Mang thai ngoài 40 tuổi và những điều cần lưu ý

Phụ nữ mang thai độ tuổi tứ tuần có nhiều rủi ro như sảy thai, thai chết lưu, nguy cơ dị tật bẩm sinh,... vì thế bà bầu tuổi này cần đặc biệt lưu ý sức khỏe.

Cơ hội mang thai

Cơ hội thụ thai tự nhiên trong vòng một năm khoảng 40 - 50%, đối với phụ nữ 40 tuổi, nhưng chỉ còn 1 - 2% khi họ 43 tuổi. Trong khi đó, cơ hội này là 75% với phụ nữ trong độ tuổi 30. Rõ ràng đây là một bất lợi của phụ nữ lớn tuổi. Những người không thể thụ thai tự nhiên sau ba tháng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia khoa sản hoặc xem xét sử dụng một biện pháp can thiệp khác.

Lợi thế của việc mang thai tuổi tứ tuần

Phụ nữ tuổi 40 thường trưởng thành hơn, ổn định về tài chính và có sự trải nghiệm để nuôi dạy con cái khôn ngoan hơn so với những phụ nữ trẻ. Hơn nữa, các bà mẹ sinh con ở tuổi 40 sẵn sàng nuôi con bằng sữa mẹ - sự lựa chọn dinh dưỡng khỏe mạnh cho đứa trẻ bởi họ thấy quý trọng việc mình có con hơn.


Ảnh minh họa

Rủi ro trong việc mang thai ngoài tuổi 40

Phụ nữ mang thai ở tuổi 40 tiềm ẩn nhiều rủi ro như sau:

Nguy cơ sảy thai đối với phụ nữ dưới 40 là 10 - 20%, 35% ở tuổi 40 - 44 và tới hơn 50% với phụ nữ tuổi 45. Nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng sảy thai là do bất thường nhiễm sắc thể. 
Tỉ lệ thai chết lưu sau 20 tuần đầu của thai kì với phụ nữ trên 40 tuổi cao hơn 2 - 3 lần so với phụ nữ mang thai ở độ tuổi 20.

Nguy cơ dị tật bẩm sinh thì cứ 1250 bé sẽ có 1 bé bị dị tật bẩm sinh khi bà mẹ 25 tuổi, nhưng khi bà mẹ 40 tuổi thì trong 100 bé sẽ có 1 bé mắc phải.

Bên cạnh đó nguy cơ em bé bị hội chứng down xảy ra khi mẹ ở tuổi 30 là 1 bé trong 965 bé và khi mẹ tuổi 40 là 1 bé trong 109 bé.

Những rủi ro khác đối với thai phụ cũng tăng theo tuổi tác: Bệnh tiểu đường thai kì, huyết áp cao, vấn đề nhau thai, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân… phổ biến hơn với phụ nữ mang thai ở độ tuổi 40 so với phụ nữ trẻ tuổi. Bên cạnh đó, nguy cơ đẻ mổ cũng tăng.

Lời khuyên

Phụ nữ ở độ tuổi 40 có thể cải thiện để có một thai kỳ khỏe mạnh. Trước khi quyết định mang thai ở tuổi này, bạn cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, đảm bảo bạn đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể để duy trì một thai kì.

Khi có thai, bạn nên bắt đầu tìm một bác sĩ sản khoa riêng để chăm sóc, theo dõi sức khỏe của bạn cũng như sức khỏe của bé định kì.

Bạn cũng nên chọn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhất, lành mạnh nhất. Cùng với chế độ ăn uống khoa học, bạn cũng cần theo dõi cân nặng, tập thể dục với khả năng của mình để duy trì hoặc thậm chí cải thiện sức khỏe.

Ngoài ra, giống như những phụ nữ mang thai hoặc đang cố gắng để có thai khác, phụ nữ tuổi 40 cũng nên tránh rượu, thuốc lá, ma túy, thịt chưa nấu chín, cá có lượng thủy ngân cao.
Khi có nguy cơ biến chứng thai kì, chị em nên thận trọng khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu: Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân, đau bụng, vùng chậu, sưng nặng, chuột rút ở chân, đau đầu nghiêm trọng hoặc kéo dài, ngất xỉu, khó thở, đau ngực và thai nhi ít máy, thì ngay lập tức phải đến bác sĩ.

Đặc biệt, phụ nữ bị trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng trong thời kì mang thai cũng nên tìm kiếm sự giúp đỡ của một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Theo Mai Kim Phượng ( GDVN )