Hiểm họa ẩn sau đồ công nghệ 'Made in China'

Theo các chuyên gia công nghệ, một trong những sản phẩm được Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc chính là đồ công nghệ.

Mối nguy hiểm từ đồ công nghệ ‘Made in Trung Quốc”

Theo ghi nhận, hiện trên thị trường những sản phẩm công nghệ do Trung Quốc sản xuất chiếm lượng lớn và trở thành một trong những mặt hàng kinh doanh “béo bở” cho các nhà buôn.

Những món đồ công nghệ đến từ Trung Quốc vô cùng phong phú về mẫu mã, kiểu dáng và tiện ích. Bên cạnh đó, so với các mặt hàng đồ công nghệ đến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ, … thì các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc có giá thành rẻ hơn rất nhiều. Điều này phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người Việt.

Ngoài ra, theo như quảng cáo, các sản phẩm công nghệ đến từ Trung Quốc cũng đầy đủ tính năng, tiện ích và không hề thua kém các thương hiệu điện tử nổi tiếng khác. 

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, ngoại trừ các sản phẩm công nghệ đến từ những thương hiệu lớn được sản xuất tại Trung Quốc hầu hết mặt hàng còn lại có mác ‘Made in China’ đều khiến người dùng phải dè chừng bởi ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm.

Không khó để liệt kê ra những ‘cú phốt’ mà đồ công nghệ đến từ Trung Quốc đã gây ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới khiến người dùng phải đối mặt với các nguy cơ như: Mất thông tin cá nhân, bị theo dõi hoặc cuốn theo những mưu đồ bất chính. 

Cụ thể, vào năm 2013, một số mẫu ấm đun nước và bàn ủi Trung Quốc bị phát hiện có "từ 20 tới 30 mảnh vi mạch gián điệp" được gắn bên trong có khả năng khai thác các mạng wifi không đặt mật khẩu ở phạm vi "lên tới 200m".

Nhờ gắn con chíp vi mạch này chúng có thể phát tán mã độc và gửi dữ liệu tới máy chủ nước ngoài. Các nhà nghiên cứu bảo mật tiết lộ có đến 30 thương hiệu tablet chạy hệ điều hành Android của Trung Quốc đã cài đặt sẵn trojan Cloudsota và rất khó để xóa bỏ hoàn toàn.

hiem-hoa-an-sau-do-cong-nghe-made-in-china

Cần phải thận trọng trước những sản phẩm công nghệ đến từ Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo hãng bảo mật Cheetah Mobile Security Lab, trojan Cloudsota được cho là có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc và được cài đặt đi kèm phần mềm quảng cáo, phần mềm độc hại.

Một số dòng máy này có những thương hiệu nghe rất lạ tai như SoftWinners, Advance, Rockchip, Jointnet, SW, Wondermedia, MID-1013D, Freeman, RDA... mà điểm chung của chúng là có giá bán rất rẻ. 

Ngoài tablet, cả những điện thoại có giá rẻ đi kèm cấu hình tốt, phù hợp với túi tiền của người dùng bình dân cũng được Trung Quốc tận dụng tung ra thị trường nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người dùng.

Theo các nhà bảo mật, việc nhúng mã độc vào điện thoại gây nguy hiểm hơn tablet rất nhiều. Một số tablet chỉ có tính năng lướt web và không có giao tiếp qua SIM điện thoại nên kẻ xấu khó lợi dụng để kiếm tiền từ tin nhắn ngầm.

Đối với điện thoại dùng hệ điều hành Android, kẻ xấu có thể nhúng mã độc vào phần cứng, tạo ra các ứng dụng mặc định không thể xóa trên điện thoại cho phép kẻ xấu giao tiếp với điện thoại của nạn nhân với quyền admin cao nhất. Chúng có quyền admin thì có thể làm bất cứ điều gì trên máy điện thoại của nạn nhân kể cả ra lệnh từ xa bằng giao thức lệnh qua SMS hoặc qua kết nối internet. 

Đại diện lãnh đạo của Bkav cũng từng khẳng định, đã tìm ra bằng chứng cho thấy chiếc điện thoại Trung Quốc đã gửi số điện thoại và nội dung tin nhắn của người dùng ra máy chủ nước ngoài. Đặc biệt, ngay cả khi đã root máy, cài lại bản ROM khác thì việc trao đổi dữ liệu ngầm vẫn diễn ra ngang nhiên.

Một vụ việc không thể không nhắc tới chính là các chuyên gia bảo mật đã phát hiện thấy trên nhiều mẫu máy tính của Lenovo (laptop và máy tính bàn) cài đặt sẵn phần mềm có tên "Lenovo Service Engine" (LSE) vào BIOS tên board mạch chủ của máy tính trước khi xuất xưởng (BIOS là chương trình chạy đầu tiên khi máy tính khởi động). 

Phát hiện của các chuyên gia bảo mật gây nên những lo ngại về an toàn và riêng tư của người dùng. Lenovo sau đó đã phải đưa ra thông báo cho biết đây chỉ là một tính năng trên sản phẩm, đồng thời phát hành bản nâng cấp firmware để loại bỏ LSE ra khỏi BIOS của thiết bị này nhằm đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm cũng như người tiêu dùng.

Không chỉ có ở Việt Nam, trước đó hàng loạt hãng công nghệ Mỹ, trong đó có Amazon và Apple, đã trở thành mục tiêu theo dõi của cơ quan gián điệp Trung Quốc thông qua một con chip siêu nhỏ được cài lên hệ thống máy chủ được sử dụng bởi các hãng công nghệ này.

Kẽ hở 'mở đường' cho hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam

Lý do giải thích cho sự hấp dẫn từ các sản phẩm này chính là chi phí sản xuất rẻ, tính mở của nền tảng Android và sự dễ dãi từ một số nhà sản xuất vi xử lý khiến việc tạo ra một chiếc smartphone đơn giản hơn bao giờ hết.

Chỉ cần yêu cầu một mẫu sản phẩm, các nhà cung ứng vi xử lý sẽ hoàn thành từ A tới Z, gợi ý cấu hình smartphone, thử nghiệm phần mềm…

Một lý do khác khiến điện thoại Trung Quốc trở nên rẻ mạt như vậy chính là tính bảo mật và riêng tư gần như bị bỏ trống. Theo chia sẻ của Giám đốc điều hành Công ty bảo mật NTS Security, các điện thoại giá rẻ hiện nay từ Trung Quốc đều dùng hệ điều hành Android, có chỉnh sửa trong phần cứng và cả trong ứng dụng Android cài sẵn trên điện thoại.

Người dùng mua các sản phẩm này để sử dụng có thể bị kẻ xấu xâm hại quyền tự do cá nhân hoặc lợi dụng gửi tin nhắn ngầm đến các tổng đài có trả phí cao để trục lợi.

Dù nhiều người biết rằng điện thoại Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng vẫn mua về sử dụng dẫn tới việc các dân buôn thi nhau nhập lậu về bán kiếm lời khiến cho công tác phòng chống, ngăn chặn tình trạng buôn lậu ngày càng khó khăn. Do đó, theo Tổng Cục Quản lý thị trường, để đảm bảo an toàn tốt nhất người tiêu dùng không nên ham rẻ mua điện thoại trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Theo VietQ