Kia triệu hồi hàng trăm nghìn xe do lỗi chốt khoá cốp sau

Khoảng 600 nghìn chiếc xe thuộc các mẫu phổ thông như Kia Forte, Rio; Hyundai Sonata, Accent, Azera,... sẽ phải triệu hồi do lỗi chốt khoá cốp sau.

Trong tuần này, Hyundai và Kia thông báo sẽ triệu hồi khoảng 600.000 xe ô tô được sản xuất từ 2016-2020 do thiết kế chốt cốp có thể bị gãy sau thời gian dài tiếp xúc với nhiệt độ cao, khiến hệ thống thoát hiểm khẩn cấp bên trong cốp không thể hoạt động.

Theo báo cáo, các xe liên quan đến đợt triệu hồi của Kia bao gồm Forte sản xuất 2016-2019, Rio 2018-2019. Một số xe khác thuộc thương hiệu Hyundai như Sonata sản xuất 2017-2018, Sonata Hybrid 2016-2018, Accent 2018-2020 và Azera 2016-2017. Phương án xử lý được đưa ra là thay thế chốt mới làm bằng vật liệu có thể chịu được nhiệt độ cao.

Lỗi trên có thể khiến trong một số tình huống khẩn cấp, người bên trong xe không thể mở cửa cốp sau để thoát ra ngoài được. Theo nhà sản xuất, xác suất để xảy ra đồng thời trường hợp người bị nhốt ở trong cốp và chốt bị nứt khiến hệ thống thoát hiểm không hoạt động là khá hiếm. Hiện tại, chưa ghi nhận tình huống thực tế nào xảy ra.

Tuy nhiên, hãng xe Hàn Quốc đánh giá nguy cơ có thể đến và sẽ rất nguy hiểm nếu hành khách bị mắc kẹt bên trong khi gặp sự cố. Do vậy, việc mở đợt triệu hồi là điều cần thiết.

kia-trieu-hoi-hang-tram-nghin-xe-do-loi-chot-khoa-cop-sau

Sonata Hybrid 2016-2018 là một trong số các mẫu xe của Huyndai bị triệu hồi vì lỗi chốt khóa cốp sau. Ảnh: CarBuzz 

Được biết, hồi tháng 12/2020, Hyundai Motor Mỹ cũng ra lệnh triệu hồi 128.948 xe (bao gồm các xe Santa Fe 2012, Sonata Hybrid 2011-2013 và 2016, Veloster 2015-2016) vì các ổ trục thanh kết nối trong động cơ có thể bị mòn sớm và hư hỏng động cơ. Việc hư hỏng động cơ cuối cùng có thể làm tăng khả năng xảy ra hỏa hoạn hoặc động cơ ngừng hoạt động, dẫn đến tai nạn.

Các chủ xe sẽ được thông báo về đợt triệu hồi bắt đầu từ ngày 22//2021 để mang xe đến đại lý của Hyundai. Nếu đại lý phát hiện có hư hỏng ổ trục, động cơ sẽ được thay thế. Các đại lý cũng sẽ cài đặt Hệ thống Phát hiện cảm biến (Knock Sensor Detection System) mới thông qua một hư hỏng phần mềm; hệ thống sẽ theo dõi các rung động của động cơ để phát hiện sớm hao mòn hoặc hư hỏng.

Trước đó, vào năm 2017, Hyundai cũng ra thông báo triệu hồi gần 600.000 chiếc sedan và SUV tại thị trường Bắc Mỹ. Nguyên nhân của đợt triệu hồi số lượng lớn này nằm ở các vấn đề liên quan tới chốt nắp capo và đèn cảnh báo phanh tay của xe. Được biết, có 437.400 chiếc Santa Fe và Santa Fe Sport niên hiệu từ 2013 đến 2017 nằm trong diện được triệu hồi. Hyundai cho biết, những xe xuất xưởng sau giai đoạn tháng 6/2016 sẽ không bị ảnh hưởng vì lỗi kể trên đã được xử lý ngay trong quá trình sản xuất.

Theo hãng xe Hàn Quốc, cáp nối của chốt phụ nắp capo trên xe trong diện ảnh hưởng có thể bị mòn, dẫn đến mất khả năng dự phòng cho chốt chính. Trong trường hợp nắp capo đóng không kín hoặc chốt chính không thể chốt chặt, nắp capo có thể mở lên khi xe đang chạy trên đường, dẫn đến khuất tầm nhìn của người lái, gây nguy cơ tai nạn.

