Đồ uống, sữa... bị 'quay đầu xe' do không phải là hàng thiết yếu

Đồ uống, sữa... không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được chuyển đến đại lý, trong khi có thời hạn sử dụng ngắn. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, doanh nghiệp thiệt hại nặng.

do-uong-sua-bi-quay-dau-xe-do-khong-phai-la-hang-thiet-yeu

Sữa, nước đóng lon... được cho là mặt hàng không thiết yếu ở một số tỉnh thành khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn - Ảnh: T.T.

Phản ánh đến Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết vấn đề nổi cộm đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19 rất căng thẳng hiện nay là sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Đơn cử mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý. 

Các mặt hàng đồ uống khác, như bia, nước ngọt, nước uống đóng lon... không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn.

Do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hóa.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, các hiệp hội ngành hàng cho hay thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đưa hàng ra phao số không để đưa hàng lên tàu, thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng. 

Sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh, và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn…

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng đề nghị Bộ Công thương bổ sung các mặt hàng thực phẩm, kể cả đồ uống, sữa cùng các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, và cho quá trình lưu thông hàng hóa.

Đồng thời các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng "cát cứ", gây ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất.

Với các doanh nghiệp sản xuất, cho phép doanh nghiệp sớm được quay lại sản xuất khi các điều kiện phòng chống dịch bệnh được đảm bảo, gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương và cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR;

Chưa kể bên cạnh giải pháp "ba tại chỗ", "một cung đường, hai địa điểm", các hiệp hội ngành hàng cũng cho rằng cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương dựa trên tiêu chí đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động.

Trần Vũ Nghi

Theo Tuổi trẻ

------

Xem thêm:

Danh mục những lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16

Trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân không ra đường nếu không có lý do chính đáng như đi mua lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu… Vậy danh mục lương thực, thực phẩm này gồm những gì?

Hiện TP HCM, các tỉnh ĐBSCL và một số địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chỉ thị 16, nếu người dân ra đường trong thời gian địa phương áp dụng Chỉ thị 16 mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng về hành vi "Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế". Thực tế, đã có nhiều người bị xử phạt do ra đường đi mua những hàng hóa hay thực hiện các dịch vụ không thiết yếu.

Những lương thực, thực phẩm nào là thiết yếu trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16? - Ảnh 1.

Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân được phép ra đường mua các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm - Ảnh: Ngô Nhung

Văn phòng Chính phủ trong Công văn số 2601/VPCP-KGVX ban hành ngày 3-4-2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16 đã nêu rõ "nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết" như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn…; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m .

Những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 gồm:

Đối với các siêu thị, chợ dân sinh, các cửa hàng tiện lợi , tiện ích: chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu gồm:

- Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt); thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản); rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả); trái cây; trứng (các sản phẩm từ trứng);

- Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo; muối; bột nêm; gia vị; nước mắm; đường; dầu thực vật; Sữa các loại; Mỳ gói các loại và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân; Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng;

- Lương thực: gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột);

- Các nhu yếu phẩm cần thiết: Khẩu trang, sản phẩm dùng để tẩy rửa, tắm giặt, gội; nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.

Các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được phép hoạt động gồm:

- Siêu thị; chợ dân sinh; cửa hàng tiện lợi, tiện ích; cửa hàng tạp hóa; cửa hàng kinh doanh trái cây; chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm (chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu);

- Các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh;

- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas khí đốt;

- Các cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh: Thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh.

- Dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình;

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, thanh toán điện tử;

- Dịch vụ hỗ trợ vận chuyển;

- Xuất, nhập khẩu hàng hóa;

- Dịch vụ bảo vệ;

- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp;

- Các cửa hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; - Dịch vụ tang lễ, nghĩa trang.

Khi thực hiện giao dịch các loại hình kinh doanh dịch vụ nêu trên cần hạn chế di chuyển, giao dịch trực tiếp, không tập trung đông người cùng một thời điểm; đồng thời, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn… theo hướng dẫn của ngành y tế (riêng đối với các chợ dân sinh, siêu thị phải thực hiện phân luồng, hướng dẫn người dân di chuyển một chiều vào, một chiều ra khi mua sắm).

Theo NLD

------

Xem thêm:

+Xem xét kỷ luật phó chủ tịch trong vụ "bánh mì không phải lương thực thiết yếu"

+Cả gia đình mắc Covid-19, 3 người m.ất trong nửa tháng

+Sự thật bức ảnh cậu bé mồ côi ở Quảng Trị ủng hộ chống dịch