Hàng loạt 'ông lớn' ngân hàng đang rao bán các khoản nợ xấu trăm tỷ

Trong tháng 9 và 10/2018, các ngân hàng sẽ đấu giá hàng loạt các khoản nợ xấu giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Trong tháng 9 và 10/2018, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank và Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) sẽ đấu giá, phát mãi hàng loạt tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho các khoản nợ xấu tại ngân hàng.

Tổng cộng Agribank AMC có hơn 10 đợt tổ chức đấu giá TSBĐ, với tổng giá trị chào bán khởi điểm hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó có thể kể đến khoản nợ của Công ty TNHH thương mại xây dựng Hồng Thịnh, giá trị ghi sổ khoản nợ đến ngày 30/06/2018 là 115.424.895.000 đồng. TSĐB là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án khu biệt thự nhà vườn tọa lạc tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Agribank VMC cũng đấu giá 9 tài sản gồm 9 lô đất tại TP.HCM, với tổng giá trị lên tới 384.806.000.000 đồng. Đây là khoản nợ của Công ty TNHH phát triển địa ốc Hoàng Phố thế chấp để bảo đảm cho khoản vay tại Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn.

Hàng loạt 'ông lớn' ngân hàng đang rao bán các khoản nợ xấu trăm tỷ

 Các ngân hàng đang rao bán nhiều khoản nợ xấu. Ảnh minh họa

Một khoản nợ xấu khác của Công ty cổ phần Khoáng sản Miền Trung đã thế chấp tại Agribank chi nhánh Bình Định cũng được rao bán. Theo đó, TSĐB của khoản nợ này là tài sản trên đất và hệ thống máy móc thiết bị tại Bình Định giá 167.650.149.330 đồng.

Một khoản nợ xấu khác được mang ra đấu giá là toàn bộ tài sản tại nhà máy của Công ty LD Lifepro Việt Nam với giá khởi điểm: 257.420.084.969 đồng.

Hàng loạt khoản nợ xấu của các cá nhân với TSĐB là quyền sử dụng đất cũng được Agribank VMC mang ra đấu giá trong thời điểm này, bao gồm mảnh đất 100m2 tại số 6, ngõ 264 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội với giá khởi điểm 3.216.871.000 đồng; mảnh đất 105m2 tại số 7 ngõ 193/32, tổ 14 Phường Bồ Đề, Long Biên có giá rao bán khởi điểm là hơn 4 tỷ đồng; 204 m2 đất tại 12/1 Võ Chí Công, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, HN giá khởi điểm 17 tỷ đồng…

Trong khi đó, công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thông báo đấu giá tài sản là toàn bộ các khoản nợ xấu của Công ty cổ phần tập đoàn Đông Thiên Phú tại Agribank chi nhánh Sở Giao dịch. Thời gian đấu giá từ 31/8 - 21/9.

Đây là các khoản nợ xấu của khách hàng đã vay tại Agribank, bao gồm những khoản nợ đã bán sang VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ hiện hạch toán tại Agribank chi nhánh Sở Giao dịch. Giá khởi điểm của các khoản nợ này là 220,1 tỷ đồng.

Một khoản nợ xấu khác được VAMC đem bán đấu giá là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của Công ty TNHH Thành phố Vàng của Agribank đã bán nợ sang VAMC, với giá khởi điểm 76,3 tỷ đồng. Đây là quyền sử dụng hơn 7.851m2 đất tại quận 9, TP.HCM.

Ngân hàng Công thương Vietinbank cũng là một trong các ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ xấu trong tháng 9.

Cụ thể, ngân hàng này ra giá chào bán đối với toàn bộ khoản nợ của Công ty Gia Phú tại VietinBank Thủ Đức, bao gồm các biện pháp bảo đảm cho khoản vay tối thiểu là 6 tỷ đồng.

Theo thông tin từ VietinBank, tổng số nợ của Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú tại VietinBank Chi nhánh Thủ Đức tạm tính đến ngày 11/7 là 21,55 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 5,9 tỷ đồng, còn lại là lãi trong hạn (11,8 tỷ) và lãi quá hạn (3,8 tỷ). Tài sản bảo đảm là căn nhà trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM với diện tích đất 81m2.

Vietinbank cũng thông báo đấu giá quyền sử dụng đất với diện tích 3.460 m2 tại phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

VietinBank Đông Hải Dương rao bán TSĐB là nhà xưởng, máy móc để thu hồi nợ của Công ty TNHH Nhôm Tân Đông.

Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ 667 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tiến Nga. Đơn vị đang sở hữu khoản nợ này là Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Giá khởi điểm của khoản nợ được tính bằng tổng nợ gốc và lãi vay tại thời điểm ký hợp đồng đấu giá, cụ thể, nợ gốc 459 tỷ và nợ lãi 208 tỷ đồng.

Khoản nợ này được đảm bảo bằng hai hệ thống kho bãi tập trung tại ICD Tân Cảng – Long Bình và Phước Tân (Đồng Nai), 19 quyền sử dụng đất tại huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa, một quyền đòi nợ và khoản phải thu của đối tác công ty Tiến Nga.

Hồi đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 609/NHNN-TTGSNH về việc chỉ đạo tăng cường xử lý nợ xấu. Theo ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh thanh tra giám sát NHNN, tính từ năm 2012 đến hết tháng 6 vừa qua, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý tổng cộng hơn 785.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/6, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm 61.040 tỷ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Theo VietQ