Những mẫu xe khác của Hyundai được triệu hồi gồm khoảng 150.000 chiếc Sonata và 10.800 chiếc Genesis niêu hiệu 2015 và 2016. Nguyên nhân cũng liên quan đến việc linh kiện bị ăn mòn, tuy nhiên lần này vấn đề nằm ở công tắc kích hoạt đèn cảnh báo phanh tay. Lỗi này sẽ khiến người lái nhầm tưởng rằng phanh tay đã được hạ. Lái xe khi phanh tay vẫn đang hoạt động trong thời gian dài có thể gây tổn hại tới hệ thống phanh, làm phanh bị nóng hay dẫn đến những hỏng hóc nghiêm trọng và nguy hiểm hơn cho xe.

Còn với Kia, năm 2018, hãng này đã ra thông báo triệu hồi hơn nửa triệu xe do trục trặc hệ thống điện khiến túi khí và bộ căng dây bảo hiểm trên nhiều mẫu xe không hoạt động. Đợt triệu hồi xe mới nhất của KIA tại Mỹ xuất phát từ điều tra của Cơ quan an toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) nhằm vào KIAngày 16/3/2018 vừa qua sau khi có 4 trường hợp tử vong, 6 người bị thương, trong 6 vụ tai nạn do túi khí không nổ.

kia-trieu-hoi-hang-tram-nghin-xe-do-loi-chot-khoa-cop-sau

Năm 2018, hàng loạt xe Kia từng bị triệu hồi vì lỗi túi khí và cửa trượt. Ảnh: Dân trí 

Theo điều tra, lỗi này là do trục trặc hệ thống điện dẫn tới đoản mạch module điều khiển túi khí (ACU), khiến túi khí không thể bung ra khi xe gặp va chạm. Ông David Friedman, Giám đốc phụ trách lĩnh vực xe và phân tích chính sách sản phẩm thuộc Ủy ban Người tiêu dùng Mỹ (CU) cho biết, lẽ ra KIA phải tiến hành triệu hồi xe từ lâu, đặc biệt là sau khi Hyundai triệu hồi gần 580.000 xe trong hai đợt khác nhau vào tháng 2 và tháng 4 (cùng năm 2018) do lỗi tương tự. CU cũng khuyến cáo NHTSA xử phạt KIA về việc chậm trễ trong báo cáo và xử lý khiếm khuyết sản phẩm.

Riêng tại Mỹ, ước tính KIA sẽ phải triệu hồi khoảng 507.000 xe với lỗi tương tự. Cụ thể, danh sách triệu hồi tại đây gồm các mẫu: Tất cả xe Forte/Cerato phiên bản 2010-13 (sản xuất từ 24-2-2009 tới 31-8-2012), xe Forte Koup 2010-2013 (sản xuất từ 5-6-2009 tới 21-8-2012); Optima phiên bản 2011-2013 (sản xuất từ 12-8-2010 đến 31-8-2012); Optima Hybrid 2011-2012 (sản xuất từ 15-2-2011 đến 31-8-2012), Sedona 2011-2012 (sản xuất từ 3-3-2010 đến 14-8-2012).

Đợt triệu hồi gây chấn động này được công bố chỉ vài ngày sau khi hãng xe Hàn Quốc thông báo triệu hồi hơn 100.000 xe Sedona do lỗi cửa trượt điện. Cụ thể, theo Cơ quan An toàn giao thông Mỹ (NHTSA), cửa trượt của mẫu minivan này bị lỗi phần mềm và có thể gây thương tích cho người sử dụng.

Thông báo của NHTSA cửa trượt điện trên các xe bị triệu hồi có tính năng dừng tự động và trượt ngược trở lại khi gặp vật cản. Tuy nhiên, do lỗi lập trình mô-đun điều khiển, cửa điện có thể không trượt ngược lại khi gặp vật cản. 

Kia cho biết 106.428 chiếc Sedona sản xuất trong giai đoạn từ ngày 21/7/2014 đến 6/12/2017 nằm trong diện triệu hồi. Tuy nhiên, vì xe không được sản xuất theo đúng thứ tự số VIN, nên khách hàng muốn tìm kiếm thông tin cần liên hệ với Trung tâm hỗ trợ khách hàng hoặc đại lý chính hãng.

Quyết định của Kia được đưa ra sau khi xảy ra một số vụ tai nạn liên quan đến lỗi này. Hãng đã xác định được 14 trường hợp chấn thương trong tổng số 21 ca khiếu nại, trong đó có 2 trường hợp được xác nhận là do lỗi phần mềm.

Theo VietQ