Hành khách bị lôi khỏi máy bay Mỹ "có thể đã phạm luật"

Một chuyên gia về luật hàng không cho biết ông David Dao, hành khách từ chối rời khỏi máy bay của hãng United Airlines (Mỹ), có thể đã phạm luật vì hành động này của mình.

Báo The Independent (Anh) hôm 11-4 dẫn lời chuyên gia luật hàng không Andrew Harakas cho rằng ông Dao, một bác sĩ gốc Việt, buộc phải rời khỏi máy bay theo luật liên bang nếu được thành viên phi hành đoàn yêu cầu.

“Một khi là hành khách trên máy bay, bạn không thể cản trở phi hành đoàn làm nhiệm vụ hoặc cản trở máy bay vận hành, đó là nguyên tắc cơ bản. Ông Dao bị từ chối lên máy bay. Vì vậy, ông ấy lẽ ra nên rời khỏi máy bay nhưng ông ấy không làm vậy, dẫn đến sự can thiệp của nhà chức trách. Xét từ góc độ pháp lý, ông Dao đã phạm luật” – chuyên gia Harakas, hiện là cộng sự của Công ty luật Clyde & Co (Anh), phân tích.

Dù vậy, ông Harakas nhấn mạnh trường hợp bác sĩ Dao là một tình huống cực kỳ bất thường khi hành khách bị yêu cầu phải rời khỏi máy bay sau khi đã đặt chân lên khoang.

'Hành khách bị lôi khỏi máy bay Mỹ
Ông Dao bị lôi khỏi máy bay hôm 9-4. Ảnh: INDEPENDENT

Không sai luật...

Người đứng đầu bộ phận hàng không Mark Franklin tại Công ty luật DLA Piper (Anh) cũng nói với trang The Independent rằng tuy sự cố xảy ra trên đất Mỹ nhưng về cơ bản, quy tắc tuân thủ mệnh lệnh của phi hành đoàn cũng tương tự ở Anh.

“Khi lên máy bay, bạn phải tuân lệnh phi công và phi hành đoàn. Chúng thường liên quan đến những hướng dẫn an toàn bay, chẳng hạn nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn… Nếu không tuân thủ, bạn có thể sẽ gặp rắc rối cho dù lệnh đưa ra có phi lý đến đâu” – ông Franklin nói.

Trong khi đó, việc hãng United Airlines áp dụng hình thức “overbooking” (bán vé nhiều hơn lượng ghế đang có, phòng trường hợp hành khách hủy chuyến vào phút cuối nhằm tối ưu hóa lợi nhuận) không có gì đáng tranh cãi vì nó diễn ra khá phổ biến.

Tại Úc và Anh, việc làm này cũng được xem là hợp pháp. Đài ABC dẫn một nghiên cứu gần đây của tổ chức CHOICE cho thấy khoảng 21% số người Úc đi lại bằng đường hàng không đã bị hoãn hoặc hủy chuyến bay vào năm 2015. Và 4% trong số đó bị buộc phải rời khỏi máy bay vì lý do “overbooking”.

'Hành khách bị lôi khỏi máy bay Mỹ

Hình thức bán vé nhiều hơn lượng ghế đang có trên máy bay diễn ra phổ biến tại Úc. Ảnh: REUTERS

Do sự cố ngoài ý muốn, tất cả hành khách đăng ký chuyến bay 3411 của United Airlines hôm 9-4 đều không hủy vé, khiến hãng này muốn “nhét” 4 thành viên phi hành đoàn lên máy bay thì phải chuyển 4 hành khách sang chuyến bay khác.

Ban đầu, United Airlines đề nghị 4 hành khách tự nguyện rời khỏi máy bay sẽ được đổi vé cùng với số tiền bồi thường 400 USD/người, sau tăng lên 800 USD/người.

Vì không đủ số người yêu cầu nên hãng quyết định lựa chọn hành khách ngẫu nhiên, dẫn tới sự cố nhân viên an ninh dùng vũ lực kéo ông Dao ra khỏi máy bay.

...Nhưng hành xử không đúng

Cái không đúng của United Airlines là đã để nhân viên hành xử thô bạo thay vì thuyết phục hành khách tự nguyện xuống máy bay. Theo ông Mark Sixel, chủ tịch một công ty ở Eugene, bang Oregon, lẽ ra cần tăng mức bồi thường - tối đa là 1.350 USD như quy định liên bang Mỹ và hợp đồng của riêng United Airlines với hành khách.

Hình thức bồi thường do các hãng hàng không quyết định, có thể là tiền mặt hoặc voucher bay miễn phí, phiếu mua đồ ăn, nâng hạng ghế trong chuyến bay tiếp theo...

Tại Úc, ngoài các hình thức bồi thường trên, khách có thể được hoàn phí. Còn ở New Zealand, hành khách trong diện trên được bồi thường cả chi phí ăn uống, đi lại, những sự kiện vắng mặt hay chi phí nối chuyến. Mức bồi thường có thể gấp 10 lần giá vé máy bay.

Dù bồi thường thế nào thì điểm chung là các hãng hàng thường phải đảm bảo hành khách rời máy bay an toàn.

Theo Nguoilaodong (t/h)