Lười ăn rau, ít vật động, cô gái 18 tuổi phải lên bàn mổ: Lời cảnh báo cho nhiều người trẻ

Đi đại tiện đau rát, ra máu, ngồi khó khăn, N.T.D.L (18 tuổi, ở Bắc Ninh) đi khám và được bác sĩ khuyên nên phẫu thuật do búi trĩ sa lồi ra ngoài.

Cách đây 3 năm, L đã được chẩn đoán mắc bệnh trĩ nhưng do không ảnh hưởng tới sức khỏe nên chủ quan. Gần đây, búi trĩ sa lồi ra ngoài và khiến L gặp bất tiện trong sinh hoạt như đi đại tiện đau rát, ra máu, vận động đi lại và ngồi khó khăn hơn. Lúc đó, L mới quyết định đi khám.

Kết quả khám cho thấy L bị trĩ hỗn hợp độ 3, nứt kẽ hậu môn. Bệnh nhân được chỉ định điều trị cắt trĩ bằng phương pháp Longo.

luoi-an-rau-it-vat-dong-co-gai-18-tuoi-phai-len-ban-mo-loi-canh-bao-cho-nhieu-nguoi-tre

Bệnh nhân được bác sĩ tiến hành phẫu thuật, ảnh BSCC.

BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK Medlatec cho hay, bệnh trĩ thường gặp ở người lớn tuổi, phụ nữ sau sinh, hoặc nam giới uống rượu bia nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người mắc bệnh trĩ ngày càng trẻ hóa.

Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống thiếu vận động và ăn uống thiếu khoa học của người trẻ : ăn ít rau củ quả dẫn tới thiếu chất xơ, gây táo bón; nếp sống sinh hoạt thất thường như thức khuya, ngồi máy tính nhiều cũng có thể dẫn đến trĩ.

[Đọc thêm: Những hậu quả 'nghiêm trọng và lâu dài' khi bạn không ăn đủ chất xơ ]

Để tránh nguy cơ mắc bệnh trĩ ở người trẻ, bác sĩ Thưởng khuyên mọi người nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý; uống đủ nước, ăn rau, củ quả; hạn chế ngồi nhiều, hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại; cần vận động hàng ngày, vận động thường xuyên.

Triệu chứng phát hiện sớm bệnh là: đi ngoài ra máu, có cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn; đau rát hậu môn trong và sau khi đi vệ sinh và khi ngồi; đi ngoài thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn. Khi thấy những dấu hiệu này, người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Bệnh trĩ gây phiền toái rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Việc đi lại hay ngồi đều khó khăn. Nhất là ở thể nặng khi búi trĩ bị tổn thương, nhiễm trùng có thể chảy máu liên tục, sa nghẹt búi trĩ, xuất hiện dịch nhầy, mùi hôi khó chịu. Điều này khiến người bệnh không chỉ đau mà còn không thoải mái và mất tự tin trong sinh hoạt.

Ở cấp độ nặng, người bệnh có thể chảy máu rất nhiều khi đại tiện, ra máu thường xuyên. Cơ thể bị mất máu, mệt mỏi. Nhiều trường hợp búi trĩ bị viêm có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, búi trĩ bị viêm loét, hoại tử, rò rỉ hậu môn không kiểm soát ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sự tự tin trong giao tiếp hàng ngày.

Bệnh trĩ được chia làm 2 loại: Trĩ nội và trĩ ngoại

- Trĩ nội: Búi trĩ hình thành phía trong hậu môn, bên ngoài không nhìn thấy được.

- Trĩ ngoại: Búi trĩ nằm ở dưới đường lược, xuất phát từ đám rối trĩ ngoại (mạch trực tràng dưới) và lòi ra bên ngoài hậu môn giống như một đoạn thịt thừa có thể sờ tay thấy.

- Phối hợp cả trĩ nội và trĩ ngoại gọi là trĩ hỗn hợp.

Trĩ nội được chia làm 4 độ:

- Độ I: Trĩ không sa ra ngoài, thỉnh thoảng đại tiện máu.

- Độ II: Trĩ sa ra ngoài và tự tụt vào trong hậu môn sau khi đại tiện.

- Độ III: Trĩ sa ra ngoài, tự co lên sau một hồi hoặc phải dùng tay để đẩy lại vào trong.

- Độ IV: Trĩ sa ra ngoài liên tục và không thể tự đẩy lại vào trong.

Theo BS Thưởng, bệnh trĩ ở mức độ nhẹ như độ 1, độ 2 thì bác sĩ thường kê đơn điều trị nội khoa và hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày thì sẽ ổn định được tình trạng trĩ.

Bác sĩ Thưởng khuyến cáo, do tâm lý chủ quan và e ngại, hầu hết bệnh nhân trĩ đến khám và điều trị khi xuất hiện triệu chứng bệnh nặng. Bệnh trĩ càng chữa trị sớm thì càng nhanh khỏi, việc điều trị càng đơn giản, giảm đau đớn, giảm biến chứng và giảm chi phí điều trị.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị