Ghé chợ mua rau đã hết gần 200.000 đồng, bà nội trợ TP.HCM 'méo mặt'

Đi chợ sáng nay, bà Nguyễn Như Thuỷ (đường 11, Phú Nhuận, TPHCM) bất ngờ khi ghé mua rau đã hết gần 200.000 đồng.

Thực phẩm tăng giá được cho là do giá vàng, giá xăng dầu tăng cao, nguồn hàng còn hạn chế, chi phí xét nghiệm, phòng chống dịch cao...

Mặc dù TPHCM đã bước vào giai đoạn bình thường mới, hàng hoá không còn khan hiếm như thời điểm thực hiện giãn cách, thế nhưng giá cả một số mặt hàng hiện nay đang có dấu hiệu tăng cao, nhiều mặt hàng theo xu hướng tăng từ 10-30%.

Đi mua tại các cửa hàng trên đường Vũ Tùng, gần chợ Bà Chiểu, bà Nguyễn Như Thuỷ (đường 11, Phú Nhuận, TPHCM) phàn nàn: "Bông cải xanh giá 60.000 đồng/kg, nấm rơm giá 120.000 đồng/kg, cà chua giá 35.000 đồng/kg... Tôi vào mua rau thôi đã hết gần 200.000 đồng", bà Thuỷ chia sẻ.

ghe-cho-mua-rau-da-het-gan-200-000-dong-ba-noi-tro-tp-hcm-meo-mat

Hàng hoá, thực phẩm tăng giá khiến đời sống người dân khó khăn. Ảnh minh hoạ: Tùng Giang

 

Tương tự, ông Hữu Trinh (Bình Thạnh, TPHCM) cũng nâng lên đặt xuống mớ rau khi thấy giá quá cao.

"Giờ đi chợ cầm trăm nghìn mà vẫn chưa biết mua gì. Đậu phụ giá 4.000 đồng/miếng, tôm nhỏ giá đã 200.000 đồng/kg. Rau củ cũng đều tăng giá. Giá cả lên cao quá khiến người lao động muốn lo cho gia đình cũng khó khăn vô cùng", ông Trinh cho hay.

Theo lý giải của một tiểu thương, giá một số thịt cá, rau củ, quả tăng nhẹ do giá vàng, giá xăng dầu đều đang tăng cao. Trong khi đó, chợ truyền thống của thành phố hoạt động lại chưa nhiều, số tiểu thương buôn bán còn ít do cấm chợ tự phát, chi phí vận chuyển còn cao...

Tại một số hệ thống siêu thị, bách hoá về thực phẩm, giá rau củ ngày 19.11 cũng ở mức cao. Theo khảo sát giá niêm yết của hệ thống Bách Hoá Xanh, cà chua giá 40.000-50.000 đồng/kg, bông cải giá 70.000 đồng/kg, cải thảo 35.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 35.000 đồng/kg...

Về vấn đề hiện nay có nhiều mặt hàng tiêu dùng thực phẩm đang có dấu hiệu tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương nêu lí do: "Tình hình giá có biến động trên thế giới thì kéo theo tăng giá các mặt hàng là một tất yếu. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác như chi phí vận chuyển, phòng chống dịch nên có tăng".

Để bình ổn giá, Sở Công thương TPHCM có chương trình, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất, sản xuất lại thì hàng hóa sẽ cung cấp đủ ra thị trường.

Một số chương trình kích cầu từ đây đến cuối năm, Sở Công thương cũng sẽ đẩy mạnh như chương trình khuyến mãi, kết nối hàng hóa từ thành phố đến các tỉnh thành, các chương trình bình ổn giá thì sẽ tiếp tục thực hiện.

Sở Công thương có kiến nghị với Bộ Công thương để sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để kéo theo mặt bằng giá cả trở lại giá trong điều kiện bình thường mới.

Hiện nay, TPHCM đang có 177/234 chợ truyền thống hoạt động.

“Từ nay đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, các quận huyện sẽ tổ chức thêm nhiều chợ hoạt động trở lại. Để đảm bảo an toàn chống dịch cũng như cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn, Sở Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để các chợ còn lại được mở cửa trong thời gian sớm nhất”, bà Ngọc cho hay.

Theo Lao Động