Lốp xe: 'Thủ phạm' gây ô nhiễm gấp gần 2.000 lần khí thải ô tô

Chúng ta luôn tìm cách giảm ô nhiễm khí thải để bảo vệ môi trường, nhưng chính lốp xe và vệt mòn bánh xe mới là thứ làm ô nhiễm môi trường hơn cả.

Hạt bụi mịn từ lốp xe chứa hợp chất hữu cơ độc hại

Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, lượng hạt bụi mịn được tạo ra từ lốp xe hao mòn cao hơn gần 2.000 lần so với khí phát thải của ô tô.

Các nhà phân tích cho biết các hạt bụi mịn này gây ô nhiễm không khí, nước và đất, đồng thời chứa nhiều hợp chất hữu cơ độc hại, gồm cả chất gây ung thư. Điều này cho thấy lốp xe gây ô nhiễm có thể nhanh chóng trở thành vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý.

Các thử nghiệm cũng cho biết cứ 1km di chuyển thì lốp của tổng số xe trên thế giới tạo ra 1 tấn bụi hạt mịn có kích thước nhỏ hơn 23 nanomet (1 met = 1 tỉ nanomet). Chúng được thải ra và rất có hại cho sức khỏe con người, vì kích thước của chúng siêu nhỏ và có thể dễ dàng xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể qua đường máu. Các hạt bụi mịn nhỏ hơn 23 nanomet rất khó đo lường và hiện không được quy định ở EU hoặc Mỹ.

lop-xe-thu-pham-gay-o-nhiem-gap-gan-2-000-lan-khi-thai-o-to

 Lốp xe gây ô nhiễm môi trường gấp 2000 lần khí thải. Ảnh minh họa

Ông Nick Molden làm ở Emissions Analytics, công ty kiểm tra khí thải độc lập hàng đầu đã thực hiện nghiên cứu cho biết: "Lốp xe đang nhanh chóng vượt qua ống xả để trở thành nguồn phát thải chính từ các phương tiện giao thông".

Hiện tại không có quy định về tỷ lệ hao mòn của lốp xe và ít quy định về các hóa chất chứa chúng. Phân tích khí thải hiện đã xác định các hóa chất có trong 250 loại lốp xe khác nhau, thường được làm từ cao su tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu thô. Molden nói: "Có hàng trăm loại hóa chất, trong đó nhiều chất gây ung thư. Khi bạn nhân nó với tổng tỷ lệ hao mòn, bạn sẽ có được một số con số rất đáng kinh ngạc".

Molden nhấn mạnh tỷ lệ hao mòn của các nhãn hiệu lốp xe về cơ bản khác nhau và hàm lượng hóa chất độc hại cũng khác nhau, vì vậy những thay đổi chi phí thấp là khả thi để giảm tác động đến môi trường của lốp xe. Các bài kiểm tra về độ mòn của lốp đã được thực hiện trên 14 thương hiệu xe khác nhau, trong đó có một chiếc Mercedes C-Class lái bình thường trên đường và một số khác đã được kiểm tra trong suốt thời gian sử dụng. Cân có độ chính xác cao đo trọng lượng bị mất đi của lốp xe và một hệ thống lấy mẫu thu thập các hạt bụi mịn thải ra phía sau lốp xe trong khi lái xe đánh giá khối lượng, số lượng và kích thước của các hạt bụi mịn xuống tới 6nanomet.

Lốp đã qua sử dụng tạo ra 36mg hạt bụi mịn/km, cao hơn 1.850 lần so với mức trung bình 0,02 mg/km từ ống xả. Điều này đã khiến lượng phát thải hạt bụi mịn tăng vọt lên tới 5.760 mg/km. Trước đó, một báo cáo năm 2019 của Ủy ban chuyên gia về chất lượng không khí thuộc Vương quốc Anh cũng chỉ ra rằng NEE - sự phát thải các loại hạt vào không khí từ quá trình ăn mòn phanh, lốp và bề mặt đường là một nguồn phát sinh bụi mịn chủ yếu trong giao thông. Trên thực tế NEE chiếm tới 60% lượng bụi mịn PM2.5 và 73% lượng bụi mịn PM10.

