Lương giáo viên được tính như thế nào theo quy định mới?

Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua và sắp sửa có hiệu lực trong thời gian tới sẽ có những thay đổi cơ bản về cách tính lương và phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Với 414/453 đại biểu tán thành bằng 85,54%, Dự án Luật Giáo dục (Sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật Giáo dục sửa đối được thông qua và sắp sửa có hiệu lực trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp tới đội ngũ giáo viên, trong đó là cách tính lương và phụ cấp.

Theo Luật Giáo dục sửa đổi lương giáo viên được tính như thế nào?

Trao đổi với báo Vietnamnet, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, liên quan tới việc áp dụng Luật Giáo dục sửa đổi trong thời gian tới, ngành đã xúc tiến các công việc, xây dựng các nghị định, thông tư từ bây giờ. Đối với đội ngũ giáo viên có một số chính sách thay đổi lớn. Một trong những sự thay đổi đáng chú và được quan tâm nhất có lẽ là cách tính lương mới đối với đội ngũ giáo viên.

Cụ thể, theo ông Hoàng Đức Minh, bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề.

Bảng lương làm việc trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành giáo dục không có bảng lương riêng so với các ngành nghề khác, nhưng định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo đã được nâng lên theo chuẩn yêu cầu. Đây cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương ở bậc mầm non, tiểu học, THCS. Theo một cách logic, như vậy mức lương đã được nâng lên so với hiện nay.

Lương của giáo viên, đặc biệt là mầm non, tiểu học và THCS sẽ được nâng lên, đặc biệt với những giáo viên mới vào ngành. Về phụ cấp ưu đãi, Bộ đang xây dựng và bảo vệ quan điểm đối với ngành giáo dục được tối đa là 30%.

Không còn phụ cấp thâm niên cho giáo viên

Cùng với đó, theo Luật Giáo dục mới sẽ không còn phụ cấp thâm niên cho giáo viên, do đó Bộ sẽ phân tích tính chất phức tạp, đặc thù của ngành để bảo vệ quan điểm được phụ cấp cao nhất các cấp độ. Ngoài bậc lương thì tất cả các phụ cấp khác sẽ theo đúng giá trị giáo viên mang lại cho xã hội. Giáo viên sẽ được đánh giá theo bộ chuẩn về năng lực và phẩm chất, chứ không có nghĩa cứ nhiều tuổi hơn thì phụ cấp được nhiều hơn.

luong-giao-vien-duoc-tinh-nhu-the-nao-theo-quy-dinh-moi

Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua và sắp sửa có hiệu lực trong thời gian tới sẽ có những thay đổi về cách tính lương và phụ cấp của giáo viên

Theo ông Minh, tới đây không còn phụ cấp thâm niên nữa - phụ cấp này đang là một bức tranh phân cấp giữa người mới vào ngành và người lâu năm.

Khi bỏ phụ cấp thâm niên, có thể phân hóa về mặt phụ cấp giữa người mới vào và người lâu năm sẽ không còn hoặc được rút ngắn thông qua cơ cấu của phụ cấp ưu đãi. Điều này không làm ảnh hưởng đến lương của người làm lâu năm nhưng những người mới vào với lộ trình 10 năm đầu sẽ được đẩy lên tương đối. Rút ngắn đó cũng mang tính logic, hợp lý.

Về tổng thể, có thể đều cùng được nâng lên nhưng khoảng cách giữa lương của người mới vào ngành và người lâu năm sẽ giải quyết một số bất cập đang hiện hữu. Tức là cứ càng lâu năm thì bậc lương đã cao mà phụ cấp cũng được kéo dài chứ không đi theo đặc thù cống hiến hoặc theo nguyên lý rõ ràng như cách tính bảng lương đang xây dựng hiện nay – trả theo đúng vị trí việc làm.

Cách tính này sẽ làm cho khoảng cách đó cơ bản được rút ngắn và cũng phù hợp với các thực tiễn mong đợi là lương trả theo tính chất phức tạp và vị trí nghề nghiệp.

"Trong tổng cơ cấu phụ cấp đó, trong nội bộ của ngành, không phải tất cả đều được mức 30% mà có xê dịch, tính toán theo tính chất công việc của các cấp, các nhóm theo hạng chức danh. Nhưng cơ cấu phụ cấp ấy sẽ không bị “giãn” như trước nay là hoàn toàn chỉ theo độ tuổi (thâm niên) mà sẽ phân định theo mức phức tạp của các đối tượng trong cùng một cấp và của các cấp khác nhau. Như vậy, đảm bảo không bất cập theo kiểu cứ tuổi cao là phụ cấp cao, khác biệt so với người mới vào như trước đây", ông Minh cho hay.

Theo GiaDinhVietNam