Đồng Nai: Triệt phá đường dây làm giả hàng hóa, thực phẩm quy mô lớn

Công an tỉnh Đồng Nai vừa triệt phá đường dây sản xuất hàng giả khủng, thu giữ hơn 10 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết 16 tổ công tác thuộc đơn vị này vừa đồng loạt khám xét hàng chục điểm sản xuất, buôn bán hàng trên địa bàn các huyện Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, TP Biên Hòa và một số điểm ở TP HCM để làm rõ một đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả.

Theo đó, lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự cùng một số phòng nghiệp vụ đã bất ngờ kiểm tra điểm sản xuất quy mô lớn tại ấp Phú Tân, xã Phú Cường, huyện Định Quán, do bà Vũ Thị H. (SN 1977, quê tỉnh Nam Định) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện trong nhà bà H. một số lượng lương thực, thực phẩm có dấu hiệu làm giả các mặt hàng có thương hiệu (gồm bột giặt, dầu ăn, mì tôm, bột ngọt, nước mắm); các loại nước giải khát; giấy vệ sinh; 2 máy ép nhiệt dùng để đóng gói sản phẩm và hàng trăm loại bao bì giả các nhãn hiệu bột ngọt trên thị trường.

Bước đầu, bà H. đã khai nhận toàn bộ hơn 2 tấn hàng hóa tại nhà không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Số hàng hóa này được mua tại TP HCM, sau đó đưa về pha trộn, đóng gói, làm giả các thương hiệu trên thị trường rồi đưa đi tiêu thụ ở hai huyện Định Quán và Tân Phú.

dong-nai-triet-pha-duong-day-lam-gia-hang-hoa-thuc-pham-quy-mo-lon

Lực lượng công an đang kiểm đếm số hàng hóa thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Đồng Nai

Cùng thời điểm, công an cũng tiến hành khám xét khẩn cấp các cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả tại 16 địa điểm trên địa bàn TP Biên Hoà, huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất và TP HCM.

Tại các địa điểm này, công an thu giữ hơn 10 tấn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và nhiều phương tiện dùng để đóng gói cùng nhiều bao bì, nhãn mác dùng để sản xuất hàng giả...

Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động du lịch, giao lưu thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng, đặc biệt là lực lượng chức năng vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới để tăng cường công tác phòng, chống dịch, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép nên chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm so với những năm trước.

Mặc dù có giảm, tuy nhiên ông Đặng Văn Dũng nhận định, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn sẽ còn diễn ra dai dẳng, nguyên nhân là do sự bất hợp lý về cung - cầu hàng hóa, lợi nhuận lớn, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng; tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhấn mạnh việc một số chính quyền, địa phương chưa thực sự quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; một bộ phận cán bộ, công chức còn tha hóa cũng tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tồn tại.

Theo VietQ