Trọng lượng trung bình của tất cả ô tô ngày càng tăng song hiện đã xuất hiện các cuộc tranh luận về việc liệu xe điện chạy bằng pin (BEV), nặng hơn xe hơi thông thường và có mô men xoắn bánh xe lớn hơn, có thể dẫn đến việc tạo ra nhiều hạt bụi mịn từ lốp hơn hay không. Molden cho biết điều đó phụ thuộc vào phong cách lái xe, với những người lái ô tô điện nhẹ nhàng sẽ tạo ra ít hạt hơn so với những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Lốp xe có thể phát tán hạt vi nhựa gây ô nhiễm đại dương

Các nghiên cứu khác trước đây cũng cho thấy lốp xe cũng là thủ phạm chính phát tán 28% tổng số hạt vi nhựa gây ô nhiễm đại dương. Khi cao su mòn đi, lốp xe trơ trọi các hạt nhựa polymer nhỏ và chảy từ sông suối ra gây ô nhiễm cho đại dương.

Theo nghiên cứu mới từ tổ chức Phân tích phát thải (Emissions Analytics), ô nhiễm do mòn lốp có thể tồi tệ hơn 1.000 lần so với ô nhiễm do khí thải. Các hạt vi nhựa có hại từ lốp xe đang đe dọa vào môi trường hằng ngày mà không ai nhận ra. Đặc biệt, các xe tải, bán tải và SUV với trọng lượng lớn và lốp to bản càng khiến sự ô nhiễm này ngày càng tệ hơn.

Vì tạm thời chưa có cải tiến đặc biệt gì cho lốp nên các xe điện vẫn phải sử dụng lốp như xe thường và cũng góp phần vào ô nhiễm. Xe điện thường có trọng lượng nặng hơn (do bộ pin), nên vệt mòn lốp cũng nhiều hơn, gây ô nhiễm hơn.

Điều nguy hiểm ở đây không phải là sự ô nhiễm của lốp mà ở góc nhìn của mọi người về nó vẫn còn mơ hồ. Cơ quan chức năng vẫn còn lơ là. Không giống như quy định về khí thải, không có quy định về ô nhiễm lốp. Khí thải được kiểm soát chặt chẽ đến nỗi những chiếc xe hơi ngày nay không còn phát ra nhiều khí độc hại nữa. Nhưng lốp xe thì vẫn ô nhiễm như trước giờ.

Ví dụ như một chiếc xe có mức phát thải trung bình là 4,5 mg/km. Nhưng vệt mòn bánh xe lại gấp 1.000 lần như vậy. Người ta tính trung bình một chiếc lốp thông thường có thể thải ra 5800 mg/km.

Nhất là ở những con đường xấu, khi bánh xe mềm hoặc khi sử dụng lốp xe dỏm, con số này còn lớn hơn nữa. Và không chỉ có vệt mòn lốp gây ra ô nhiễm. Thật ra, độ mòn má phanh cũng gây ô nhiễm. Và tất cả chúng đều bị xem nhẹ và không được đánh giá đúng mức.

Thách thức lớn nhất hiện giờ là phải thay đổi và cải tiến rất nhiều mới có thể xóa bớt lỗ hổng về bảo vệ môi trường, mà lốp và phanh là những thứ đầu tiên.

Ở Việt Nam, tái chế lốp xe cũ thành sân chơi cho trẻ em là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực. Không chỉ dừng lại ở việc tạo nên những sân chơi cho các em nhỏ, nó còn tạo nên một phong trào hành động cho thanh thiếu niên trên toàn quốc nhằm bảo vệ môi trường.

Tái chế lốp xe làm sân chơi cho trẻ em do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động được nhiều địa phương trên cả nước hưởng ứng. Với sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của đoàn viên thanh niên, việc tái chế lốp xe cũ tạo ra sân chơi thú vị cho trẻ em, vừa đẹp mắt, vừa tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Theo VietQ