Hà Nội: 2 điều dưỡng Bệnh viện Thanh Nhàn dương tính SARS-CoV-2 khi chăm sóc bệnh nhân

Ngày 3/6, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết vừa ghi nhận 2 ca dương tính SARS-CoV-2 là nhân viên y tế. Đây là những người chăm sóc, điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19.

Đại diện của Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hai nhân viên y tế này đều là điều dưỡng của bệnh viện, trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân COVID-19 tại khu khám sàng lọc, cách ly (khu vực đơn nguyên T1) của bệnh viện. Hai điều dưỡng này được cách ly riêng biệt cùng ca bệnh COVID-19.

Do đó, khi hai điều dưỡng có kết quả dương tính không phát sinh thêm trường hợp tiếp xúc. Hiện, sức khoẻ của hai điều dưỡng này hoàn toàn ổn định.

Bệnh viện này cũng cho biết khi tiếp xúc với người bệnh, hai điều dưỡng này đã trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ. Qua kiểm tra, mọi quy trình thăm khám, cách ly bệnh nhân COVID-19 đều được tuân thủ đầy đủ. 

"Chúng tôi nghi ngờ nhiều đến khả năng, nhân viên y tế có thể nhiễm bệnh trong quá trình cởi bỏ quần áo bảo hộ. Chủng virus lưu hành hiện nay có khả năng lây nhiễm rất nhanh. Do đó, chỉ cần sơ suất ở một khâu nào đó khi tháo bỏ quần áo bảo hộ cũng có thể nhiễm bệnh", đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn lý giải.

ha-noi-2-dieu-duong-benh-vien-thanh-nhan-duong-tinh-sars-cov-2-khi-cham-soc-benh-nhan

Ảnh minh hoạ

Trước đó, vào đầu tháng 5/2021, Bệnh viện Thanh Nhàn đã phát hiện bệnh nhân B.T.M (nữ, SN1965, quê quán ở thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) - nhân viên vệ sinh khu T9 của bệnh viện cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. 

Trong khoảng thời gian (từ ngày 7 đến 9/5), tầng 9 (Bệnh viện Thanh Nhàn) có tiếp nhận và điều trị 11 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, được chuyển từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chuyển đến. 

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến sáng 3/6, các bệnh viện của thành phố đang điều trị cho 184 F0, trong đó Bệnh viện Bắc Thăng Long điều trị 34 bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang điều trị 131 bệnh nhân, Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 19 bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh viện này cũng đang theo dõi 163 trường hợp nghi ngờ (F1, F2 có triệu chứng).

Võ Thu

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

Dự báo số ca mắc trong chuỗi lây nhiễm Hội truyền giáo Phục Hưng có thể lên đến 500 người

Số lượng F1 liên quan đang được cách ly tập trung rất lớn, nhiều trường hợp F2 đã dương tính, Sở Y tế TP HCM dự báo số mắc trong chuỗi lây nhiễm này có thể lên đến 500 người.

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 2/6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM - cho biết từ ngày 26/5 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 258 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Chùm ca bệnh liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng có 219 ca, trong đó 40 ca hội viên, 174 trường hợp là F1, 5 trường hợp là F2.

du-bao-so-ca-mac-trong-chuoi-lay-nhiem-hoi-truyen-giao-phuc-hung-co-the-len-den-500-nguoi

Nhóm truyền giáo Phục Hưng có 40 thành viên mắc COVID-19 (chiếm 70% tổng hội viên) và đã lây lan thành hơn 200 ca bệnh. Trung bình 1 người lây cho 5 người khác.

Dự báo con số mắc trong chuỗi lây nhiễm này có thể lên đến 500 người bởi số lượng F1 liên quan đang được cách ly tập trung rất lớn, nhiều trường hợp F2 đã dương tính.

Trừ quận 11 và huyện Cần Giờ, hiện 20/22 quận, huyện trên địa bàn TP có ca bệnh. Đây đều là các địa phương có dân số và mật độ dân số cao, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.

du-bao-so-ca-mac-trong-chuoi-lay-nhiem-hoi-truyen-giao-phuc-hung-co-the-len-den-500-nguoi

Ngành Y tế đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm COVID-19. Những ngày qua, trung bình 50.000 người được thực hiện xét nghiệm/ngày (10.000 mẫu gộp/ngày); chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 người mắc COVID-19. 

Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đánh giá rủi ro tại TP HCM vẫn còn do đây là đô thị lớn, các mối tiếp xúc rộng, đặc biệt giữa những hoạt động tôn giáo, một số người liên quan đến các khu công nghiệp…

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, TP HCM phải tầm soát đô thị trên diện rộng nhưng không thể lấy xét nghiệm cho tất cả mọi người; do đó, chỉ nên tầm soát những khu vực có nguy cơ. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Là đô thị lớn nên TPHCM phải tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc những khu vực có nguy cơ, có trọng tâm, trọng điểm.

Một mặt truy vết các ca trong chuỗi lây nhiễm, kêu gọi người dân có triệu chứng nghi nhiễm cần chủ động đến các cơ sở y tế hoặc thông báo cho chính quyền địa phương, lực lượng phòng, chống dịch. Các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động tầm soát, tập trung vào các đối tượng nguy cơ.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu TP HCM triển khai sử dụng công cụ công nghệ thông tin (robot) thông qua tổng đài tự động gọi điện cho người dân hỏi về các triệu chứng như ho, sốt… để các lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

Theo GiaDinh