công. Hai người trong số đó đã tử vong.

"Điều đáng buồn là họ mất trước khi được hỗ trợ y tế hết khả năng", bà Irma nói. Theo bà, nhiều nạn nhân Covid-19 mất ở nhà trước khi được chuyển đến bệnh viện. "Trong đợt bùng phát dịch này, tình trạng của bệnh nhân Covid-19 chuyển biến xấu nhanh hơn so với năm ngoái", bà nhận định.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định mức độ hạn chế đi lại đang được áp đặt bởi chính phủ là lựa chọn tốt nhất. Theo ông, các biện pháp này không gây hại đến nền kinh tế, cũng như hoạt động xã hội và chính trị.

con-ac-mong-o-noi-bi-covid-19-tan-cong-nang-ne-nhat-dong-nam-a
 

Công nhân tại nghĩa trang Rorotan tạm nghỉ sau khi đào xong một huyệt mộ. Ảnh: Guardian.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế chỉ trích quyết định này. Họ thúc giục chính phủ có biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn đà lây lan của virus.

Theo bác sĩ Hermawan Saputra từ Tổ chức Chuyên gia Y tế Công cộng Indonesia (IAKMI), cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng thêm khi người dân di chuyển vào dịp lễ Idul Fitri giữa tháng 5, cũng như biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh hơn.

"Chúng ta đang trong tình huống rất đáng lo ngại. Chúng tôi đề xuất phong tỏa theo khu vực nhằm tránh để dịch bệnh lây lan ra các hòn đảo khác", ông Hermawan nói.

Đối với ông Darsiman, bản thân ông không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực về tình hình của bản thân.

"Tôi đã thấy quá nhiều thi hài được gửi tới và chôn cất tại nghĩa trang này. Tôi thường tự hỏi rằng liệu mình có ở trong số này hay không", ông nói.

"Tôi đã suy nghĩ nhiều điều. Tuy vậy, tôi muốn giữ chúng trong lòng vì quá nặng nề", ông chia sẻ.

Theo Zingnews