Đang chơi golf, vị giám đốc đau đầu dữ dội, ai ngờ tổn thương não vị trí "tinh vi"

Khi đang chơi golf ở Hoà Bình, ông Bae H.N (48 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều

Ngày 1/3, Bệnh viện Bạch Mai cho hay đơn vị này vừa nhận được thư cảm ơn của một trường hợp bệnh nhân đặc biệt - người đàn ông Hàn Quốc bị đột quỵ rất nặng được cứu sống nhờ sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa thuộc bệnh viện.

Tháng 12/2020, khi đang chơi golf, ông Bae H.N (48 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, chụp CT sọ não và có chẩn đoán chảy máu dưới nhện. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Bae sinh sống và làm việc tại Việt Nam được 7 năm, hiện là chủ một công ty lớn tại Việt Nam chuyên sản xuất phụ kiện điện thoại và phụ kiện xe ô tô.

dang-choi-golf-vi-giam-doc-dau-dau-du-doi-ai-ngo-ton-thuong-nao-vi-tri-tinh-vi

Thư cảm ơn của ông Bae H.Y gửi tới Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân chảy máu dưới nhện là do dị dạng mạch não. Bệnh nhân được chụp mạch não phát hiện chảy máu dưới nhện lan tỏa - chảy máu não thất do vỡ phình lóc tách động mạch đốt sống phải đoạn V4. Đây là một tổn thương có vị trí khó, phức tạp và tinh vi, cần bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu và nhiều kinh nghiệm mới "bắt" được bệnh.

Các bác sĩ nhận định đây là một ca đột quỵ nặng, nguy cơ vỡ thì hai rất cao và bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được can thiệp cấp cứu. 

Ngay lập tức bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa: Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm Điện quang, Khoa Phẫu thuật thần kinh thống nhất tiến hành can thiệp điện quang cấp cứu, có chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh chuẩn bị sẵn sàng để phòng biến chứng vỡ thì hai sẽ mổ cấp cứu. 

Bác sĩ cho hay vị trí mạch máu não tổn thương rất nguy hiểm, can thiệp khó khăn, có nguy cơ biến chứng nhồi máu vùng thân não rất cao. Sau hơn 1 giờ căng thẳng, ca can thiệp đã thành công. Bệnh nhân được đưa về phòng hồi sức tích cực của Trung tâm Đột quỵ.

Cuộc chiến đấu còn tiếp tục sau khi kết thúc ca mổ. Bệnh nhân được điều trị và tập phục hồi chức năng sớm, ngay tại giường. Sau 12 ngày tích cực điều trị, bệnh nhân đã dần ổn định và tiến triển tốt. Bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, tự thở, huyết động ổn định. 

Sau khi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Bae chuyển sang hai cơ sở y tế khác. Đến nay ông đã dần bình phục và ngày 17/2 đã trở về quê hương Hàn Quốc để tiếp tục điều trị và phục hồi chức năng.

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ: "Với những trường hợp như ông Bae, việc tiên lượng, đánh giá đúng tình trạng bệnh nhân, khẩn trương đưa ra phương án xứ trí kịp thời, hợp lý là điều kiện tiên quyết để cứu sống bệnh nhân".

Ca can thiệp mạch thành công, bệnh nhân được cứu sống và dần hồi phục các chức năng sau cơn đột quỵ nặng là kết quả của sự phối kết hợp hiệu quả, đầy trách nhiệm của các thầy thuốc nhiều trung tâm, khoa phòng trong Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:

- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người);

- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;

- Đột ngột đau đầu dữ dội; chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".

Theo GiaDinh