Dâu tây Trung Quốc gắn mác Đà Lạt 'siêu rẻ'

Gần đây, dâu tây gắn mác Đà Lạt được bán đầy đường phố với giá 85.000-100.000 đồng một kg, rẻ phân nửa thông thường.​

Dọc các con đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp), quốc Lộ 1A (quận 12), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)... dây tây mẫu mã bắt mắt được đựng trong thùng xốp hoặc đóng hộp bán với giá chỉ 85.000-100.000 đồng một kg.

Chị Hoa, chuyên bán trái cây trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) vừa đổ dâu ra nắp thùng xốp vừa niềm nở mời khách mua với giá chỉ 85.000 đồng một kg. Theo chị Hoa, trước đây chị bán dâu Đà Lạt một kg giá 150.000 đồng nhưng nay hàng về nhiều nên rẻ đi một nửa.

Khi hỏi về nguồn gốc, chị Hoa khẳng định là dâu Đà Lạt được lấy từ các đầu mối buôn sỉ. Nếu hàng bán không hết có quyền trả lại. Tuy nhiên, vì bán với giá khá rẻ nên chỉ đến trưa là chị tiêu thụ hết 7 kg dâu tây.

dau-tay-trung-quoc-gan-mac-da-lat-sieu-re

Những trái dâu to, đều, màu sắc bắt mắt được bán trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp). Ảnh: Thi Hà.

Cũng liên tục rao bán dâu tây trên quốc lộ 1A (Quận 12), anh Thanh cho biết, một tuần bán khoảng 3 lần, mỗi lần khoảng 30-40 hộp. Thay vì bán mỗi kg với giá 100.000 đồng thì anh chia ra thành các hộp khoảng 700-800 gram bán với giá 75.000 đồng.

Theo anh này, việc bán đồng giá từng hộp như vậy sẽ chạy hàng hơn so với kg. "Số dâu này được các đầu mối sỉ giao tận nơi, tôi chỉ việc bán, còn nguồn gốc thì họ cho biết nhập về từ Đà Lạt", anh Thanh nói.

Anh Thanh cho biết thêm, đã bán dâu nhiều năm nhưng nay giá dâu khá rẻ so với trước. Mẫu mã của dâu thì đẹp hơn rất nhiều nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong khi các đầu mối trên khẳng định là dâu tây Đà Lạt thì chị Hạnh - tiểu thương chuyên bán dâu tại chợ Bà Chiểu (TP HCM) cho rằng đó có thể là hàng nhập từ Trung Quốc.

Bởi theo chị, dâu Đà Lạt đang trái vụ (mùa dâu tây chính vụ của Đà Lạt kéo dài từ đầu tháng 11 đến tháng 4), mẫu mã không được đẹp, số lượng lại ít nên giá cao. Hiện tại quầy chị đang bán với giá 150.000-400.000 đồng một kg (tùy loại). Riêng với loại giống dâu Mỹ đá Đà Lạt đa phần chỉ bán cho các quán sinh tố vì mẫu mã xấu, lại chua.

dau-tay-trung-quoc-gan-mac-da-lat-sieu-re

Hình dạng dâu Đà Lạt và Trung Quốc. Ảnh: Chi Cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Lại Thế Hưng, nguyên Chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện dâu tây chính vụ Đà Lạt đã hết mùa chỉ còn lác đác vài vườn trái vụ. Các vườn này quả cũng rất ít, số lượng thu hoạch bằng 2/10 chính vụ nên không có nhiều để bán đại trà ra các thành phố lớn.

Mặt khác, theo ông Hưng, với các giống dâu có mẫu mã đẹp thuộc dòng Newzeland giá dao động 200.000-300.000 đồng một kg chứ không rẻ như các trường hợp nêu trên. Do đó, hàng đang bán ở lề đường tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đa phần là hàng Trung Quốc.

Ông Hưng cũng cho biết, mới đây tỉnh Lâm Đồng đã bắt nhiều vụ dâu tây Trung Quốc gắn mác Đà Lạt trà trộn vào tỉnh. Qua nghiên cứu, chi cục đưa ra cách nhận biết của loại này so với hàng Đà Lạt. Theo đó, dâu Trung Quốc có thể để từ 7 đến 10 ngày trong môi trường nhiệt độ 25-32 độ C mà không bị héo hay thối quả, trong khi dâu Đà Lạt chỉ để tối đa 2 ngày.

Đối với giống dâu giá rẻ của Đà Lạt, quả không đồng đều, sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng. Còn dâu Trung Quốc quả đều, to, ít sâu và màu đỏ sẫm đẹp mắt, khi ăn ít chua so với dâu Đà Lạt. Riêng với giống dâu New Zealand, dâu Pháp được trồng ở Đà Lạt thì được khách chuộng nên giá đắt đỏ, hiếm khi dưới 200.000 đồng một kg.

Hiện toàn Đà Lạt có 117 ha đất trồng dâu tây, trong đó 13 ha canh tác trong nhà kính theo hướng công nghệ cao. Dâu tây trồng trong nhà kính đều làm bằng phương pháp hữu cơ, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hoặc bán thủy canh.

Loại này tập trung vào một số giống mới, cao cấp như dâu giống Nhật, New Zealand. Giá bán của những loại dâu này cao gấp 5 lần giống dâu Mỹ đá mà đa số nhà vườn đang canh tác, dao động 200.000 đồng đến một triệu đồng mỗi kg.

Theo VnExpress