Lại phát hiện gần 50 nghìn chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ

48.500 chiếc khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ vừa bị Cục Quản lý thị trường Phú Yên bắt giữ.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT tại công văn số 843/TCQLTT-VPTC về việc triển khai công việc trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, lực lượng QLTT tỉnh tăng cường công tác kiểm tra các mặt hàng phòng, chống dịch.

Từ nguồn tin cơ sở cung cấp, bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào chiều ngày 07/5/2021, Đội QLTT số 1 -Cục Quản lý thị trường Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên tiến hành dừng và khám phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 76C-008.69; lưu hành theo hướng Nam – Bắc do ông Nguyễn Huyền Vọng, sinh năm 1986, thường trú tại Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa, Quãng Ngãi trực tiếp điều khiển.

lai-phat-hien-gan-50-nghin-chiec-khau-trang-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

Lô hàng gần 50 nghìn chiếc khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt giữ.

Kết quả khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe ô tô tải vận chuyển 48.500 chiếc khẩu trang y tế (trong đó: 27.500 chiếc loại 4 lớp dùng cho người lớn, 21.000 chiếc loại dùng cho trẻ em), tất cả đựng trong 10 thùng carton do Việt Nam sản xuất và 2.000 kg bao bì PP (không có nhãn).

Tại thời điểm kiểm tra hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở có hành vi làm giả khẩu trang y tế. Riêng tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra tạm giữ và xử lý tịch thu 186.000 cái khẩu trang các loại.

Việc lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 để sản xuất khẩu trang y tế giả trục lợi là hành vi đáng bị lên án. Bởi, ngoài việc xâm phạm quyền và lợi ích của người tiêu dùng thì việc sản xuất khẩu trang y tế giả, không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm đối với người dùng và làm cho nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Nhà nước trở lên khó khăn hơn.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thị Thu, Công ty Luật số 1 Hà Nội phân tích, theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ, việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế (trong ngành y tế gọi là “khẩu trang phẫu thuật”) không tuân theo các điều kiện về sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với hành vi này, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự hiện hành về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và người phạm tội phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo VietQ