Điểm mặt những sản phẩm kém chất lượng đáng chú ý năm 2018

Thị trường hàng hóa năm qua chứng kiến nhiều vụ việc thu hồi, cảnh báo đáng chú ý. Trong đó có những sản phẩm chứa chất độc hại, không an toàn.

Phấn rôm của Johnson & Johnson bị tố chứa chất gây ung thư

Bê bối gần đây nhất và gây “sốc” người tiêu dùng chính là sản phẩm phấn rôm dành cho trẻ em Johnson & Johnson có chứa chất amiăng nguy cơ gây ung thư.

Theo thông tin từ Reuters, điều khiến giới khoa học và các nhà chuyên môn về mỹ phẩm bức xúc chính là dù Tập đoàn Johnson & Johnson thừa biết trong sản phẩm của mình chứa chất cấm gây hại nhưng vẫn cố tình che giấu trong suốt 40 năm qua.

Không dừng lại ở đó, Johnson & Johnson còn bị tòa án yêu cầu bồi thường 4,7 tỷ USD cho 22 phụ nữ cáo buộc phấn rôm của hãng khiến họ bị ung thư buồng trứng. Hầu hết trường hợp cho biết họ thường sử dụng các sản phẩm phấn rôm của hãng này như chất chống mồ hôi và khử mùi ở gần vùng kín.

Tuy nhiên, Alex Gorsky, Giám đốc điều hành J & J, đã cam kết rằng họ vẫn tự tin các sản phẩm của mình không chứa amiăng. Mặc dù phủ nhận cáo buộc, cổ phiếu của J & J trong ngày 14/12 đã giảm hơn 10%, tương đương với 40 tỷ USD bị mất đi, mức sụt giảm lớn nhất từ trước tới nay.

diem-mat-nhung-san-pham-kem-chat-luong-dang-chu-y-nam-2018

 Năm 2018 nhiều sản phẩm kém chất lượng bị thu giữ 

Thuốc huyết áp chứa chất gây ung thư

Theo thống kê của các nhà khoa học, hiện đã có hơn 1 tỷ người mắc bệnh cao huyết áp, tập trung chủ yếu ở những nước nghèo thuộc khu vực châu Phi và Nam Á. Theo ước tính, căn bệnh này sẽ gây ra 7,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.

Trong lúc số lượng người bị cao huyết áp tăng chóng mặt trên toàn thế giới thì một vụ bê bối gây chấn động dư luận liên quan tới thuốc cao huyết áp chính là vụ 3 loại thuốc huyết áp Losartan, Valsartan, Irbesartan do Công ty Dược phẩm Chiết Giang Hoa Hải, Trung Quốc sản xuất có chứa tạp chất gây ung thư. Vụ bê bối này đã khiến cho cả thế giới phải dốc sức thu hồi và cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm này để kịp thời ngăn chặn.

Sản xuất vaccine kém chất lượng

Cũng tại Trung Quốc, một vụ việc xảy ra khi Công ty Khoa học Kỹ thuật Trường Sinh Trường Xuân (gọi tắt là Trường Sinh) ở tỉnh Cát Lâm sản xuất và tiêu thụ hơn 250.000 liều vaccine kém chất lượng. Vụ việc không chỉ gây chấn động ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Theo Tân Hoa Xã, các quan chức ở Trung Quốc cho rằng, vi phạm của Công ty “mang bản chất đê hèn” và “khiến người ta kinh hãi”. Với các vi phạm của doanh nghiệp, cơ quan chức năng Trung Quốc cho rằng cần phải có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để “chữa trị căn bệnh tham nhũng kinh niên”, hoàn thiện hệ thống giám sát vaccine, bảo vệ lợi ích nhân dân và ổn định xã hội.

Mặc dù chưa phát hiện trường hợp nào gặp vấn đề sức khỏe vì sử dụng vaccine, tuy nhiên, các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc nói rằng có thể hiệu quả bảo vệ của hệ miễn dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thực phẩm chức năng nhiễm độc phát hiện tại Mỹ

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, có đến 776 thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng đã được tìm thấy có chứa ma túy. 86% được bán trên thị trường để tăng cường đời sống tình dục hoặc giảm cân và 12% giúp tăng cơ bắp. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, khoảng 20% các sản phẩm thực phẩm chức năng này được phát hiện có chứa nhiều hơn một thành phần thuốc chưa rõ nguồn gốc.

FDA cũng phát hiện ra rằng, các loại thực phẩm chức năng tiếp tục được bán công khai trong các cửa hàng ngay cả sau khi chúng được thu hồi. Việc lạm dụng các loại thực phẩm chức năng gây ra một số nguy cơ sức khỏe cho người tiêu dùng khi kết hợp với các loại thuốc khác mà một người đang điều trị. Ví dụ, sibutramine có thể làm tăng huyết áp hoặc nhịp tim, có thể gây nguy hiểm cho những người có tiền sử đột quỵ hoặc bệnh tim.

Trước đó, một nghiên cứu năm 2015 phát hiện rằng, thực phẩm chức năng đã gây ra 23.000 ca cấp cứu và 2.000 lần nhập viện tại Hoa Kỳ mỗi năm.

Hàng loạt máy tính ở Việt Nam chứa mã độc khi mới mua về

Theo một báo cáo do Microsoft công bố, có tới 84% máy tính bán ra tại châu Á trong đó có Việt Nam cài sẵn phần mềm lậu, phần mềm bẻ khoá bản quyền (dùng bản crack). Đây là cửa ngỏ cài sẵn của tội phạm mạng đưa mã độc và các phần mềm theo dõi vào máy tính người mua, đánh cắp thông tin của họ. Còn theo thông báo từ Bộ TT&TT, có đến 4,7 triệu IP từ Việt Nam nằm trong các mạng mã độc lớn này.

Theo Microsoft, phần mềm lậu dùng bản bẻ khoá (crack) đa phần đều lây nhiễm mã độc, phổ biến nhất là virus thực hiện các hoạt động gây hại hoặc tải thêm các mã độc khác về máy tính. Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm mã độc từ các phần mềm bẻ khoá, đại đa số người dùng đều không biết đến một nguy cơ từ phía “phần mềm chính hãng” đó là lỗ hổng bảo mật.

Các phần mềm như Windows hay bất kỳ phần mềm, tiện ích mở rộng nào cũng mang nguy cơ chứa lỗ hổng bảo mật, và một số thuộc dạng lỗi 0-day, đồng nghĩa nhà phát triển phần mềm chưa phát hành bản vá lỗi, khiến máy tính của bạn phơi mình trước tấn công mạng.

Theo VietQ