Cứ 100.000 đồng đòi thu lại 25.000 đồng, Big C đang muốn "đuổi khéo" hàng Việt?

Cho rằng mức chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016 do Big C đề ra quá cao so với trung bình, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn khó có lãi, phải ngưng hoat động, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam chính thức lên tiếng.

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi hệ thống siêu thị Big C đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.

Cụ thể, theo VASEP, để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, thời điểm tháng 3-4/2016, một loạt hệ thống siêu thị gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. Trong đó, hệ thống siêu thị BigC đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu khá cao 4,25% - 5%.

Điều này khiến hầu hết các DN đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao hợp tác với BigC nhưng vẫn có thể sống sót và được một chút lợi nhuận để tái đầu tư.

"Trong bối cảnh sản xuất-kinh doanh hàng hóa đặc thù này đang có chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Nhưng hiện tại, nhiều DN thành viên CLB đang hợp tác cùng BigC với tổng mức chiết khấu cao hơn 15% (mức ngưỡng hiện tại để có thể tồn tại), trung bình 17-20%, thậm chí có DN đến 25%.

Đây là những mức rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư", công văn nhấn mạnh.

Cũng theo VASEP, ngoài chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm, hiện các nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị như mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi…

Không những vậy, siêu thị còn có nhiều nhiêu khê như trong hợp đồng giữa DN thủy sản với siêu thị có khoán “tỷ lệ hàng hư hỏng”, thường là 1%, nghĩa là nhà cung cấp phải chiết khấu cho siêu thị 1% doanh số mua dù hàng có hỏng hay không.

Tuy nhiên, khi hàng hỏng nhưng không phải do nhà cung cấp, nhân viên siêu thị cũng ép DN phải đổi hàng khác, nếu không thì không đặt đơn hàng mới. Như vậy, nhà cung cấp vừa phải chiết khấu 1% mà vẫn phải chịu mọi hư hỏng.

“Trong hoàn cảnh sản xuất - kinh doanh khó khăn như hiện nay, tổng mức chiết khấu 10% đã gần quá sức chịu đựng của các DN. Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không DN nào đáp ứng được, nếu chấp nhận thì sẽ thua lỗ” - ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP bức xúc.

Thực tế, do chịu không nổi mức chiết khấu “khủng” của Big C, một số DN thủy sản đã rút hàng khỏi hệ thống này.

Đến nay, dù Big C đã gửi lời mời doanh nghiệp quay lại cung cấp hàng trên hệ thống siêu thị nhưng đại diện nhiều doanh nghiệp từ chối vì mức chiết khấu quá cao.

Theo ttvn