Đề xuất thêm 2 bệnh mới vào danh mục bệnh nghề nghiệp

Dự kiến trong thời gian tới, nhiễm độc thiếc và Covid-19 là 2 bệnh lý sẽ được đưa vào nhóm bệnh nghề nghiệp do tác hại thường xuyên và kéo dài của điều kiện lao động xấu.

Bên lề hội nghị khoa học về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, ngày 21-4, bác sĩ Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa , Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang lấy ý kiến và đề xuất bệnh lý Covid-19 là căn bệnh mới được bổ sung trong nhóm bệnh nghề nghiệp. Cùng đó, tới đây, với bệnh nhiễm độc thiếc, cơ quan chuyên môn sẽ xây dựng dự thảo và lấy ý kiến để bổ sung vào nhóm bệnh nghề nghiệp.

"Hiện Bộ Y tế đang hoàn tất việc giải trình và xin ý kiến các bộ ngành về việc đưa Covid-19 vào nhóm bệnh nghề nghiệp. Nếu được thông qua, đây là căn bệnh nghề nghiệp thứ 35 được công nhận. Đến nay, đã 37 quốc gia công nhận Covid-19 là bệnh nghề nghiệp"- bác sĩ Trung nói.

de-xuat-them-2-benh-moi-vao-danh-muc-benh-nghe-nghiep

Nhân viên y tế có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc

Theo dự thảo mới nhất, Bộ Y tế không quy định tỉ lệ thương tật của những người mắc Covid-19 không có di chứng, mà chỉ xác định đối với những trường hợp có di chứng sau 6 tháng mắc Covid-19 và được giám định loại trừ các yếu tố liên quan khác bởi các cơ sở có chức năng khám bệnh nghề nghiệp. Với những tiêu chí này, tỉ lệ người được xác định mắc bệnh nghề nghiệp sẽ không cao, chiếm khoảng 5-10%.

Cũng theo bác sĩ Trung, tại Việt Nam, đã có những căn bệnh được xếp vào nhóm bệnh nghề nghiệp, như bệnh bụi phổi silic, nhiễm độc chì, bệnh da nghề nghiệp, điếc nghề nghiệp.... Những năm qua, nước ta đã ghi nhận nhiều ca ngộ độc thiếc liên quan đến nghề nghiệp và cần cảnh báo từ sớm để bảo đảm an toàn tại môi trường làm việc.

"Nhiễm độc thiếc là vấn đề sức khỏe nghề nghiệp môi trường mới ở nước ta và thực sự ảnh hưởng tới người lao động. Ngoài những trường hợp ngộ độc thiếc nghiêm trọng, tại các cơ sở y tế đã ghi nhận bệnh nhân tử vong với nồng độ thiếc trong máu cao gấp trên 50 lần mức cho phép"- bác sĩ Trung nói.

Bác sĩ Trung cho biết khi được xác định là bệnh nghề nghiệp, tùy vào tình trạng bệnh, người bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, trợ cấp 1 lần áp dụng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30%. Nếu suy giảm 5% thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở. Sau đó, cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Ngoài khoản trợ cấp nêu trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: từ 1 năm trở xuống được hưởng 0,5 tháng; sau đó, cứ thêm 1 năm được hưởng thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị.

Với người lao động bị bệnh nghề nghiệp suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Cứ suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng 30% mức lương cơ sở. Sau đó cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Bên cạnh đó, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 1 năm trở xuống được hưởng 0,5%. Sau đó, cứ thêm 1 năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị.

Ngoài ra, người lao động suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng một số khoản trợ cấp như: Trợ cấp phục vụ; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe....

Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường kỷ niệm 40 năm thành lập

Sáng 21-4, tại Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập. Viện được giao phụ trách các lĩnh vực: Vệ sinh và sức khỏe nghề nghiệp; vệ sinh và sức khỏe môi trường; vệ sinh và sức khỏe học đường...

Những năm qua, Viện đã có các nghiên cứu đánh giá về vệ sinh, an toàn lao động, sức khỏe môi trường, sức khỏe học đường, chất lượng nước, chất lượng không khí... tại các tỉnh thành, các khu công nghiệp lớn.

Viện cũng tham gia giải quyết các vấn đề nóng của xã hội liên quan đến môi trường như xử lý sự cố chất lượng nước RO trong lọc thận nhân tạo, sự cố ô nhiễm nước Sông Đà, sự cố cháy nổ Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ô nhiễm môi trường tại Lạng Sơn, nhiễm độc chì trẻ em làng nghề, nhiễm độc thiếc của công nhân ở Hải Dương… Đặc biệt, trong phòng chống dịch Covid-19, Viện đã có nhiều sáng kiến khoa học về khử khuẩn, cung cấp thiết bị bảo hộ an toàn cho cán bộ, nhân viên tham gia chống dịch…

Theo NLD