Khi ngân hàng bắt tay quỹ mở, công ty bảo hiểm

Các ngân hàng hợp tác với các quỹ mở, công ty bảo hiểm sẽ giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính đa dạng. Tuy nhiên, đằng sau các lợi ích vẫn hàm chứa nhiều rủi ro. 

Khi ngân hàng bắt tay quỹ mở, công ty bảo hiểm

Từ đầu năm 2014, thị trường tài chính trở nên sôi động khi SeABank và PVI Holdings ký thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng và bán chéo sản phẩm ngân hàng - bảo hiểm. Tiếp theo, PvcomBank cũng ký hợp tác độc quyền với Prudential Việt Nam. Bac A Bank liên kết với bảo hiểm PJICO cho khách hàng vay vốn.

Ngân hàng BIDV hợp tác với BIC. Ngân hàng OCB cũng liên kết phân phối gần 20 sản phẩm bảo hiểm của BIC tại các điểm giao dịch của OCB, PVcombank, TPBank, VPBank hợp tác với MIC. Và mới đây, Eximbank hợp tác với bảo hiểm Generali...

Lợi ích ba bên

Không chỉ hợp tác với các công ty bảo hiểm nhân thọ, một số ngân hàng hợp tác với các quỹ mở, như Maritime Bank, Seabank và TPbank hợp tác với Quỹ VinaWealth phân phối chứng chỉ quỹ. Mới nhất là ngày 22/7/2016, tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty CP Quản lý Quỹ VinaWealth (VinaWealth) đã ký hợp đồng hợp tác triển khai quỹ mở (Mutual Fund) thông qua kênh ngân hàng tại Việt Nam. Sắp tới có thể Vietinbank cũng sẽ ký hợp tác với quỹ này.

Việc các ngân hàng liên tục hợp tác với các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt xu hướng quỹ mở đang rất tiềm năng tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Toàn - cố vấn đầu tư tài chính của VinaWealth Fund Management JSC - VinaCapital Group: "Lãi suất huy động hiện nay với kỳ hạn dưới 6 tháng, hầu hết các ngân hàng đều xoay quanh 5,3 - 5,5%/năm (mức trần Ngân hàng Nhà nước áp dụng hiện nay là 5,5%/năm ). Còn kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thì xoay quanh từ 6 - 7,5%/ năm trong khi lạm phát dự kiến 4%. Người gửi tiền hưởng lãi suất thực không đáng kể, vậy nên họ tìm kiếm kênh đầu tư khác là bảo hiểm hay các quỹ mở là dễ hiểu".

Bên cạnh đó, hợp tác ngân hàng - bảo hiểm còn gia tăng việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ chéo của nhau. Thông thường, các sản phẩm tiết kiệm liên kết bảo hiểm đều đưa ra những quyền lợi hấp dẫn về mức lãi suất và gói bảo hiểm kèm theo. Sự cạnh tranh của các ngân hàng trong sản phẩm này còn thấy ở việc các ngân hàng mạnh tay đưa ra mức ưu đãi lãi suất cao dành cho khách hàng. Đây cũng là điểm vượt trội của sản phẩm này so với các sản phẩm bảo hiểm truyền thống.

"Về phía ngân hàng, lợi ích từ việc hợp tác phân phối sản phẩm của các quỹ đầu tư sẽ giúp ngân hàng gia tăng cơ hội giữ chân khách hàng trong trường hợp người dân rút tiền vì lãi thấp. Ngân hàng sẽ thu được khoản phí hoa hồng cao giúp họ có được lợi nhuận. Lợi nhuận này tuy thấp hơn cho vay nhưng ngân hàng không phải trích lập dự phòng nợ xấu mà ghi nhận ngay vào lợi nhuận", ông Toàn chia sẻ thêm.

Về phía các công ty bảo hiểm và các quỹ, lợi ích mang lại cũng không kém. Chi phí phân phối bảo hiểm nhân thọ trên kênh này sẽ thấp hơn so với những kênh truyền thống, nhờ tận dụng hệ thống bán lẻ, chi nhánh, nhân viên và hạ tầng công nghệ thông tin của ngân hàng.

Hồi tháng 3/2016, ông Nguyễn Quang Hiện - TGĐ MIC khẳng định, dịch vụ bán bảo hiểm qua ngân hàng là kênh bán hàng quan trọng, chiếm hơn 10% tổng doanh thu hằng năm và tăng trưởng hơn 30%/năm, góp phần nâng cao hiệu quả bán chéo trong Tập đoàn. Năm 2016, MIC phấn đấu đạt doanh thu 200 tỷ đồng, tăng trưởng 160% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu một bước tiến lớn trong hợp tác với MB Bank.

Tương tự, Quỹ Trái phiếu VFF của VinaWealth cũng tăng trường dự kiến hơn 9% trong năm 2016 và các quỹ cổ phiếu VEOF đầu năm nay cũng đã tăng hơn 15%.

Một lợi ích khác của việc hợp tác, theo các ngân hàng là học hỏi được nhiều kinh nghiệm về quản lý quỹ và mô hình hoạt động hiệu quả này từ những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới. Nếu sau này các ngân hàng có muốn lập các công ty con về quản lý quỹ thì đã được nhiều khách hàng biết đến và đã có kinh nghiệm.

Về phía nhà đầu tư, khi cần rút vốn chỉ mất phí khá thấp so với việc rút trước hạn của sổ tiết kiệm như hiện nay (bị tính lãi suất không kỳ hạn rất thấp so với có kỳ hạn).

Những rủi ro

Theo ông Toàn, một rủi ro rất dễ nhận thấy là nếu hiệu quả đầu tư của các quỹ mở gia tăng thì khách hàng của các ngân hàng sẽ không quay lại gửi tiết kiệm nữa. Khi đó họ sẽ mất khách hàng. Rủi ro thứ hai, nếu các quỹ đầu tư hoạt động kém hiệu quả do thị trường chứng khoán suy giảm thì khách hàng sẽ quay lại chỉ trích tư vấn của ngân hàng.

Thực tế, khi hợp tác với các quỹ và công ty bảo hiểm, ngân hàng sẽ được hưởng hoa hồng tùy theo mức độ đầu tư của khách hàng. Mức đầu tư càng nhiều thì hoa hồng càng cao. Điều này dẫn đến hệ lụy là sẽ có nhân viên ngân hàng vì lợi ích cá nhân nên cố tình đưa ra "bánh vẽ” để tư vấn cho khách hàng. Và thông thường, khi bị khách hàng chỉ trích, các ngân hàng sẽ "đá quả bóng" cho các công ty quản lý quỹ. Và khi đó, sự hợp tác có thể đổ bể.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn - TGĐ SCB chia sẻ, hiện nay nhiều công ty bảo hiểm và các quỹ đưa ra tỷ lệ hoa hồng hấp dẫn thu hút các ngân hàng. Tuy nhiên, để hợp tác "thuận buồm mát mái" cần có hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ, giới thiệu khách hàng qua lại và cải tiến dịch vụ để mang lại sự hài lòng cho khách hàng và giữ uy tín chung cho cả hai bên.

Theo Lữ Ý Nhi (DNSG)