Đổ xô săn lùng cây giống sâm Ngọc Linh: Cẩn trọng mua phải hàng giả chục triệu đồng

Do thương lái thu mua với giá cao lên tới 15 triệu đồng/kg, nên nhiều người đã đổ xô đi săn lùng loại cây rất giống sâm Ngọc Linh.

Liên quan đến loại sâm này, mới đây, báo Lao Động đưa tin, ngày 28/8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với sở ngành chức năng và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc các nhóm người đổ vào các vùng rừng nói trên để tìm kiếm loại cây giống như sâm Ngọc Linh.

Sở KH-CN và Sở Y tế Lâm Đồng cử bộ phận chuyên môn kiểm tra thành phần hóa học, cấu trúc của loài cây trên, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/9.

do-xo-san-lung-cay-giong-sam-ngoc-linh-can-trong-mua-phai-hang-gia-chuc-trieu-dong

 Sâm Đam Rông có hình dáng giống với sâm Ngọc Linh, nhưng không có các hoạt chất giống như sâm Ngọc Linh. Ảnh: Vnexpress

Theo UBND huyện Đam Rông, thời gian gần đây có những nhóm người từ các tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk đến địa bàn huyện rủ rê khoảng 20 người ở thôn 5 (xã Rô Men) vào rừng sâu, khu vực núi cao, hiểm trở tại các tiểu khu 105, 107B (thuộc xã Đạ Tông), các tiểu khu 206, 207, 208 (thuộc xã Rô Men) và một số khu vực khác lùng tìm, đào bới để thu gom gốc rễ của loài cây có hình dạng bên ngoài giống như sâm Ngọc Linh.

Theo Vnexpress, loại cây này được những người tìm kiếm cho biết thương lái đang thu mua với giá 15 triệu đồng một kg. Với những cây lớn, giá thu mua 40-70 triệu đồng một kg.

Trước đó, hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8, những người này cũng đã chia thành nhiều nhóm tìm cách xâm nhập bất hợp pháp vào địa giới hành chính Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc huyện Lạc Dương để tìm loại sâm quý vì cho rằng đã có người tìm được loại cây này tại đây. Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời, những người này đã rời khỏi địa phương.

Tờ báo dẫn thông tin từ Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông cho biết, loài sâm nói trên có tên khoa học Panax vietnamensis var langbianensis, hình dáng tương đối giống với sâm Ngọc Linh nhưng không có các hoạt chất giống như sâm Ngọc Linh, thường phân bố ở khu vực xã Rô Men, Đạ Tông, Đạ Long tại độ cao 1.200 -1.900 m.

Thương buôn đã lợi dụng đặc điểm tương đồng này để thu gom rồi bán với giá hấp dẫn so với sâm Ngọc Linh chính gốc ở Kon Tum có giá dao động giá 8 -15 triệu đồng một lạng (đối với loại có trọng lượng 3 củ một lạng).

Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng rất có thể mua phải sâm Ngọc linh giả mà không biết.

Thực tế đã có rất nhiều vụ mua bán sâm giả bị phát hiện. Đơn cử vào năm 2017, một người dân ở thị trấn Tăc Pỏ, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đã mua nhầm 6 kg sâm Ngọc Linh giả với giá 25 triệu đồng/1 kg. Sau  khi vụ việc bị phát hiện, người ta mới biết đây là một loại sâm được trồng ở miền núi phía Bắc, giáp với Trung Quốc, giá trị rất thấp, chỉ vào khoảng 1-2 triệu đồng/kg…

Vì vậy, để làm những người tiêu dùng tỉnh táo, người mua cần tìm hiểu kỹ về loại sâm này trước khi quyết định bỏ hàng chục triệu ra mua.

Sâm Ngọc Linh được đưa vào danh sách quốc bảo của Việt Nam, là một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu và cần gắn liền với quốc kế dân sinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đề nghị Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh làm rõ sâm Ngọc Linh là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới.

Theo VietQ