Đây chính là vũ khí chống Covid-19 của giới trẻ Ấn Độ



Trong trang phục bảo hộ màu xanh lam và mang tấm che mặt dưới chiếc khăn xếp màu vàng tươi, một tình nguyện viên xịt chất khử trùng lên các thi thể tại khu hỏa táng Seemapuri ở đông bắc Delhi.​

Đó là hình ảnh Jitender Singh Shunty với công việc tự nguyện hàng ngày khi Ấn Độ đối mặt với làn sóng dịch bệnh khủng khiếp vừa qua.

Jitender Singh Shunty phải làm nhanh vì các thi thể được chuyển đến nhanh hơn cả tốc độ hỏa táng. Gia đình và bạn bè của những người đã mất, và những người đang cố gắng tìm giường bệnh và bình dưỡng khí để cứu thân nhân, đang mất dần kiên nhẫn.

day-chinh-la-vu-khi-chong-covid-19-cua-gioi-tre-an-do

Jitender Singh Shunty. Ảnh: Indian Express

Kể từ đầu tháng 4, khi Ấn Độ hứng chịu làn sóng dịch thứ 2 bùng phát trở, Jitender Singh Shunty và 20 tình nguyện viên của mình bị sốc trước số lượng lớn các thi thể được đưa đến. "Năm ngoái chúng tôi đã hỏa táng 967 thi thể, riêng tháng này chúng tôi đã hỏa táng 670 thi thể", anh nói."Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để giúp các gia đình có một đám tang tử tế cho người thân của họ", anh nói khi vội vã lên một chiếc xe cấp cứu khác vừa chở hai thi thể đến.

Ở cách Seemapuri, New Delhi, khoảng 20km, hàng chục người đang tập trung bên ngoài cửa hàng gas của Waseem. Tất cả đều có chung một câu hỏi: Khi nào các bình oxy mới đến?

Waseem cam kết sẽ cập nhật thông tin trên WhatsApp ngay khi có hàng.

"Mọi người đang chết vì thiếu oxy nên tôi nghĩ tôi phải làm điều gì đó để giúp họ", Waseem bày tỏ. "Có người bảo tôi sẽ nhiễm bệnh nếu cứ ra ngoài và gặp gỡ nhiều người có thân nhân nhiễm Covid-19 như vậy. Thật sự tôi cũng sợ lắm, nhưng nếu tôi không giúp họ thì tôi sẽ bị ám ảnh cả đời", Waseem nói thêm.

day-chinh-la-vu-khi-chong-covid-19-cua-gioi-tre-an-do

Khi Ấn Độ rơi vào đỉnh điểm Covid-19 hồi tháng 4, nhiều cửa hàng sẵn sàng cung cấp oxy miễn phí.

Không đơn độc

Khi Ấn Độ đang cố gắng tìm mọi cách đối phó với đại dịch, nam nữ thanh niên trên khắp mọi miền nước này không ngần ngại tự nguyện góp sức vào cuộc chiến. Họ thiết lập các ứng dụng để thu hút sự hỗ trợ và giúp đỡ, phân phát các nguồn cung chủ chốt và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để hướng nguồn lực đến những người cần.

Với 2/3 trong tổng dân số 1,3 tỷ người ở độ tuổi dưới 35, Ấn Độ là một đất nước gồm đa số người trẻ, nhưng tuổi trẻ chưa bao giờ được kêu gọi gánh vác những trách nhiệm to lớn đến vậy.

Swadha Prasad đang làm việc cùng hàng chục tình nguyện viên - tất cả trong độ tuổi từ 14 đến 19 – như một phần của tổ chức UNCUT do những người trẻ tuổi dẫn dắt, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến để thu gom thông tin về các nguồn y tế sẵn có trên cả nước.

Đây là hoạt động 24/7, với các thanh thiếu niên liên tục làm việc qua điện thoại để xác minh nguồn cung cấp, cập nhật thông tin trong thời gian thực và tiếp nhận các cuộc gọi từ người thân bệnh nhân.

"Một số người trong chúng tôi làm từ nửa đêm đến sáng, vì các cuộc gọi không dừng lại lúc 3 giờ sáng", CNA dẫn lời Prasad, một nữ sinh 17 tuổi làm việc 14 giờ mỗi ngày từ trưa hôm trước tới 1 giờ sáng hôm sau.

Đó là một ca làm việc kéo dài và mệt mỏi, nhưng cư dân Mumbai này vẫn rất nhiệt tình. "Nếu tôi có thể giúp cứu được một mạng người, tôi sẽ không bao giờ nói Không".

Và rất nhiều nạn nhân Covid-19 đã được cứu sống. Prasad nêu một điển hình mà nhóm của cô đã kịp cung cấp oxy vào nửa đêm, cứu sống bệnh nhân trẻ đang tuyệt vọng chờ giúp đỡ. "Không chỉ là cung cấp các nguồn lực… đôi khi người ta muốn biết mình không đơn độc", nữ sinh bày tỏ.

Hạn chế công nghệ

Tuy nhiên, ở nhiều thị trấn và làng mạc nhỏ của Ấn Độ, sự hạn chế về công nghệ càng khiến cho tình hình dịch bệnh thêm nghiêm trọng. Các yêu cầu khẩn cấp về nguồn lực và giường bệnh dự phòng đã thúc đẩy một lượng lớn người dùng mạng xã hội Twitter.

day-chinh-la-vu-khi-chong-covid-19-cua-gioi-tre-an-do

Umang Galaiya. Ảnh: ForbesIndia

Kỹ sư phần mềm Umang Galaiya 25 tuổi đã giải quyết bài toán này bằng các viết một ứng dụng để người dùng dễ dàng tìm kiếm những thứ họ cần, và điều hướng tìm kiếm của họ đến những nguồn lực đã được xác minh. Nhưng kể cả như vậy, ứng dụng của anh cũng không thể giúp cho nhiều người sống ở bên ngoài các thành phố lớn vì số người dùng internet rất ít.

"Nếu tôi tìm các nguồn lực ở Jamnagar, thì không kiếm được gì trên Twitter cả", chàng trai trẻ phản ánh.

Và theo nam kỹ sư này, đại dịch không thể bị khống chế nếu không có chính phủ. Các biện pháp đơn giản vẫn cứu được nhiều người. Chẳng hạn, các nhà chức trách có thể tạo ra một sổ đăng ký giường trực tuyến, cập nhật tự động theo thời gian thực, để giúp những bệnh nhân đau khổ không phải chạy tới chạy lui gõ cửa từng cơ sở chữa trị.

Theo VietNamNet