Người dân treo biển 'cần cứu trợ', Bình Dương xử lý ra sao?

Mặc dù đã có tổng đài 1022 nhưng do phát sinh số cuộc gọi quá nhiều dẫn tới quá tải, người dân tại Bình Dương phải treo biển 'cần hỗ trợ'. Sau khi ghi nhận thực tế, lãnh đạo tỉnh có nhiều biện pháp khắc phục.

nguoi-dan-treo-bien-can-cuu-tro-binh-duong-xu-ly-ra-sao

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thăm người dân treo biển “cần hỗ trợ” trong chuyến kiểm tra tại Bình Dương. - Ảnh: B.S.

Mặc dù việc người dân treo biển đề nghị hỗ trợ lương thực là cá biệt thì cũng cần phải phát hiện, xử lý ngay, không để quá hai tiếng kể từ khi người dân treo biển

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị với lãnh đạo tỉnh Bình Dương và thành phố Thuận An

Ngày 26-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương công bố danh sách số điện thoại đường dây nóng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài số điện thoại của Trung tâm thông tin tác chiến tỉnh và các thành phố, huyện thị trực thuộc (số máy bàn), tất cả các xã, phường đều công bố số đường dây nóng riêng, trong đó nhiều xã phường công bố số di động của lãnh đạo.

Trước đó, đã xảy ra sự việc hy hữu trong chuyến kiểm tra của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Bình Dương ngày 24-8. Khi đi qua một dãy trọ trong khu dân cư Thuận Giao, thành phố Thuận An, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thấy người dân treo biển "cần hỗ trợ" nên đã tới hỏi thăm thì người dân cho biết "mong được hỗ trợ lương thực vì đã không được đi chợ 4 ngày rồi".

Có mặt tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi hỏi bà con "có biết tổng đài 1022 không?". Bà con đáp: "Có gọi nhưng tổng đài bận suốt". Ông Lợi nói có thể do số cuộc gọi nhiều quá nên tổng đài quá tải, động viên bà con kiên trì gọi lại và cho biết tỉnh sẽ "tăng cường thêm 100 người nữa để trực tổng đài".

nguoi-dan-treo-bien-can-cuu-tro-binh-duong-xu-ly-ra-sao

Tại Thuận An, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thanh Tâm (thứ hai từ phải qua) cùng bộ đội đi phát gạo, thực phẩm cho người dân ở trọ để nắm tình hình thực tế - Ảnh: B.S.

Ngay sau chuyến kiểm tra của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác Chính phủ, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, công tác hỗ trợ gạo, thực phẩm cho người dân trong vùng bị "khóa chặt, đông cứng" đã được nỗ lực đẩy nhanh hơn.

Tại Tân Uyên, ông Nguyễn Hồng Nguyên - phó chủ tịch thị xã - cho biết ngày đầu tiên do phải san sẻ nguồn thực phẩm cho nơi khác theo điều tiết của Sở Công thương nên thị xã phát trước cho 3 trong số 7 phường bị "khóa chặt, đông cứng". Nhưng sau khi có chỉ đạo của tỉnh, Tân Uyên đang tiến hành phát đồng loạt tại các phường.

Tại Thuận An, ông Nguyễn Thanh Tâm - chủ tịch UBND thành phố - trực tiếp cùng bộ đội đi phát gạo, thực phẩm để nắm tình hình.

Tại nhiều khu vực, bộ đội và chính quyền địa phương làm việc cả ban đêm để kịp phát gạo cho người dân. Tuy nhiên, do số lượng dân trong 11 phường bị "khóa chặt, đông cứng" tại Thuận An và Tân Uyên tổng cộng 720.000 người, chiếm tới 1/4 tổng dân số toàn tỉnh là rất lớn nên sẽ ưu tiên cho những trường hợp cần hỗ trợ gấp và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho toàn bộ người dân.

nguoi-dan-treo-bien-can-cuu-tro-binh-duong-xu-ly-ra-sao

Tại Tân Uyên, lực lượng chức năng và tình nguyện viên chuẩn bị thực phẩm để phát cho người dân tại phường Tân Hiệp - Ảnh: B.S.

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết tỉnh có chỉ đạo sát sao và kiểm tra thực tế quá trình thực hiện của các địa phương. Để đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ người dân và công tác phòng chống dịch, Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ tỉnh Bình Dương thêm 2.000 quân nhân. 

Song song với việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, cơ quan chức năng của tỉnh cũng chuẩn bị cho tình huống tỉnh có thêm trên 50.000 ca F0 trong hai tuần tới, với tổng số F0 có thể lên tới 150.000 người (tới hết 25-8 Bình Dương hiện có 81.182 ca).

Người dân có thể gọi số nào?

Nếu cấp cứu gọi 115

Cần hỗ trợ, cứu trợ, phản ánh hoặc tư vấn y tế gọi 1022; hoặc cũng có thể nhắn tin qua fanpage "websitetinhBinhDuong" trên Facebook hoặc "Binh Duong SmartCity" trên Zalo...

Các tình huống khẩn cấp, cứu trợ có thể gọi các số đường dây nóng của tỉnh và các địa phương (xem chi tiết danh sách tại binhduong.gov.vn).

Theo Tuoitre